Tour bảo tàng ở TP Hồ Chí Minh chưa phong phú

Khách nước ngoài trong Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
Khách nước ngoài trong Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Bảo tàng gần mà xa

Sáng thứ bảy, tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam, trong một góc khuất trưng bày những trống đồng, hướng dẫn viên công ty du lịch lữ hành T & T đang thuyết minh cho hai nữ du khách Nhật về văn hoá Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử. Anh cho biết, đoàn khách Nhật này gần 20 người, nhưng chỉ có hai cô gái này mới đến Việt Nam lần đầu nên họ yêu cầu tổ chức tuyến bảo tàng riêng. Anh cho biết thêm, thường 70- 80% du khách nước ngoài có nhu cầu tham quan bảo tàng. Trong khi đó, khách trong nước thì không mặn mà lắm.

Một chức năng truyền thống của bảo tàng là nơi để học sinh, sinh viên đến để tìm hiểu như bài học ngoại khoá. "Hằng năm, tôi thường hướng dẫn sinh viên khoa du lịch đi tour các bảo tàng trong thành phố để các em vừa tham quan tìm hiểu, vừa làm bài thu hoạch", chị Nguyễn Thu Cúc, giảng viên khoa du lịch ĐH Khoa học xã hội và nhân văn cho biết. Chúng tôi tiếp xúc với đoàn hơn 50 sinh viên khoa du lịch đang tham quan tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh, nhiều em cho biết, rất thích những cuộc trưng bày chuyên đề và muốn có nhiều buổi tìm hiểu bảo tàng để hiểu hơn về lịch sử phát triển kinh tế, văn hoá của thành phố.

Cách đây vài năm, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh phát động rầm rộ phong trào "Hành trình về các bảo tàng" thu hút các tour nhà trường phát triển; một số công ty du lịch lữ hành như Lửa Việt, Saigon Tourist… cũng nhảy vào thiết kế tour. Nhưng sau khi hồi sinh, thì bảo tàng lại rơi vào tình trạng "tuy gần mà xa" với du khách trong nước.

Theo anh Trần Sung, phó phòng trưng bày tuyên truyền của Bảo tàng lịch sử Việt Nam, hiện nay, sự phối hợp giữa các công ty lữ hành với các bảo tàng còn mang tính ngẫu hứng. Các công ty có thể đem khách đến bất cứ lúc nào, thường ít có sự "phối hợp" trước để các bảo tàng có thể điều tiết lượng khách và tổ chức thuyết minh phục vụ tốt cho khách tham quan. Những ngày nghỉ, lễ tết, khách đi tour bảo tàng tăng đột ngột, dễ dẫn đến tình trạng lộn xộn, chen chúc. Nhưng ngày thường thì lại vắng vẻ.

Điều nhiều du khách quan tâm là các bảo tàng ngoài mục đích trưng bày, bảo tồn hiện vật, chưa có ý thức xây dựng thành sản phẩm du lịch, một điểm tham quan lớn ở TP Hồ Chí Minh. Những cuộc trưng bày chuyên đề gần đây được chú trọng. Thí dụ, đợt trưng bày cổ vật di tích hoàng thành Thăng Long (Bảo tàng lịch sử Việt Nam 2004), bộ sưu tập tiền, trưng bày hiện vật người đi B (Bảo tàng TP Hồ Chí Minh)… 

Về phía các công ty du lịch lữ hành, khi đặt ra câu hỏi liệu có thể thiết kế một tour bảo tàng khép kín ở TP.HCM hay không, anh Nguyễn Văn Quảng, phòng khai thác sản phẩm du lịch nội địa thuộc SaigonTourist cho biết: "Đây là một ý tưởng thú vị. Song, khách du lịch ngoại quốc đến TP Hồ Chí Minh thường lưu trú ngắn ngày, họ có thể dành thời gian tham quan bảo tàng; còn với khách nội địa, các công ty du lịch lữ hành lại ít quan tâm trong thiết kế tour bảo tàng. Tôi nghĩ, phải có sự định hướng để mở tour du lịch bảo tàng phát triển và trở thành chiến lược lâu dài. Ở đây, cần sự phối hợp chặt hơn giữa hai Sở Văn hoá thông tin và Sở Du lịch!".

Với quy mô bảo tàng như hiện nay, các công ty du lịch hoàn toàn có thể phát huy thế mạnh về sự phong phú của sản phẩm này để mở tour chính của thành phố chứ không là chi tiết phụ trong những tour tự chọn hiện nay. Thiết kế được tour bảo tàng, có thể giới thiệu và quảng bá hình ảnh lịch sử kinh tế - xã hội, văn hoá thành phố dưới nhiều góc cạnh sâu sắc hơn.

Các bảo tàng ở TP Hồ Chí Minh

- Bảo tàng Chiến dịch TP Hồ Chí Minh: 2 Lê Duẩn, quận 1

- Bảo tàng Chứng tích chiến tranh: 178 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3

- Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP Hồ Chí Minh: 1 Nguyễn Tất Thành, quận 4

- Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1

- Bảo tàng lực lượng vũ trang miền Đông Nam bộ: 247 Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình

- Bảo tàng Mỹ thuật: 97A Phó Đức Chính, quận 1

- Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ: 200 - 202 Võ Thị Sáu, quận 3

- Bảo tàng TP Hồ Chí Minh: 65 Lý Tự Trọng, quận 1

- Khu di tích địa đạo Bến Đình: Ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, Củ Chi

- Bảo tàng Tôn Đức Thắng: 5 Tôn Đức Thắng, quận 1