Tỉnh ủy Quảng Ngãi thông qua nhiều Chương trình hành động quan trọng

NDO - Chiều 9/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy bất thường, xem xét, thông qua nhiều Chương trình hành động quan trọng trong việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu tại hội nghị.

Theo đó, sau khi thảo luận, các đại biểu thông qua 3 Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, gồm: Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đối với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Đến năm 2045, công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng, đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 7,25-8,25%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt trong khoảng 7.700-7.900 USD.

Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu GRDP đến năm 2030 đạt 72-73%. Năng suất lao động tăng trưởng bình quân 6,5-7,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 410 nghìn tỷ đồng.

Để thực hiện tốt mục tiêu trên, chương trình hành động đưa ra các giải pháp chủ yếu.

Cụ thể: hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Chủ động phối hợp các bộ, ngành Trung ương triển khai thực hiện Đề án xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

Đầu tư, phát triển Khu kinh tế Dung Quất là khu kinh tế ven biển chuyên biệt, xanh, thông minh và phát triển bền vững, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Phát triển hệ thống đô thị; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển huyện đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển-đảo.

Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển toàn diện văn hóa-xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân..

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan được giao nhiệm vụ, nhất là cơ quan chủ trì chủ động, tích cực chỉ đạo tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

Qua đó, tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu nêu ra trong Chương trình hành động, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị.

“Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Tỉnh ủy phải toàn diện, xuyên suốt, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, khoa học và đạt kết quả tốt nhất”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân lưu ý.

Đối với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân yêu cầu, quá trình thực hiện, cần bám sát chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng và thực tiễn của địa phương, cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, nguồn lực khả thi.

Đồng thời, phải quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo đi kèm với công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên để tạo bước chuyển mới có tính đột phá, cùng cả nước thực hiện thành công Nghị quyết số 26, xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ngãi ngày càng giàu, mạnh.