Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Trung ương đã xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Quá trình kiểm điểm thể hiện trách nhiệm nêu gương trong thực hiện các quy định của Bộ Chính trị. Từ đó, lan tỏa hiệu ứng tích cực, tạo động lực để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý tự soi, tự sửa; xây dựng tập thể đoàn kết, học hỏi và sẻ chia nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ.
Tạo đột phá về trách nhiệm nêu gương
Một trong ba đột phá thực hiện Chỉ thị 05 trong nhiệm kỳ Đại hội XIII được Bộ Chính trị xác định, là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên với yêu cầu chức vụ càng cao, trọng trách càng lớn càng phải thực hiện nêu gương. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan, đơn vị cần tập trung làm tốt ba vấn đề: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, mà trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tại Hội nghị Trung ương 5 lần này, việc Bộ Chính trị gửi các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 để thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng, thể hiện tinh thần cầu thị, trách nhiệm nêu gương của cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Trước đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành 3 ngày trong tháng 1/2022, để tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể và cá nhân từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư gắn với việc thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Việc kiểm điểm lần này là thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, theo quy chế, quy trình từng bước hợp lý. Các báo cáo kiểm điểm đều được chuẩn bị theo đúng quy định, hướng dẫn. Không khí kiểm điểm theo tinh thần tự phê bình, phê bình nghiêm túc, thẳng thắn, dân chủ, đoàn kết, chân tình. Các đồng chí được góp ý đã tiếp thu nghiêm túc, cầu thị, coi đây như là cơ hội quý để học tập, chia sẻ lẫn nhau. Trong quá trình kiểm điểm, từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã liên hệ đến trách nhiệm cá nhân đối với lĩnh vực được phân công, thấy rõ những ưu điểm để phát huy, nhận ra những khuyết điểm, hạn chế để khắc phục. Qua kiểm điểm tập thể và cá nhân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy: Năm 2021, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn luôn đoàn kết, thống nhất, bình tĩnh, kiên định, sáng suốt trước khó khăn, thử thách, có nhiều đổi mới và sáng tạo, bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối, cụ thể hóa các nội dung quan trọng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đã có các quyết sách đúng đắn, kịp thời và phù hợp với tình hình thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tổ chức triển khai thực hiện, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có những dấu ấn nổi bật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, bạn bè thế giới đánh giá cao.
Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 8/3/2018 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, được áp dụng từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó, đối tượng kiểm điểm tập thể ở Trung ương trước hết là Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng. Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu, kiểm điểm tự phê bình, phê bình và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm để các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và từng cá nhân tự soi, tự sửa lại mình, từ đó đề ra chủ trương, giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ…
Phương pháp sáng tạo, bảo đảm khách quan, toàn diện, thực chất
Sự gương mẫu, đi đầu, "nói đi đôi với làm" của Trung ương lan tỏa hiệu ứng tích cực, tạo động lực để cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các tổ chức, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, bảo đảm khách quan, toàn diện, thực chất trong kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.
Theo Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải, cách làm của Trung ương đã tạo mẫu để các cấp ủy, tổ chức đảng học tập và vận dụng. Nhìn lại năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã lãnh đạo, chỉ đạo các đảng ủy trực thuộc chung sức, đồng lòng, nỗ lực thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Kiểm điểm công tác năm 2021, Ban Thường vụ đã chỉ rõ ưu, khuyết điểm trong quán triệt, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, quyết định, kết luận của cấp trên; xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác của tập thể; công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; kết quả đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái trong nội bộ gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Từ đó, chỉ rõ trách nhiệm tập thể Ban Thường vụ và Thường trực Đảng ủy Khối và của từng cá nhân đối với những khuyết điểm, hạn chế ở các lĩnh vực công tác được phân công phụ trách. Một số hạn chế, khuyết điểm được cấp có thẩm quyền kết luận hoặc chỉ ra trong năm 2020, như chưa tiến hành tổng kết việc thực hiện quy chế, chương trình phối hợp công tác giữa Đảng ủy Khối với một số ban cán sự đảng ban, bộ, ngành theo Chương trình công tác năm; công tác phát triển đảng viên mới chưa đạt chỉ tiêu; còn sáu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thua lỗ... đã cơ bản được khắc phục trong năm 2021.
Đối với các đảng ủy trực thuộc, Đảng ủy Khối phân công các tổ công tác do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ làm tổ trưởng, dự kiểm điểm tập thể, cá nhân ban thường vụ đảng ủy cấp trên cơ sở, đảng ủy cơ sở trực thuộc. Đối với những đảng bộ có vị trí quan trọng hoặc có gợi ý kiểm điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối, đồng chí Thường trực được phân công dự và chỉ đạo hội nghị kiểm điểm. Điểm mới nổi bật năm 2021 là việc kiểm điểm, đánh giá hằng năm đã kịp thời gắn với việc quán triệt, triển khai Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đảng bộ Khối đã triển khai đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt, thực hiện tự phê bình và phê bình đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đảng viên. Theo đó, 27 biểu hiện về suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã được cụ thể hóa thành 90 biểu hiện để cán bộ, đảng viên đối chiếu. Trên cơ sở đó xây dựng báo cáo kiểm điểm cá nhân, kiểm điểm trước chi bộ và trước các tập thể lãnh đạo quản lý. Năm 2021, số đơn vị được gợi ý, lưu ý các vấn đề kiểm điểm sâu và yêu cầu kiểm điểm rõ trách nhiệm sau kiểm tra, giám sát chuyên đề là 13/38 đơn vị (chiếm 34,21% đơn vị trong Khối, tăng 19,93% so năm 2020). Sau kiểm điểm, nhiều đơn vị có báo cáo kết quả khắc phục hạn chế, khuyết điểm một cách khẩn trương, nghiêm túc. Có 4 đảng viên qua kiểm điểm, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ đã có kế hoạch sửa chữa, khắc phục.
Sáng tạo của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trong việc tạo thêm cơ sở để định lượng trong kiểm điểm, đánh giá, xếp loại hằng năm, là thực hiện "khoán sản phẩm" đối với người đứng đầu cấp ủy, đơn vị. Việc giao sản phẩm và chỉ tiêu cụ thể cho người đứng đầu các cơ quan đảng, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, bí thư cấp ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện đã tạo chuyển động trong cả hệ thống chính trị. Nhiều nhiệm vụ khó đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức như phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước, giải phóng mặt bằng hay xử lý vi phạm đất đai… Cách làm này phần nào giải đáp những băn khoăn lâu nay của cấp ủy các cấp là làm thế nào để đánh giá cán bộ công tâm, khách quan, chính xác; làm sao để định lượng rõ ràng năng lực, trách nhiệm của cán bộ, để nhận rõ ưu, khuyết điểm của cán bộ. Kết quả hoàn thành nhiệm vụ đã giao chính là cơ sở để tỉnh lựa chọn và sử dụng cán bộ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, có tinh thần đổi mới, sáng tạo. Theo Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, giao sản phẩm, nhiệm vụ là giải pháp thực tế được tập thể Ban Thường vụ bàn bạc và nhất trí cao, góp phần xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ đủ trình độ, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong giai đoạn phát triển mới, Vĩnh Phúc cần tranh thủ thời cơ để thực hiện những mục tiêu lớn hơn. Từ những kinh nghiệm bước đầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc mở rộng đối tượng giao nhiệm vụ và đánh giá cán bộ bằng sản phẩm đối với hơn 40 người đứng đầu các đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện trong năm 2022. Tăng việc mới, việc khó, việc cần đột phá, sáng tạo để giải quyết các điểm nghẽn, tồn tại của các sở, ngành, địa phương. Định kỳ hằng quý hoặc đột xuất theo yêu cầu, báo cáo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Nhấn mạnh yếu tố đoàn kết của tập thể lãnh đạo chủ chốt, tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao sự chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm hết sức nghiêm túc, trách nhiệm, gương mẫu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; và hoàn toàn đồng tình, nhất trí cao với Báo cáo, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm dẫn đến thành công của năm 2021. Tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt là một tập thể đoàn kết, thống nhất, trên dưới đồng lòng, đã phát huy những bài học kinh nghiệm được rút ra tại Đại hội XIII của Đảng; tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, có bước đi phù hợp; chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình... Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã bám sát Quy chế làm việc, Chương trình làm việc toàn khóa và Chương trình làm việc năm 2021, bảo đảm sự chỉ đạo, điều hành khoa học, phối hợp nhịp nhàng, thống nhất, không có tình trạng chồng chéo hoặc "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Phương thức lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư có đổi mới, có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, bảo đảm được sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trực tiếp, toàn diện.
Đó cũng chính là động lực tinh thần, bài học thực tiễn quý báu để các cấp ủy đảng noi theo, xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất, đồng lòng quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trong giai đoạn mới.