Tỉnh ủy Quảng Ngãi thông qua 4 chương trình, kế hoạch quan trọng

NDO - Ngày 30/9, tại Hội nghị lần thứ 9, Tỉnh ủy Quảng Ngãi thông qua chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu kết luận Hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu kết luận Hội nghị.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của chương trình hành động là phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, thật sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút nông dân, hộ kinh tế cá thể, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.

Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh có khoảng 250 tổ hợp tác với 2.500 thành viên; 330 hợp tác xã với gần 300 nghìn thành viên; 2 liên hiệp hợp tác xã. Bảo đảm hơn 70% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá. Trong đó, có ít nhất 30% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.

Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã đạt gần 4 nghìn người. Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt từ 50%; khoảng 80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề giám đốc. Doanh thu bình quân của hợp tác xã đạt 4 tỷ đồng/hợp tác xã. Lợi nhuận bình quân đạt 200 triệu đồng/hợp tác xã. Phấn đấu xây dựng tối thiểu 2 hợp tác xã kinh doanh tổng hợp theo chuỗi giá trị với quy mô cấp huyện.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2030 cả tỉnh có khoảng 10% hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nông sản; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Xử lý dứt điểm các hợp tác xã đã ngừng hoạt động và các hợp tác xã chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012; củng cố, kiện toàn các hợp tác xã yếu kém, hoạt động không hiệu quả.

Để thực hiện mục tiêu trên, chương trình hành động đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tập thể; phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp và Liên minh hợp tác xã đối với phát triển kinh tế tập thể.

Tại Hội nghị, Tỉnh ủy Quảng Ngãi cũng đã xem xét, thông qua Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu, trên cơ sở các chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của cấp mình bảo đảm thống nhất với chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy và phù hợp với điều kiện thực tiễn của ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Quá trình tổ chức thực hiện, cần thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và toàn dân, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động để đưa nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống.

“Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị tiếp tục phát huy tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo, cùng với toàn Đảng bộ tỉnh nỗ lực phấn đấu, thực hiện hiệu quả các chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ tỉnh”, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân đề nghị.