Tỉnh Hải Dương xúc tiến đầu tư và thương mại tại Pháp

NDO - Ngày 20/10, tại Diễn đàn kinh doanh và kết nối doanh nghiệp Việt-Pháp được tổ chức ở Paris, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đã giới thiệu những tiềm năng và nhiều chính sách ưu đãi với các nhà đầu tư Pháp.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn đàn về đầu tư và kinh doanh tại tỉnh Hải Dương thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn tại vùng thủ đô Ile-de-France. (Ảnh Minh Duy)
Diễn đàn về đầu tư và kinh doanh tại tỉnh Hải Dương thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn tại vùng thủ đô Ile-de-France. (Ảnh Minh Duy)

Diễn ra tại Phòng Thương mại Paris - Vùng thủ đô Ile-de-France, diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Pháp. Đây là dịp để tỉnh Hải Dương và vùng thủ đô Ile-de-France thúc đẩy việc kết nối, thu hút đầu tư và thương mại, đồng thời góp phần nâng cao mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam với Pháp và các nước châu Âu.

Ông Triệu Thế Hùng cho biết tỉnh Hải Dương có vị trí địa lý thuận lợi gần cảng biển, sân bay quốc tế, thuận lợi trong giao thương hàng hóa; có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ trung, năng động, trình độ chuyên môn cao, dễ đào tạo; hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bao gồm hệ thống giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc.

Tỉnh Hải Dương xúc tiến đầu tư và thương mại tại Pháp ảnh 1

Chủ tịch tỉnh Triệu Thế Hùng cam kết Hải Dương sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư Pháp tới đầu tư, kinh doanh. (Ảnh: Khải Hoàn)

Tỉnh Hải Dương có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, tiền sử dụng đất; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; và hỗ trợ tiếp thị, quảng bá sản phẩm, dịch vụ.

Qua hơn 25 năm thu hút đầu tư FDI, tới nay đã có hơn 500 dự án đầu tư nước ngoài tại Hải Dương với tổng vốn trên gần 10 tỷ USD, đến từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ; giải quyết việc làm cho trên 200.000 lao động; đóng góp 34,4% vào tổng sản phẩm trong tỉnh và 33% ngân sách. Trong đó có 22 dự án đến từ các nước châu Âu (gồm Pháp, Đan Mạch, Đức...), với tổng số vốn 374,3 triệu USD.

Bên cạnh đó, Hải Dương cũng có nhiều mặt hàng xuất khẩu tiềm năng như các sản phẩm công nghiệp hàng may mặc, linh kiện điện tử, sản phẩm nông sản như vải thiều, hành tỏi, cà rốt, rau củ quả và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đồ mộc, tranh thêu… rất đa dạng và phong phú, có thể đáp ứng tốt các tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu, trong đó có thị trường Pháp như cà rốt, vải thiều.

Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng bày tỏ mong muốn thu hút đầu tư vào các lĩnh vực gồm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp điện, điện tử, công nghiệp hóa chất, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, dịch vụ chất lượng cao và logistics cho khu vực, vùng và quốc tế.

Hải Dương cũng mong muốn thu hút đầu tư trong lĩnh vực giáo dục; trao đổi học sinh giữa Hải Dương và các trường tại Pháp; thu hút các dự án giáo dục và dạy nghề, công nghệ đào tạo để phục vụ cho nguồn nhân lực của tỉnh cũng như trong vùng, thậm chí các nước trong khu vực ASEAN.

Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng bày tỏ tin tưởng rằng với tiềm năng và lợi thế cùng nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt có một số khu công nghiệp đã sẵn sàng về cơ sở hạ tầng để đầu tư các dự án, Hải Dương sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư Pháp.

Đầu tư và thương mại Việt Nam - Pháp

Về đầu tư, tới hết tháng 7/2023, Pháp có 674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3,81 tỷ USD, chiếm 0,9% tổng vốn FDI đăng ký và đứng thứ 16/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam và thứ 3/24 (sau Hà Lan hiện xếp thứ 8 và Anh hiện xếp thứ 15) trong các quốc gia EU có vốn đầu tư tại Việt Nam. Theo chiều ngược lại, Việt Nam có 19 dự án đầu tư sang Pháp với tổng số vốn trên 73 triệu USD.

Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Pháp năm 2022 đạt 5,33 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp đạt 3,7 tỷ USD, tăng 15,3%, và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp đạt 1,63 tỷ USD, tăng gần 2%.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, so sánh với các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng, Việt Nam có những lợi thế riêng và điển hình. Đó là chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, nguồn nhân lực dồi dào với chi phí sản xuất cạnh tranh, thị trường tiềm năng với mức thu nhập được cải thiện và nhu cầu mua sắm tăng cao, hội nhập quốc tế sâu rộng với 15 Hiệp định Thương mại tự do được ký kết (trong đó có Hiệp định EVFTA ký với EU và các hiệp định thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA,… chiếm 2/3 dân số và 3/4 thị trường tiêu dùng toàn cầu), chính sách mở với nhiều ưu đãi cạnh tranh và vị trí địa lý chiến lược phù hợp cho sự tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Khảo sát của các tổ chức nghiên cứu và xếp hạng quốc tế trong năm 2023 cho thấy Việt Nam tiếp tục là một điểm đến tin cậy và giàu tiềm năng khai thác đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tỉnh Hải Dương xúc tiến đầu tư và thương mại tại Pháp ảnh 2

Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam là đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và đồng hành với doanh nghiệp nước ngoài. (Ảnh: Minh Duy)

Vì vậy, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho rằng, trong thời gian tới, các doanh nghiệp Pháp cần quan tâm nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ; nông nghiệp thông minh; bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phục vụ an sinh xã hội; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Đây là những lĩnh vực thế mạnh của các doanh nghiệp Pháp.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng giới thiệu về cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước và nhấn mạnh về sự năng động của tỉnh Hải Dương cùng với nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của Pháp muốn tìm hiểu đầu tư sản xuất, kinh doanh và thương mại.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, nhiều doanh nghiệp Pháp lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư vì có tiềm năng thị trường trong nước và môi trường kinh doanh thuận lợi tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến và sản xuất, phân phối, dịch vụ, bán buôn và bán lẻ, kinh doanh bất động sản... Với việc triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), hàng hóa Việt Nam sẽ dễ dàng thâm nhập sâu hơn vào khu vực châu Âu trong đó có Pháp.

Đánh giá cao ý nghĩa của các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại giữa hai nước nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, bà Marie-Christine Oghly, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Paris, cho rằng các doanh nghiệp Pháp rất quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Tỉnh Hải Dương xúc tiến đầu tư và thương mại tại Pháp ảnh 3

Bà Marie-Christine Oghly cho rằng, Việt Nam đã ký kết các Hiệp định Thương mại tự do ở khu vực và với Liên minh châu Âu cùng với việc hội nhập nhanh vào chuỗi giá trị toàn cầu là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Pháp có nhiều cơ hội kinh doanh, đầu tư. (Ảnh: Khải Hoàn)

Bà Marie-Christine Oghly chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp: Việt Nam là một quốc gia có nền chính trị ổn định và chính sách mở cửa trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đó là những điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Pháp. Ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng có nhu cầu tìm hiểu về thị trường Pháp. Pháp là quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng trong khu vực châu Âu và trên thế giới. Một quốc gia thân thiện như Việt Nam thì chúng tôi rất sẵn sàng chào đón. Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội làm việc với nhau vì lợi ích cho cả hai bên.

Bà Marie-Christine Oghly cho biết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris - Vùng Ile-de-France sẵn sàng đóng vai trò cầu nối, chuyển các thông tin cần thiết tới những doanh nghiệp thành viên có nhu cầu muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, và ngược lại. Bà nhận định: Tôi tin rằng đây là bước khởi đầu tốt trong một năm rất đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước.

Cũng tại diễn đàn, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Hải Dương giải đáp các thắc mắc về cơ chế và các ưu đãi của tỉnh khi doanh nghiệp Pháp đến đầu tư. Còn doanh nghiệp của tỉnh Hải Dương và vùng Ile-de-France trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư cũng như khai thác tiềm năng tại Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng.

Đại diện của CCI Paris và VCCI cho rằng các doanh nghiệp nên tích cực tham gia triển lãm, hội chợ và các sự kiện khác, do các tổ chức xúc tiến đầu tư và thương mại của Pháp và Việt Nam tổ chức, để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của mình và tìm kiếm cơ hội kinh doanh tiềm năng. Qua đó, các doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về thị trường, thực tiễn kinh doanh và khung pháp lý của nhau, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác và liên kết.

Tỉnh Hải Dương xúc tiến đầu tư và thương mại tại Pháp ảnh 4

Sở Công thương tỉnh Hải Dương và Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. (Ảnh: Khải Hoàn)

Nhân dịp này, Sở Công thương tỉnh Hải Dương và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm thúc đẩy, kết nối các yếu tố tiềm năng của các doanh nghiệp tỉnh Hải Dương như phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại; chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, xuất nhập khẩu nông sản, trái cây, các loại hàng hóa, sản phẩm tiêu biểu… với các doanh nghiệp tại Pháp.