Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Trong thời gian tới, phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, đầy đủ, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Ðại hội XIII và Nghị quyết của Trung ương lần này về phát triển kinh tế tập thể phù hợp với yêu cầu và tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta.
Tăng nguồn lực cho kinh tế tập thể, hợp tác xã
Anh Cao Văn Chiến và nhiều xã viên Hợp tác xã nuôi ong núi thôn Nậm Dù, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (Lào Cai) rất vui khi Trung ương có quyết sách mạnh mẽ, thúc đẩy mô hình hợp tác xã. Anh chia sẻ mong muốn rằng khi có Nghị quyết của Trung ương, nhiều khó khăn của khu vực kinh tế tập thể sẽ sớm được tháo gỡ, như về nguồn vốn. Bởi hiện tại, dù là một hợp tác xã năng động, phát triển nhưng các thành viên vẫn khó tiếp cận các nguồn vốn vay khi muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, đúng như Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII nhận định: chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy đã có nhiều nhưng còn dàn trải, phân tán, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực để tổ chức thực hiện.
Từ thực tế của tỉnh Ðắk Nông, đồng chí Nguyễn Khải, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho rằng đây là khó khăn lớn nhất của các hợp tác xã hiện nay. Vốn của hợp tác xã chủ yếu là vay từ thành viên hoặc người thân của gia đình thành viên. Các kênh có thể vay như Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, vay giải quyết việc làm, thông qua các tổ chức, đoàn thể và từ ngân hàng đều hạn chế và thủ tục phức tạp. Thí dụ như vay ngân hàng thương mại, đòi hỏi phải có tài sản thế chấp. Thế nhưng, hầu hết các hợp tác xã đều có tài sản rất ít, giá trị thấp.
Theo PGS, TS Nguyễn Văn Thạo (nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương), hiện tại nguồn lực Nhà nước hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu đề ra. Ðồng tình với kết luận của Trung ương phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, đầy đủ, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Ðại hội XIII và Nghị quyết của Trung ương lần này về phát triển kinh tế tập thể; đồng chí kiến nghị Nhà nước cần dành nguồn lực lớn hơn để hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển. Doanh thu, thu nhập của hợp tác xã phần lớn là phát sinh từ các dịch vụ hợp tác xã cung ứng cho các thành viên theo những quy định nội bộ, vì vậy, thuế doanh thu, thuế thu nhập đối với hợp tác xã cần phải thấp hơn so với doanh nghiệp, đồng bộ với các chính sách trợ cấp, trợ giá của Nhà nước cho các yếu tố sản xuất đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra của hợp tác xã.
Nhà nước cần có chính sách để các ngân hàng thương mại dành nguồn vốn lớn hơn, điều kiện thuận lợi hơn, với chi phí thấp hơn khi vay vốn tín dụng ngân hàng (cho vay lãi suất thấp, thủ tục đơn giản cho các chương trình, dự án sản xuất, kinh doanh được đánh giá có hiệu quả, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, không cần thế chấp); tăng thêm nguồn vốn cho quỹ hỗ trợ hợp tác xã, tạo thuận lợi cho hợp tác xã được vay vốn hỗ trợ từ quỹ.
Thúc đẩy chuyển đổi số trong kinh tế tập thể
Tâm đắc với giải pháp mà Hội nghị Trung ương chỉ ra: Có chính sách ưu tiên các tổ chức kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bác Nguyễn Văn Nhanh, nông dân xã Tân Tiến, huyện Hưng Hà (Thái Bình) chia sẻ, rất muốn sử dụng công nghệ thông tin để đưa khoa học-kỹ thuật vào sản xuất hay trao đổi, mua bán sản phẩm nông nghiệp, tuy nhiên trình độ bà con thấp, hạ tầng thông tin yếu cho nên hiện còn khó tiếp cận.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, tỷ lệ hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị tăng đều hằng năm, nhưng còn ở mức thấp. Chưa đến 10% số hợp tác xã nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đó, tham gia chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học-công nghệ là những hoạt động quan trọng để hợp tác xã thu hút thành viên, tạo giá trị gia tăng cho thành viên và hợp tác xã, bảo đảm sự phát triển bền vững của hợp tác xã nông nghiệp.
Theo khảo sát về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của Liên minh hợp tác xã Việt Nam mới đây cho thấy, hạ tầng và thiết bị phục vụ quá trình số hóa của hợp tác xã chỉ đạt 2,28/5 (điểm), mức độ hiểu biết về công nghệ thông tin và số hóa của lãnh đạo hợp tác xã ở mức 2,75/5, mức độ sẵn sàng đầu tư tài chính cho số hóa chỉ chiếm 2,38/5, mức độ về thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin của thành viên hợp tác xã chiếm 2,42/5. Ðiều này khiến các hợp tác xã nông nghiệp rơi vào tình trạng không quản lý hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan đến hệ sinh thái.
PGS, TS Phạm Quang Hà, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, hợp tác xã nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, phát triển hợp tác xã nông nghiệp thông minh là yêu cầu bắt buộc khi công nghệ số đang phát triển như vũ bão hiện nay. Nhưng do năng lực hạn chế cho nên kinh tế tập thể, hợp tác xã rất cần các nguồn lực, chính sách hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp, các tổ chức khoa học-công nghệ nghiên cứu, hợp tác, chuyển giao, hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Ðây cũng là một trong những “điểm nghẽn” cần có giải pháp tháo gỡ để góp phần phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Vai trò của các cơ quan nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương có yếu tố quyết định. Vì vậy nhiều ý kiến rất đồng tình với đánh giá của Trung ương cho rằng: Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy đảng và chính quyền còn hình thức, chưa thật sự quan tâm, thậm chí còn lúng túng, hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể. Chính vì vậy, thời gian tới cần tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đảng viên và người dân về bản chất, vị trí, vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, có kế hoạch cụ thể và coi trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, Liên minh hợp tác xã phải phối hợp chặt chẽ tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển kinh tế tập thể, vận động, phối hợp các ban, ngành hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Có như vậy, kinh tế tập thể mới khắc phục được những hạn chế, khó khăn, phát triển lớn mạnh, thật sự trở thành một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.