Hỗ trợ khoảng 21.000 người cao tuổi giảm nhẹ tổn thương về thu nhập và sức khỏe

NDO - Sau hơn 3 năm triển khai tại 6 địa phương, dự án “Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi tại Việt Nam” đã mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 21.000 người, phần lớn là người cao tuổi, phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau Xuân Tiến, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: HAI)
Mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau Xuân Tiến, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: HAI)

Ngày 10/5, tại Hà Nội, tổ chức HelpAge International (tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế - HAI) tại Việt Nam khai mạc hội thảo “Chia sẻ mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau”.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án VIE071 “Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi tại Việt Nam”. Chương trình được Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản (JSDF), Ngân hàng Thế giới (World Bank) quản lý và được tổ chức HAI hợp tác với Hội Người cao tuổi sáu tỉnh, thành phố của Dự án, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.

JSDF là Quỹ thuộc Chính phủ Nhật Bản dành cho Ngân hàng Thế giới, được thành lập năm 2000, nhằm hỗ trợ các dự án cộng đồng, dưới dạng hỗ trợ cho không (không phải vốn vay), dành cho các đối tượng dễ bị tổn thương ở các nước đang phát triển, thông qua các mô hình phát triển cộng đồng sáng tạo, tập trung vào các hoạt động tại cộng đồng.

Hỗ trợ khoảng 21.000 người cao tuổi giảm nhẹ tổn thương về thu nhập và sức khỏe ảnh 1

Giám đốc Quốc gia của HelpAge International tại Việt Nam Trần Bích Thủy chia sẻ thông tin tại hội thảo.

Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau là mô hình phát triển bền vững dựa vào cộng đồng nhằm giúp người dân, đặc biệt người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ, người cao tuổi, được nâng cao thu nhập, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận tốt hơn với quyền lợi của mình và tự giúp nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Dự án “Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi tại Việt Nam” được thực hiện trong 4 năm, bắt đầu từ tháng 12/2020 đến hết tháng 12/2024 tại 6 địa phương.

Mô hình giúp đóng góp hiệu quả vào công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã và đang được chủ trương triển khai trên toàn quốc theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đó là: Quyết định 1533/QĐ-TTg ngày 2/8/2016 phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020 (Đề án 1533); Quyết định 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến 2025 (Đề án 1336); Quyết định 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia về người cao tuổi, giai đoạn 2021-2030.

Đến hết tháng 12/2023, cả nước có 6.521 câu lạc bộ tại tất cả 63 tỉnh,thành phố trên toàn quốc. Các câu lạc bộ này đã thu hút hơn 456 nghìn thành viên.

Dự án VIE 071 “Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của người cao tuổi tại Việt Nam” được thực hiện trong 4 năm, bắt đầu từ tháng 12/2020 đến hết tháng 12/2024.

Mục tiêu phát triển của dự án VIE 071 nhằm tăng cường sự tham gia của người cao tuổi trong các hoạt động tăng thu nhập cũng như tăng việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc xã hội và sức khỏe ở các cộng đồng dự án thông qua hoạt động của các câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau.

Địa bàn triển khai dự án tại 6 tỉnh/thành phố ở 2 khu vực: trung du và miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, với các địa bàn Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Dự án được triển khai tại 6 địa phương trên đã giúp nhân rộng thêm 186 câu lạc bộ, mang lại lợi ích trực tiếp cho khoảng 21.000 người, phần lớn là người cao tuổi, phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn.

Tại hội thảo, các cơ quan ban, ngành, hội người cao tuổi các cấp và một số bên liên quan đã giới thiệu/chia sẻ về mô hình câu lạc bộ và các tác động của mô hình đối với thành viên câu lạc bộ, trong đó phần lớn là người cao tuổi, cộng đồng và tổ chức Hội thông qua kết quả đạt được từ dự án VIE071. Qua đó, các đại biểu nêu lên thuận lợi, thách thức và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai. Từ đó, đưa ra các kiến nghị đề xuất cho việc nhân rộng mô hình câu lạc bộ trên cả nước cho những năm tới, đặc biệt sau năm 2025.

Kết quả ban đầu cho thấy, sau khi tham gia câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi ở địa bàn triển khai dự án đã ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực. Cụ thể như, 99,5% người cao tuổi thấy vui hơn; 99,9% người cao tuổi thấy đoàn kết hơn; 99,8% người cao tuổi thấy tự tin hơn; 100% người cao tuổi được trao quyền; 99% người cao tuổi thấy khỏe hơn; 80% người cao tuổi có thu nhập tăng hơn; 99% người cao tuổi thấy hiểu biết hơn; 99,8% người cao tuổi có cuộc sống tốt hơn; 99,4% người cao tuổi thay đổi hành vi tốt hơn.

Mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã được ghi nhận ở khu vực và quốc tế. Cụ thể như, mô hình đã được giải nhất hạng mục sáng kiến dựa vào cộng đồng của Giải thưởng sáng kiến “Vì một châu Á già hóa khỏe mạnh”. Đồng thời, mô hình cũng được công nhận là một thực hành tốt trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (theo Vụ các vấn đề về kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc - UNDESA).

Cùng với đó, mô hình cũng được ghi nhận là thực hành tốt trong nhiều ấn phẩm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong thực hiện mục tiêu già hóa khỏe mạnh.