BOB CONNOR cảm thấy bồn chồn, lo lắng trong suốt 26 giờ bay từ Mỹ đến Việt Nam. Đây là lần đầu tiên ông trở lại chiến trường xưa kể từ khi rời cuộc chiến. Connor lo lắng không biết cuộc gặp gỡ với những người từng là kẻ thù trong quá khứ sẽ diễn ra như thế nào.
1. Mấy tháng trước, trong lần vào Google tìm kiếm thông tin để giúp con gái làm bài tập ở trường, Connor tình cờ nhìn thấy bức ảnh chụp sân bay Biên Hòa năm 1968. Lập tức ông để lại bình luận với hy vọng ai đó ở Việt Nam đọc được: “Nếu bạn nhìn lên con đường ở bản đồ sân bay, rồi rẽ phải-nơi có lô-cốt, hay còn gọi là đồi 10, có một trận chiến quan trọng đã diễn ra nơi đây vào Tết Mậu Thân 1968. Tại vị trí ở cuối đường băng có một hố chôn tập thể của khoảng 150 bộ đội Việt Nam được chôn cất vào ngày 2/2/1968 do hậu quả của trận đánh”.
Hai tuần sau, ông nhận được email của cựu chiến binh Chế Trung Hiếu và Đại tá Mai Xuân Chiến, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai mong muốn ông giúp đỡ xác định vị trí ngôi mộ tập thể này. Kể từ khi biết rằng, hố chôn bộ đội Việt Nam hy sinh ở sân bay Biên Hòa vào năm 1968 vẫn chưa được tìm thấy, ông đã mong muốn trở lại Việt Nam, trực tiếp tìm hài cốt các liệt sĩ để “sửa chữa những sai lầm trong quá khứ”.
Đó là tháng 3/2016, khi Connor quay trở về Việt Nam. Sự căng thẳng của ông đã biến mất khi ông gặp vị đại tá của “phía bên kia”: “Lần đầu tiên gặp Đại tá Chiến, ông ấy đi về phía tôi. Ông ấy chào tôi và tôi cũng chào lại ông ấy. Ông ấy hỏi về chuyến bay của tôi, sau đó ông ấy hỏi thăm vợ tôi. Tôi biết ngay rằng đây sẽ là một chuyến đi tốt đẹp” - Connor nhớ lại.
Chuyến trở lại Việt Nam của Connor và Đại tá Martin E.Strones đã giúp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai tìm thấy mộ tập thể 150 liệt sĩ tại sân bay Biên Hòa hy sinh trong trận đánh đêm 31/1/1968. Từ kết quả này đã mở ra một hướng tìm kiếm mới, mang đến những cuộc trùng phùng đặc biệt cho hàng nghìn thân nhân, gia đình liệt sĩ trên khắp cả nước.
Thật không dễ dàng gì để vượt qua mặc cảm khi lần đầu các CCB Mỹ quay trở lại Việt Nam. “Khi tôi rời Việt Nam vào năm 1968, tôi mang theo rất nhiều giận dữ và cay đắng đối với kẻ thù của mình”, Steve Edmunds kể. “Việt Nam từng là nơi cuối cùng trên trái đất tôi muốn quay trở lại”. Thế nhưng, Edmunds đã trở lại Việt Nam từ năm 1996, tham gia các chương trình nhân đạo, rồi trở thành Giám đốc dự án và điều phối các nỗ lực nhân đạo của CCB Mỹ tại Việt Nam, để tìm lại sự bình yên trong tâm trí và trái tim mình.
Năm 2009, ông nhận được email của CCB Phạm Văn Chúc đề nghị hỗ trợ tìm hài cốt đồng đội hy sinh tại Chư Tan Kra, tỉnh Kon Tum, trong trận giao chiến ngày 26/3/1968. “Tôi đã nhận lời giúp ông ấy dù không tham gia trận đánh đó. Tôi nghĩ đây là cơ hội để tôi sửa chữa lỗi lầm và xoa dịu nỗi đau do chúng tôi gây ra. Tôi gặp những người từng tham gia trận đánh và thu thập thông tin từ các nguồn khác” - Edmunds hồi tưởng.
Trở lại Việt Nam tháng 10/2009, hành trang mang theo của Edmunds là nhật ký chiến trường, một số ảnh và giấy tờ thu trên thi thể bộ đội và những bức ảnh tư liệu chụp trận đánh tại cứ điểm 995 Chư Tan Kra. Hai người lính từng ở hai chiến tuyến trong những trận đánh sinh tử trên đỉnh Chư Tan Kra, Edmunds và CCB Phạm Văn Chúc gặp lại nhau giữa trời thu Hà Nội, tay bắt mặt mừng, rồi cùng ăn trưa vui vẻ. “Chúng tôi đồng ý với nhau rằng, chúng tôi đã từng là kẻ thù của nhau, bây giờ chúng tôi là bạn bè”- Edmunds nhớ lại.
Từ những thông tin Edmunds cung cấp, ông Chúc cùng các CCB Trung đoàn 209 phối hợp Huyện đội Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã quy tập được 81 hài cốt liệt sĩ, 77 người trong số đó được an táng chung trong một ngôi mộ lớn tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy, 4 hài cốt liệt sĩ có thông tin được người thân đưa về Hà Nội.
Năm 2016, Edmunds cùng Terry Faulkner và John Cimino trở lại Kon Tum, trực tiếp cùng các CCB Trung đoàn 209 vượt núi băng rừng đào tìm hài cốt các liệt sĩ. Cũng trong dịp này, John Cimino đã trao trả chiếc ví kỷ vật của một người lính Việt Nam mà ông đã cất giữ trong gần 50 năm. Bên trong chiếc ví có bốn tờ tiền 1 hào, một hộp dầu cao sao vàng, tám bức ảnh, một mảnh giấy ghi mấy vần thơ.
Ngay sau khi tiếp nhận kỷ vật, Ban liên lạc CCB tìm đồng đội Trung đoàn 209, Sư đoàn 1 đã xác định được chủ nhân của chiếc ví là liệt sĩ Hoàng Quang Lợi, chiến sĩ Trung đoàn 209, hy sinh tại Chư Tan Kra, rạng sáng 26/3/1968.
Đã qua hơn 10 năm, nhưng khi nhắc lại sự kiện này, anh Hoàng Văn Thân, em trai liệt sĩ Hoàng Quang Lợi vẫn không kìm nén được xúc động: “Khi nhận được tin một CCB Mỹ đã cất giữ chiếc ví của anh tôi và trở lại Việt Nam để trao trả, gia đình tôi rất mừng. Từ khi nhận được giấy báo tử, mấy chục năm gia đình không biết anh hy sinh ở đâu, cũng không một tấm ảnh thờ, không một kỷ vật còn lưu giữ lại. Vậy là sau 50 năm, nhờ có kỷ vật của anh, đồng đội của anh, gia đình mới biết được nơi anh hy sinh và hiện đang nằm cùng đồng đội trong ngôi mộ tập thể tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy, Kon Tum”.
“Trong suốt ngần ấy năm, tôi chưa bao giờ muốn vứt bỏ chiếc ví. Tôi luôn cảm thấy có gì đó rất kỳ lạ giống như là tôi có nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống và ký ức của người lính này thay vì chiếc ví chỉ là kỷ vật chiến tranh. John Cimino chia sẻ - Tôi đã rất xúc động khi xem được video buổi lễ trao trả chiếc ví cho gia đình người lính ấy. Việc trao trả kỷ vật khiến tôi trở nên thanh thản”.
Từ thông tin của các CCB Mỹ, Ban liên lạc CCB tìm đồng đội Sư đoàn 1 đã phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức hàng chục đợt tìm kiếm, cất bốc được 134 hài cốt liệt sĩ cùng nhiều di vật, trong đó có chiếc bút kim tinh mang tên Phạm Bá Thi, từng là dũng sĩ diệt Mỹ đầu tiên của Trung đoàn 209.
2. Ðã gần 80 tuổi, nhưng CCB Ðặng Hà Thụy ở thị xã Hoài Nhơn, Bình Định vẫn chưa dừng bước trong hành trình tìm kiếm hài cốt đồng đội. Ông thường xuyên liên lạc với các CCB Mỹ để trao đổi, tìm kiếm thông tin về các hố chôn tập thể liệt sĩ. Tháng 3/2022, từ nguồn tin quý giá của ông, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định đã tìm kiếm, quy tập mộ tập thể 60 liệt sĩ thuộc Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng hy sinh trong trận tấn công cứ điểm đồi Xuân Sơn, thuộc xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, đêm 26 rạng sáng 27/12/1966.
Ông Đặng Hà Thụy nhớ lại, năm 2018, qua kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng, ông kết nối với Spencer Matteson, người từng tham gia trận đánh đồi Xuân Sơn. Qua email, Matteson đã gửi cho ông Thụy hơn chục trang tài liệu gồm: nhật ký chiến trường, báo cáo của phía Mỹ về trận đánh, ảnh vệ tinh chụp trận địa, thông tin của các CCB Mỹ từng tham chiến trận này. Những tư liệu này là manh mối đầu tiên giúp ông Thụy xác định có ngôi mộ tập thể liệt sĩ tại đồi Xuân Sơn. Cuối năm 2021, ông Thụy tiếp tục liên hệ với CCB Bob March, nguyên Đại úy thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, trực tiếp tham chiến ở trận Xuân Sơn, đề nghị ông cung cấp thêm thông tin về vị trí ngôi mộ. Ông Bob March gửi qua email bảng tường thuật dài bốn trang A4 cùng hai sơ đồ vị trí hố chôn tập thể tại đồi Xuân Sơn cho ông Thụy. Từ những thông tin, tư liệu các cựu binh Mỹ cung cấp, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định đã tìm kiếm, quy tập mộ tập thể liệt sĩ tại đồi Xuân Sơn, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
“Tôi đã rất bất ngờ khi nhận được email đề nghị giúp đỡ tìm mộ liệt sĩ của ông Đặng Hà Thụy. Nhưng ngay lập tức tôi hiểu được rằng, đây là một điều tuyệt vời. Tôi liên lạc với các CCB từng tham gia trận đánh ở đồi Xuân Sơn. Họ đều rất nhiệt tình, vài người còn nói rằng sẵn sàng mang theo cuốc xẻng trở lại Xuân Sơn để tự đào tìm hài cốt bộ đội Việt Nam mà họ đã từng chôn lấp” - Bob March cho biết.
Ông Bob March năm nay đã 90 tuổi nhưng vẫn nỗ lực từng ngày liên hệ với các CCB Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam để tìm kiếm thông tin các hố chôn tập thể. Dù tuổi tác và sức khỏe không cho phép thực hiện những chuyến đi dài ngày vất vả, nhưng ông vẫn mong muốn được trở lại Việt Nam. Ông còn viết bài đăng trên các tạp chí CCB của Mỹ để mọi người hiểu được Việt Nam đang nỗ lực thế nào trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. March cho rằng, cần sớm kết nối các CCB Mỹ từng chứng kiến và trực tiếp chôn cất bộ đội Việt Nam trong chiến tranh để hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, bởi họ đang rất gần cuối cuộc đời. “Thật không may, vị trí các ngôi mộ tập thể không được ghi lại trong chiến tranh. Vì vậy, việc tìm kiếm thông qua các hồ sơ không thể thay thế cho hồi ức của các nhân chứng” - ông nói.
Hiện March đang cùng cựu phi công Richard W Magner, ông Thụy và một số tình nguyện viên tiến hành phân tích, xác định mộ tập thể liệt sĩ Tiểu đoàn đặc công D40 hy sinh trong trận bãi cát Đồng Chu ngày 3/11/1969, tại Bình Định. “Tôi và một số CCB Mỹ đang nỗ lực trở lại Bình Định trong tháng 7 này để tìm kiếm mộ tập thể liệt sĩ, sau đó sẽ đến thăm một số gia đình liệt sĩ” - March cho biết.
3. Theo Đại tá Mai Xuân Chiến, từ khi kết nối được với các CCB Mỹ, những người trực tiếp chứng kiến hoặc chôn cất bộ đội ta, hoặc khai thác tài liệu giải mật của Mỹ, công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đạt hiệu quả rất tốt. Các CCB Mỹ giúp đỡ rất nhiệt tình, trách nhiệm và bài bản. Sau khi hỗ trợ tìm kiếm mộ tập thể ở sân bay Biên Hòa, họ tiếp tục giúp đỡ tìm hài cốt liệt sĩ ở sân bay Tân Sơn Nhất và các tỉnh: Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bình Định... “Tôi cho rằng kinh nghiệm quan trọng là phải làm sao liên hệ với các bên tham chiến như CCB Mỹ, Bộ Quốc phòng Mỹ để cung cấp thông tin, tài liệu cho chúng ta. Làm theo hướng đó sẽ tìm được nhiều mộ tập thể, công tác quy tập hài cốt liệt sĩ sẽ đạt hiệu quả cao” - Đại tá Chiến nói.
Sau sự kiện tìm mộ liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa, UBND tỉnh Đồng Nai đã gửi thư cảm ơn ông Bob Connor và Đại tá Martin E. Strones. Bức thư có đoạn viết: “Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm và nhiệt tình của ông cũng như của các CCB Mỹ đã cung cấp thông tin về ngôi mộ tập thể. Sự ủng hộ của các bạn mang một ý nghĩa rất lớn và nhân văn giúp xoa dịu nỗi đau do chiến tranh gây ra”.
Ông Bob Connor chia sẻ về hành động của mình: “Tại sao tôi giúp Việt Nam ư? Chúng tôi biết nỗi mất mát mà các gia đình phải chịu đều như nhau, dù đó là người Việt hay người Mỹ. Đối với họ, nỗi đau chiến tranh chưa bao giờ kết thúc. Tất cả những người lính mất tích trong chiến tranh cần được tìm thấy và trao trả càng sớm càng tốt. Cả hai quốc gia cần hàn gắn bằng cách tiếp tục nỗ lực hòa giải”. Còn Spencer Matteson nói: “Tôi muốn xin lỗi tất cả những gia đình mất người thân trong một cuộc chiến mà nhẽ ra có thể tránh được. Tôi hy vọng hai nước không bao giờ trở thành kẻ thù của nhau”.
Nhiều năm đi tìm đồng đội, ông Hồ Đại Đồng, Trưởng Ban liên lạc CCB tìm đồng đội Sư đoàn 1 hiểu rằng, để tìm hài cốt liệt sĩ hiệu quả, ngoài các thông tin, tư liệu trong hồ sơ lưu trữ, tư liệu do Mỹ giải mật, thì việc hỗ trợ thông tin và trực tiếp tham gia tìm kiếm của các CCB Mỹ có vai trò rất quan trọng. Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ sẽ thuận lợi, có hiệu quả hơn nếu ta thực hiện việc số hóa thông tin trên bản đồ vệ tinh.
Quan hệ Việt Nam-Mỹ đã thay đổi hoàn toàn sau gần nửa thế kỷ kết thúc chiến tranh và gần 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Công cuộc hòa giải từng vô cùng khó khăn, nhưng đã phát triển vượt lên cả kỳ vọng chính nhờ một phần nỗ lực cá nhân của các CCB hai bên. Họ không chỉ tìm sự hàn gắn cho cá nhân mình, mà còn cho mối quan hệ tốt đẹp và sâu sắc giữa Việt Nam và Mỹ.
Đại tá Mai Xuân Chiến (bên phải), nguyên Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai cùng Đại tá Martin E. Strones xác định vị trí ngôi mộ tập thể liệt sĩ tại sân bay Biên Hòa. |
“5 năm qua, chúng tôi đã cung cấp cho Việt Nam các vị trí chôn cất của khoảng 8.000 liệt sĩ. Hy vọng rằng chúng tôi góp phần tích cực trong việc sửa chữa sai lầm trong quá khứ và nỗ lực cùng nhau để duy trì hòa bình không chỉ cho Việt Nam mà cho cả Đông Nam Á”.
BOB CONNOR