Tình trạng thiếu nhân lực y tế làm “nóng” nghị trường Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An

Tại phiên họp diễn ra vào sáng 6/12, kỳ họp thứ 25 Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An, nhiều vấn đề quan trọng của ngành y tế nhận được sự quan tâm của các đại biểu, nhất là tình trạng thiếu nghiêm trọng nhân lực y tế.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Lê Thị Hoài Chung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An trả lời chất vấn các đại biểu.
Bà Lê Thị Hoài Chung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An trả lời chất vấn các đại biểu.

Lo lắng về tình trạng bác sĩ rời bệnh viện công

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Nghệ An, tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 46 đơn vị sự nghiệp y tế (gồm: 13 bệnh viện tuyến tỉnh; 5 trung tâm y tế tuyến tỉnh; 7 bệnh viện đa khoa tuyến huyện hạng II; 21 trung tâm y tế huyện); 460 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc quản lý của các Trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố, thị xã.

Cùng với đó là hệ thống y tế ngoài công lập với 18 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tư nhân, 36 phòng khám đa khoa, 666 phòng khám chuyên khoa, dịch vụ y tế và 3.006 cơ sở hành nghề dược.

Về nhân lực, thực hiện quyền tự chủ theo mức độ được giao, các bệnh viện đã chủ động trong việc sắp xếp, bố trí nhân lực, tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động, hợp đồng chuyên gia để tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực phục công tác khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo dài hạn, ngắn hạn, đào tạo theo ê-kíp, mũi nhọn, cầm tay chỉ việc cho đội ngũ y, bác sĩ đã được các bệnh viện quan tâm. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo chuyên môn dài hạn cho bác sĩ của tỉnh, các bệnh viện còn dành nguồn kinh phí lớn để hỗ trợ thêm nhằm phát triển chuyên môn kỹ thuật của bệnh viện, đến nay nhiều kỹ thuật chuyên môn khó của tuyến trên đã thực hiện ở tuyến dưới.

Tình trạng thiếu nhân lực y tế làm “nóng” nghị trường Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ảnh 2

Đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An thực hiện ca phẫu thuật.

Tính đến hết 30/10/2024, toàn ngành y tế có 14.038 viên chức, người lao động; trong đó hưởng lương từ ngân sách nhà nước 5.326 người, hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị 8.712 người.

Tôi đã gặp và tâm sự với một số bác sĩ khi họ có nhu cầu chuyển công tác ra ngoài, thấy có rất nhiều lý do khác nhau. Có người lấy thu nhập làm đầu, có người chọn môi trường công tác, người muốn thay đổi. Tuy nhiên, phần lớn là do chế độ tiền lương, phụ cấp, tổng thu nhập của cán bộ y tế ở trong hệ thống cơ sở y tế công lập là đang thấp…

Bà Lê Thị Hoài Chung, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An

Theo quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/2/2023 của Bộ Y tế về hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập, số lượng nhân lực ngành y tế Nghệ An còn thiếu hơn 5.000 nhân lực.

Cụ thể, đối với các đơn vị bệnh viện tự chủ nhóm 1 và nhóm 2 thiếu khoảng 3.800 nhân lực. Còn các đơn vị y tế tự chủ nhóm 3, nhóm 4 thiếu khoảng 1.448 chỉ tiêu, trong khi vẫn phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế hằng năm. Chưa kể, xu hướng nhân viên y tế nghỉ việc ngày càng cao, nhất là đội ngũ bác sĩ, ảnh hưởng đến việc duy trì, ổn định nguồn nhân lực đối với các đơn vị y tế công lập, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở.

Bà Lê Thị Hoài Chung, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An thông tin, năm 2022, có 145 trường hợp xin thôi việc (trong đó có 61 bác sĩ). Năm 2023, có 74 trường hợp xin thôi việc (có tới 22 bác sĩ).

Từ đầu năm 2024 đến nay, có 71 trường hợp xin thôi việc (39 bác sĩ, 3 dược sĩ đại học, 18 điều dưỡng và 11 chuyên ngành khác. Tỷ lệ bác sĩ xin ra khỏi cơ sở y tế công lập từ 35-40%. Chủ yếu chuyển đến công tác tại các cơ sở y tế tư nhân, hoặc mở phòng khám để hành nghề riêng.

“Tôi đã từng gặp và tâm sự với một số bác sĩ khi họ có nhu cầu chuyển công tác ra ngoài, thấy có rất nhiều lý do khác nhau. Có người lấy thu nhập làm đầu, có người chọn môi trường công tác, người muốn thay đổi. Tuy nhiên, phần lớn là do chế độ tiền lương, phụ cấp, tổng thu nhập của cán bộ y tế ở trong hệ thống cơ sở y tế công lập là đang thấp…”, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An chia sẻ tại nghị trường.

Tình trạng thiếu nhân lực y tế làm “nóng” nghị trường Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ảnh 3

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Kỳ họp thứ 25 Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An vào sáng 6/12.

Cần có giải pháp căn cơ

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, sinh viên ngành y, nhất là bác sĩ mới ra trường không muốn về công tác tại các bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là một số huyện lân cận thành phố Vinh. Lương và các chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập còn thấp, chưa được điều chỉnh kịp thời, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Chế độ thu hút chưa đủ mạnh đối với đội ngũ bác sĩ chất lượng cao về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Các cơ sở y tế công lập không có cơ chế để giữ chân viên chức y tế có trình độ chuyên môn giỏi trong khi các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân lực có chất lượng cao.

Các đơn vị tự chủ nhóm III, nhóm IV không được quyết định số lượng người làm việc do Ủy ban nhân dân tỉnh giao biên chế hằng năm đồng thời còn phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế nên không đủ số lượng người làm việc theo nhu cầu. Trong khi đó, giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa tăng kịp thời với mức tăng lương cơ sở, làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn tài chính của các đơn vị.

Do thiếu nhân lực, nên chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh, nhất là phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu ở tuyến tỉnh, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tuyến cơ sở.

Tình trạng thiếu nhân lực y tế làm “nóng” nghị trường Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An ảnh 4

Ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An tham gia trả lời một số vấn đề liên quan đến nhân lực y tế.

Mặc dù thiếu nhưng việc tuyển dụng rất khó. Số lượng tuyển dụng được hằng năm không đủ chỉ tiêu so với kế hoạch được phê duyệt. Từ năm 2020 đến nay, toàn ngành y tế Nghệ An tuyển dụng được 3.231 người; trong đó, tuyến huyện 781 người (có 214 bác sĩ) và tuyến xã 53 người (có 12 bác sĩ).

Bàn về giải pháp, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An cho biết, để nâng cao chất lượng nhân lực y tế ở khu vực miền núi, trước mắt, ngành y tế tỉnh chủ trương cử các y, bác sĩ đang công tác tại các đơn vị y tế miền núi tham gia các lớp đào tạo. Để tránh tạo áp lực cho các cơ sở y tế khi thiếu nhân lực do nhân viên đi học, Sở Y tế chủ trương mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ ở các đơn vị bệnh viện trong tỉnh.

Song về lâu dài, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An và các đại biểu kiến nghị, tỉnh nên ban hành chính sách mới thay thế chính sách cũ để thu hút nhân lực về làm việc tại tỉnh, đây là giải pháp căn cơ. Cùng với đó, để bảo đảm nguồn thu cho các đơn vị bệnh viện, từ đó tạo thu nhập hấp dẫn cho cán bộ, nhân viên y tế, giá dịch vụ y tế cần phải được tính đúng, tính đủ.

Đề nghị Sở Y tế phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách thu hút, đào tạo đối với đội ngũ y tế, nhất là những người có trình độ chuyên môn cao, chuyên môn sâu và cán bộ y tế tình nguyện làm việc ở các cơ sở y tế ở khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa vào chương trình xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2025 để kịp thời bảo đảm số lượng người làm việc, nâng cao chất lượng đội ngũ y, bác sĩ tại các cơ sở y tế.

Ông Nguyễn Nam Đình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An kết luận phiên chất vấn nhóm vấn đề y tế vào sáng 6/12