Tinh thần đại đoàn kết dân tộc qua triển lãm “Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt”

NDO - Với gần 150 tài liệu, hiện vật…, triển lãm “Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt” do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam thực hiện cho thấy sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
0:00 / 0:00
0:00
Đông đảo công chúng đến tham quan triển lãm.
Đông đảo công chúng đến tham quan triển lãm.

Triển lãm gồm hai phần nội dung về chiến dịch Điện Biên Phủ và một phần kết. Phần I có nội dung “Điện Biên Phủ- Điểm hẹn lịch sử”, đưa những thông tin, tư liệu về âm mưu của thực dân Pháp trong kế hoạch Nava; Chủ trương của Đảng ta về mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; Vị trí địa lý của Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Việt - Lào, nằm trên ngã rẽ của nhiều tuyến đường lớn, nhỏ quan trọng. Đối với thực dân Pháp, Điện Biên Phủ là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc. Nơi đây có thể trở thành một căn cứ lục quân, không quân rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam Á.

Tinh thần đại đoàn kết dân tộc qua triển lãm “Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt” ảnh 1
Chiếc ghế và nắp hầm của Tướng De Castrie.

Ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã họp, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này.

Phần 2 có nội dung “Quyết chiến, quyết thắng”, cung cấp cho người xem những tài liệu, hiện vật, hình ảnh thể hiện tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” của quân và dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở nội dung này, Bảo tàng cũng giới thiệu những tấm gương về những đóng góp, hy sinh anh dũng, chiến đấu kiên cường với tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng” của các anh hùng, chiến sĩ trên mặt trận Điện Biên Phủ.

Tinh thần đại đoàn kết dân tộc qua triển lãm “Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt” ảnh 2

Chiếc xe thồ của ông Bùi Tín, dân công tỉnh Thanh Hóa phục vụ chiến dịch.

Phần kết nêu bật tinh thần Điện Biên Phủ qua một số tranh cổ động nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ và những hình ảnh về sự tri ân của đồng bào cả nước, sự đổi thay của Điện Biên hôm nay.

Trưng bày ra mắt người xem đúng dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn như 30/4 và 1/5, và kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, góp phần giúp cho đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về sức mạnh tinh thần, sự đóng góp của đồng bào, chiến sĩ vào thắng lợi của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng, quyết tâm học tập, rèn luyện để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Ở triển lãm, có thể thấy được những bước đầu tiên hình thành nên chiến dịch Điện Biên Phủ, những cuộc họp bàn kế hoạch, những quyết định, hiệu triệu, cho đến những người thầm lặng đóng góp vào thành công của chiến dịch, như lực lượng dân công vận chuyển lương thực, đạn dược, lực lượng thanh niên xung phong mở đường, vận chuyển vũ khí, lực lượng công binh rà phá bom mìn để giao thông thông suốt, kéo pháo vào trận địa, những người dân, người lính… phục vụ chiến dịch bằng mọi phương tiện, công sức…

Tinh thần đại đoàn kết dân tộc qua triển lãm “Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt” ảnh 3

Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng, hiện vật gốc được trưng bày tại triển lãm.

Triển lãm cũng đem đến những hiện vật giá trị như lá cờ Quyết chiến Quyết thắng – giải thưởng luân lưu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các chiến sĩ đã chiến đấu và chiến thắng tại Điện Biên Phủ năm 1954, chiếc xe đạp thồ của ông Bùi Tín, dân công tỉnh Thanh Hóa vận chuyển lương thực phục vụ chiến dịch Điện Biên, vỏ bom chiến lợi phẩm trong chiến dịch, bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến dịch Điện Biên Phủ, Nhật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích toàn quốc thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 22/4/1954, bản Tuyên bố chung của Hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Đông Dương...

Đại diện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết, đây đều là những hiện vật gốc rất quý, có ý nghĩa và giá trị trong việc giáo dục tinh thần yêu nước, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Tinh thần đại đoàn kết dân tộc qua triển lãm “Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt” ảnh 4

Bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, ở đợt trưng bày này, Bảo tàng giới thiệu đến công chúng một số hiện vật mới, như chiếc ghế mà Tướng De Castrie sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, và chiếc nắp hầm của Tướng De Castrie. Điểm đặc biệt nhất của trưng bày lần này là nêu bật được yếu tố tinh thần, trước hết là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tinh thần quyết chiến quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Chính yếu tố tinh thần này đã đưa dân tộc ta trải qua chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 rồi đại thắng Mùa xuân năm 1975…

Bà Nguyễn Thị Thu Hoan cũng cho biết, các tư liệu, hiện vật về chiến dịch Điện Biên Phủ của Bảo tàng rất phong phú, tuy nhiên ở triển lãm này, Bảo tàng chủ yếu lựa chọn các hiện vật gắn với tinh thần bất diệt và quyết chiến quyết thắng của quân và dân ở chiến dịch. Các hiện vật ở trưng bày lần này tuy không phải lần đầu tiên được giới thiệu, nhưng với số đông công chúng trẻ cũng vẫn còn khá mới mẻ. Triển lãm lần này được thực hiện với góc độ thể hiện yếu tố tinh thần để công chúng hiểu được giá trị và ý nghĩa của công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Trưng bày mở cửa từ ngày 25/4 đến hết tháng 6.

Trong dịp này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tổ chức lễ ra mắt Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến - Liên thông - Đa phương thức”.

Đây là giải pháp mới, khác biệt và vượt trội với các hệ thống vé điện tử đang được giới thiệu trên thị trường, đổi mới phương thức quản trị hệ thống vé tham quan, từ khâu bán vé, kiểm soát vé, báo cáo thống kê vé một cách khoa học, thuận tiện giúp công chúng có thể tiếp cận bảo tàng thuận lợi và dễ dàng hơn nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách tham quan đồng thời tích cực góp phần thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động Bảo tàng.