Nhập cảnh trái phép:

Thẳng tay với “khách không mời” (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 4: Cuộc đấu tranh gian nan, quyết liệt 

Trong một thế giới liên kết và hội nhập ngày càng sâu rộng, cơ hội và thách thức không đến đơn phương. Nỗ lực phòng, chống tội phạm của một quốc gia không tách rời sự hợp tác, chia sẻ thông tin giữa chính quyền và nhân dân; giữa các bộ, ngành chức năng với nhau và giữa các địa phương; hợp tác giữa các quốc gia láng giềng, khu vực  và cộng đồng quốc tế.

Công an TP Hồ Chí Minh làm thủ tục trục xuất các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NHẬT NAM
Công an TP Hồ Chí Minh làm thủ tục trục xuất các đối tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào TP Hồ Chí Minh. Ảnh: NHẬT NAM

Những rào cản, sức ép thủ tục không phù hợp

Đại tá Nguyễn Xuân Thu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Lạng Sơn là địa bàn mà các tỉnh, thành phố phía sau tập trung đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bàn giao cho phía Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, Công an Lạng Sơn đã phối hợp trao trả 68 đợt với 616 công dân Trung Quốc nhập cảnh trái phép do công an các tỉnh khác đề nghị trao trả. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chỉ tiếp nhận những người có đầy đủ giấy tờ tùy thân và phải đủ bảy ngày, sau khi ta thông báo mới tổ chức tiếp nhận. Nhiều trường hợp không trao đổi thông tin, cũng không tiếp nhận. Điều này gây nhiều khó khăn vì có thời điểm, số lượng người nước ngoài (người NN) cần trao trả tập trung rất đông, trong khi Lạng Sơn chưa có địa điểm cách ly người NN nhập cảnh trái phép.

Việc tiếp nhận người Việt Nam xuất, nhập cảnh (XNC) trái phép bị phía Trung Quốc bắt, trao trả, phối hợp xác minh thông tin của công an các tỉnh, thành phố trong nước còn chậm, thậm chí không có văn bản trả lời, trong khi đó phía Trung Quốc hối thúc ta phải tiếp nhận trong thời gian ngắn.

Theo Đại tá Hoàng Văn Chính, Trưởng phòng PA08, Công an TP  Hà Nội, Điều 45 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người NN tại Việt Nam quy định:  Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người NN có trách nhiệm “phối hợp với cơ quan chức năng về quản lý hoạt động của người NN theo đúng mục đích nhập cảnh trong thời gian tạm trú tại Việt Nam  phối hợp với cơ sở lưu trú thực hiện khai báo tạm trú cho người NN”. Thế nhưng, văn bản này vướng ở chỗ không quy định cụ thể cách thức phối hợp ra sao. Oái oăm là khi Công an Hà Nội xác minh hậu kiểm các trường hợp người NN được duyệt nhập cảnh trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 thì một số tổ chức, doanh nghiệp lại lý do "đã được thành phố và Cục A08 duyệt cho người NN nhập cảnh theo quy định" nên không hợp tác cung cấp tài liệu thông tin phục vụ xác minh.

Việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an không tổ chức cách ly mà báo cáo Cục A08 trục xuất ngay, gặp khó khăn do phía nước ngoài lấy lý do mất thời gian xác minh, làm các thủ tục và bố trí  lịch tiếp nhận. Công an Hà Nội đã chủ động lấy Bệnh viện Công an thành phố làm nơi cách ly các đối tượng nhập cảnh trái phép trong khi chờ xác minh trao trả. Điều này phù hợp với chỉ đạo sau đó của Chính phủ tại Công văn số 849 ngày 22/4/2021 của Văn phòng Chính phủ giao các địa phương chủ động bố trí địa điểm cách ly riêng.

Nhận thức của một bộ phận lãnh đạo, nhân viên các sở, ban, ngành địa phương về quản lý lao động nước ngoài chủ yếu mới ở khâu cấp phép, thiếu quan tâm hậu kiểm sau cấp phép và kiểm tra, xử lý vi phạm. Ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, doanh nghiệp còn thấp, thiếu hợp tác với cơ quan công an khi xác minh hậu kiểm. Nhiều trường hợp đã xin được văn bản của UBND cấp tỉnh cho phép nhập cảnh nhưng không hoàn tất thủ tục cho chuyên gia nhập cảnh mà thông qua dịch vụ cho nhanh. Một số doanh nghiệp né kiểm tra  bằng lý do: “người NN đi công tác tìm hiểu thị trường làm dự án tại các địa phương khác cho nên không có mặt tại trụ sở” cũng gây khó khăn khi xác minh hậu kiểm.

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng  cho biết, hệ thống văn bản pháp luật về XNC, cư trú, hoạt động của người NN vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo. Chế tài xử lý đối với một số hành vi sai phạm liên quan người NN chưa đủ tính răn đe, ngăn chặn, nhiều hành vi mới của người NN chưa được quy định và hướng dẫn xử lý. Nhiều loại hình, mô hình kinh doanh liên quan người NN phát triển nhanh, trong khi cơ chế quản lý cũ không còn phù hợp. 

Hợp tác quốc tế - Tháo gỡ trên, dưới 

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an  khẳng định, công an các địa phương đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an về phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động XNC trái phép của người NN, kịp thời phát hiện nhiều vụ việc ngay tại biên giới phía bắc; trên tuyến đường di chuyển vào các tỉnh nội địa, tới các tỉnh biên giới phía tây nam để xuất cảnh trái phép sang Campuchia, Lào và chiều ngược lại; khẩn trương phát hiện, xử lý người NN nhập cảnh trái phép  lẩn trốn trong nội địa.

Tháng 2/2021, tại Hà Nội, Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc đã tổ chức Hội nghị hợp tác phòng, chống tội phạm lần thứ bảy, thống nhất triển khai hợp tác giai đoạn 2021 - 2022, trong đó duy trì cơ chế trao đổi đoàn trên lĩnh vực đấu tranh với tội phạm XNC trái phép. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực quản lý XNC, tăng cường hợp tác chống hoạt động XNC, lưu trú trái phép. Công an cấp tỉnh, huyện của bảy tỉnh biên giới đã có cơ chế hợp tác với Công an cấp tỉnh, huyện đối đẳng của Trung Quốc về đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, XNC trái phép nói riêng, thông qua cơ chế hội đàm, công thư, các cuộc gặp tại biên giới, xử lý các vụ việc và trao trả, tiếp nhận công dân hai nước vi phạm pháp luật.

Bộ Công an nhận định, chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi XNC trái phép, không khai báo tạm trú cho người NN theo quy định hiện hành còn nhẹ, hiệu quả răn đe thấp. Bộ Công an hiện có hai cơ sở lưu trú để lưu giữ người NN vi phạm pháp luật, tuy nhiên, thời gian qua, số lượng người NN vi phạm nhiều, các cơ sở này bị quá tải, phải đưa về nơi phát hiện để quản lý. Các địa phương gặp nhiều khó khăn về lực lượng, cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ công tác quản lý, canh giữ, áp giải, trao trả, trục xuất người NN nhập cảnh trái phép vì số lượng lớn, tuyến đường áp giải dài, sử dụng nhiều loại phương tiện. Nhiều vụ việc bị kéo dài do người nhập cảnh trái phép hầu hết không có giấy tờ tùy thân, cố tình che giấu, khai báo quanh co…

Lắng nghe, giải quyết ách tắc từ cơ sở

Đại tá Hoàng Văn Chính đề xuất, cần tăng khung hình phạt hành chính đối với hành vi nhập cảnh trái phép. Ban hành văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể cách thức mà cơ quan, tổ chức cá nhân bảo lãnh người NN phối hợp cơ quan chức năng về quản lý hoạt động của người NN phối hợp cơ sở lưu trú thực hiện khai báo tạm trú cho người NN. Có thể quy định định kỳ hằng quý, cơ quan, tổ chức cá nhân bảo lãnh người NN và có người NN học tập, làm việc phải gửi báo cáo theo mẫu vị trí, việc làm, địa chỉ tạm trú, thời hạn tạm trú, thông tin giấy phép lao động của người NN tới Công an cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và xã hội và bên liên quan. Quy định cụ thể về quyền lợi và trách nhiệm của các cơ sở cho người NN thuê nhà và các công ty môi giới cho người NN thuê  nhà, nhất là trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp cơ quan công an.

Cục A08 Bộ Công an làm tốt công tác xét duyệt nhập cảnh cho người NN theo diện chuyên gia, không để lợi dụng chính sách để làm dịch vụ cho đối tượng không đúng quy định. Sớm phân quyền cho địa phương  khai thác thông tin tại Trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia về XNC để xác minh, xử lý thông tin liên quan người NN. Hiện, Cục A08 đã phân quyền cho Cảnh sát giao thông các địa phương khai thác thông tin các phương tiện giao thông trên toàn quốc và việc này hỗ trợ hiệu quả công tác xác minh chủ phương tiện. 

Theo Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về XNC, cư trú và hoạt động của người NN trên địa bàn tuy có kết quả tốt, những chưa thật sâu rộng; Một số chủ đầu tư, quản lý khách sạn, chung cư cao cấp có tâm lý sợ ảnh hưởng, sợ thiệt hại lợi ích nên không khai báo. Nhận thức, chấp hành luật XNC của các chủ hộ chưa cao, nhiều trường hợp khoán trắng cho môi giới, không khai báo tạm trú hoặc khai báo không đúng quy định. Tình trạng cho thuê căn hộ, phòng ở qua ứng dụng Uhome, Luxstay, AirBnB… hiện khá phổ biến, chủ nhà và người thuê không trực tiếp giao dịch, khách thuê không cung cấp thông tin, không khai báo tạm trú hoặc sử dụng thông tin người khác để khai báo; khai báo tạm trú một người nhưng thực tế lưu trú nhiều người, thông qua phiên dịch hoặc người môi giới đứng tên thuê nhà…

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh kiến nghị, Chính phủ cần chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng bổ sung các hành vi vi phạm mới của người NN, tăng mức xử phạt, bổ sung thẩm quyền cho các lực lượng xử lý vi phạm. 

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh khẳng định, thành phố sẽ tập trung điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức giúp sức, bao che cho vi phạm của người NN. Thành phố kiến nghị các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh kiểm tra, hậu kiểm việc cấp phép đầu tư, sử dụng lao động nước ngoài, kịp thời phát hiện, xử lý người NN lợi dụng hoạt động đầu tư, sử dụng lao động vi phạm pháp luật Việt Nam. Chính phủ sớm chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung Bộ luật Hình sự để có chế tài xử lý những hành vi sử dụng công nghệ cao (cho vay nặng lãi, lừa đảo, cờ bạc trên mạng, cá cược thể thao, giấy tờ, hộ chiếu giả rút tiền ngân hàng...), nạn nhân và hậu quả xảy ra ở nước ngoài.

Hy vọng, những khó khăn sẽ sớm được tháo gỡ, kỷ cương phép nước được giữ nghiêm và cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người dân sẽ góp phần từng bước đẩy lùi tội phạm này. 

(*) Xem Báo Nhân Dân từ các số ra ngày 19, 20 và 21/7/2021.