Với mong muốn có thêm thu nhập chính đáng, nhiều công nhân đã lên mạng xã hội tìm kiếm cơ hội việc làm. Tuy nhiên do thiếu hiểu biết, họ đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến khi muốn làm cộng tác viên online.
Khi cung-cầu gặp nhau
Công nhân V.T.D.T. 22 tuổi, quê ở Phú Yên lên Thành phố Hồ Chí Minh làm việc tại một công ty về linh kiện điện tử được tám tháng, với thu nhập từ 6-7 triệu đồng/tháng.
Với mong muốn tìm thêm việc làm, T. vào mạng xã hội Facebook tìm được một trang tuyển dụng cộng tác viên online. Sau khi “bên tuyển dụng” hướng dẫn việc nạp tiền, mua đơn hàng với lời hứa hẹn sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ được trả hoa hồng cao.
Để tạo sự tin tưởng, các đối tượng còn gửi cả giấy phép kinh doanh của “công ty”, không mảy may nghi ngờ T. đã thực hiện hàng loạt nhiệm vụ theo yêu cầu. Chỉ đến khi đóng hết sáu triệu đồng, hệ thống không hoàn lại tiền như đã hứa, cô mới biết bị lừa. Việc mất khoản tiền tương đương một tháng lương, khiến T. bị suy sụp tinh thần, bởi để có số tiền nộp vào cô đã phải đi vay bạn bè, đồng nghiệp.
Do công ty liên tục cắt giảm giờ làm, thu nhập giảm sút, nhưng vẫn muốn giúp cha mẹ ở quê cho nên L.T.D. (quê An Giang), công nhân tại một công ty sản xuất linh kiện ở Thành phố Hồ Chí Minh quyết định vay tín dụng. Tìm hiểu trên Facebook, D. tiếp cận được trang Fanpage “Hỗ trợ vay vốn cuối năm”. Qua rất nhiều thủ tục, với thủ đoạn quen thuộc để gài bẫy, D. đã phải vay mượn bạn bè, đồng thời cầm cố nhiều tài sản có giá trị để thực hiện theo yêu cầu chuyển khoản.
Đến khi D. không thể xoay xở được nữa, đối tượng thuyết phục D. nhắn ba mẹ cầm cố sổ đỏ. Lúc này, D. mới tỉnh ngộ cũng là lúc không thể liên lạc với tài khoản nhắn tin hằng ngày với mình. Chỉ trong ba ngày, D. đã chuyển khoản cho đối tượng sáu lần với tổng số tiền hơn 80 triệu đồng, gấp bốn lần số tiền định vay lúc ban đầu.
Tại buổi đối thoại-giao lưu trực tuyến chủ đề “Tìm hiểu về pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động; nhận diện lừa đảo trực tuyến và cách phòng ngừa”, do Công đoàn ngành Công thương Hà Nội phối hợp Báo Lao động Thủ đô tổ chức, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) cho biết: Hiện, tín dụng đen đang hoành hành dữ dội, tấn công vào công nhân, lao động, học sinh, sinh viên.
Việc vay tín dụng đen rất phổ biến trong công nhân, lao động, do không phải ai cũng có thể tiếp cận các khoản vay chính thức từ ngân hàng, vì không có tài sản thế chấp.
Đáng chú ý, khi công nghệ phát triển, hình thức cho vay qua app rất phổ biến, người lao động chủ yếu vay trên ứng dụng điện thoại. Để ngăn ngừa loại tội phạm nêu trên, từ năm 2019, Bộ Công an đã có chuyên đề đấu tranh với đối tượng cho vay nặng lãi, tín dụng đen.
Nhờ đó, hiện tượng các tờ rơi quảng bá cho vay nặng lãi dán nhan nhản trên các cột điện đã không còn. Tuy nhiên, các đối tượng lại có những thủ đoạn tiếp cận người lao động một cách tinh vi hơn, đó là chuyển hoạt động lên không gian mạng với nhiều hình thức. Điều này đồng nghĩa với việc người dân dễ sập bẫy hơn và công tác đấu tranh tội phạm cũng phức tạp hơn.
Báo cáo nghiên cứu “Vấn đề tín dụng đen trong công nhân, lao động - Thực trạng và giải pháp”, do Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện khảo sát năm 2023 cho thấy, có đến 54,8% số người lao động phải đi vay tiền (trong bối cảnh đại dịch Covid-19); 20,2% vay tín dụng đen. Phần lớn đối tượng vay là lao động nam giới, trong loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, tập trung nhiều ở khu vực phía bắc và phía nam. Có tới 78,1% số công nhân, người lao động vay tín dụng đen cho biết họ vay để lo sinh hoạt phí cho gia đình, thuê trọ.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: Đóng tiền học phí cho con, chi tiêu cá nhân, chữa bệnh cho bản thân và người thân, gửi tiền về cho gia đình, mua phương tiện đi lại. Phần lớn công nhân vay tín dụng đen đều thiếu hiểu biết về pháp luật và không lường trước được hậu quả. Cá biệt có một số trường hợp tín dụng đen là kênh đầu tư do cơ hội lợi nhuận lớn.
Báo cáo của Viện Công nhân và Công đoàn cũng cho thấy, tác động của tín dụng đen đối với công nhân, lao động như: Gây khủng hoảng tâm lý nặng nề trước các hành động đòi nợ theo tính chất xã hội đen của các đối tượng cho vay; ảnh hưởng tiêu cực tới việc làm, đời sống, sức khỏe, tính mạng. Tại một số thành phố lớn có đông khu công nghiệp, chế xuất, đông công nhân, lao động đều có tình trạng người lao động vay tiền ở các tổ chức tín dụng không có thế chấp, vay tín dụng từ các công ty tài chính với mức lãi suất cao, vay “tín dụng đen” và vay qua app với thủ tục vay đơn giản.
Chỉ cần sử dụng ảnh chụp căn cước công dân, ảnh chân dung, hoặc bên cho vay yêu cầu người vay “thế chấp” quyền truy cập danh bạ điện thoại để đăng ký vay tiền là có thể được giải ngân số tiền từ 2-50 triệu đồng.
Tuy nhiên, người vay phải chấp nhận mức lãi suất cao, dao động từ 500-800%/năm, khi nhận tiền thường sẽ bị trừ lãi ngay. Do lãi suất cao, nhiều công nhân, lao động không có khả năng trả nợ đã xóa app, chặn tin nhắn, cuộc gọi, thay sim, thậm chí nghỉ việc tại doanh nghiệp để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.
Khi công nhân không có khả năng trả nợ, các đối tượng gọi điện, nhắn tin với lời lẽ đe dọa, thiếu văn hóa, bất kể ngày đêm, thậm chí các đối tượng cho vay còn tìm tới tận nơi người vay làm việc, gây áp lực buộc người vay phải trả tiền. Nhiều trường hợp người lao động bỏ trốn, các đối tượng đã nhắm tới lãnh đạo, cán bộ công đoàn nhằm tiến hành gửi tin nhắn, cuộc gọi đe dọa, khủng bố như tại Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam - KCN VSIP (Hải Phòng), cán bộ công đoàn Công ty TNHH New Apparel Far eastern, đóng tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú Bình Phước)...
Hạn chế tín dụng đen tiếp cận công nhân, lao động
Để hạn chế tình trạng nêu trên, tổ chức công đoàn đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, giúp đoàn viên, công nhân, lao động tránh bẫy tín dụng đen cũng như trở thành nạn nhân của các loại lừa đảo trực tuyến. Điển hình như tại Hải Phòng, cơ quan chức năng, các cấp công đoàn thành phố đã và đang triển khai nhiều gói vay vốn ưu đãi hỗ trợ người lao động như gói vay tối đa 50 triệu đồng với thời hạn 36 tháng; gói cho vay ngắn hạn 12 tháng cho công nhân có nhu cầu vay phát triển kinh tế, khám, chữa bệnh cho bản thân, người thân.
Lãi suất cũng được điều chỉnh thấp hơn so với trước, thời gian giải ngân có thể rút ngắn còn 24 giờ, nhằm hỗ trợ tối đa người lao động trong lúc khó khăn... Riêng trong năm 2023, tổng số đoàn viên được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức, lao động thành phố là gần 2.000 trường hợp. Quỹ trợ vốn cũng phối hợp công đoàn các cấp tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và tác hại của tín dụng đen để người lao động biết, cảnh giác và tố giác; không để tín dụng đen tiếp cận công nhân, lao động.
Tại Nghệ An, trước tình trạng nhiều công nhân, lao động vướng vào tín dụng đen, “tổ chức công đoàn tỉnh triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, cảnh báo tác hại của tín dụng đen. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào tương thân tương ái, giúp đỡ công nhân hoàn cảnh khó khăn, giới thiệu các nguồn tín dụng tin cậy với lãi suất hợp lý cho công nhân, lao động vay”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An Kha Văn Tám cho biết.
Vừa qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam phối hợp Ban quản lý các Khu công nghiệp, cán bộ công đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền cho hơn 300 công nhân, lao động tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên về hoạt động “tín dụng đen” và các phương thức lừa đảo trên mạng xã hội.
Tại buổi tuyên truyền, công nhân được nghe lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về cho vay trong giao dịch dân sự, nhất là các phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật và hậu quả của “tín dụng đen”; đồng thời, hướng dẫn công nhân, lao động cách thức phòng ngừa, xử lý các tình huống mà các đối tượng lừa đảo gài bẫy, dụ dỗ nhằm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam Đặng Đình Quỳnh cho biết: Với sự vào cuộc quyết liệt của công đoàn và các cấp chính quyền, tình hình mất an ninh trật tự, vay tín dụng đen, lô đề... đã giảm, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, giữ vững ổn định an ninh, trật tự tại doanh nghiệp.
Nhằm giúp công nhân tránh bẫy tín dụng đen, một trong những kiến nghị từ nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn là, ngành ngân hàng cần mở rộng mạng lưới hoạt động của các tổ chức tín dụng ở những địa bàn có mạng lưới hoạt động ngân hàng chưa tương xứng với nhu cầu tiếp cận tín dụng, dịch vụ ngân hàng của công nhân, lao động, nhất là những địa bàn đang là điểm nóng về tín dụng đen hiện nay để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của công nhân, lao động.
Bên cạnh đó, cần cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; dành nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng phục vụ nhu cầu, nâng cao đời sống chính đáng của công nhân; xem xét gia hạn nợ, giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn cho vay khi công nhân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn.
Theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, trước khi có quyết định đi vay tài chính, công nhân, lao động cần có kế hoạch trả nợ đúng hạn, nếu không trả được nợ, tuyệt đối không vay từ app này để trả nợ cho app khác. Trong trường hợp bị đe dọa, người lao động cần ghi lại các bằng chứng liên quan và trình báo cơ quan chức năng.
Trường hợp bị quấy rối, xúc phạm trên mạng, phải lưu lại bằng chứng, nhắn tin yêu cầu đối tượng gỡ bỏ trên mạng, gửi các bằng chứng đến cơ quan công an; đồng thời, chuyên gia cũng khuyến cáo người lao động nên tìm đến những nguồn tín dụng tin cậy như các ngân hàng, các tổ chức tín dụng của Nhà nước, hạn chế thấp nhất việc tìm đến những nguồn vay không chính thức trên mạng. Nếu thật sự khó khăn, hãy tìm đến tổ chức công đoàn nhờ giúp đỡ. Ngoài các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, người lao động cần chủ động trang bị, nâng cao kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, rèn kỹ năng kiểm chứng thông tin bằng nhiều nguồn.