Hơn 10,5 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập VssID

Đến nay, đã có hơn 10,5 triệu lượt sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số. Qua đó, giúp người dân có thêm lựa chọn khi có nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID và có thể sử dụng thống nhất VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1/7/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: PHƯƠNG NAM.
Ảnh: PHƯƠNG NAM.

Bản tin kết quả triển khai Đề án 06 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tháng 5/2024 cho biết, cơ quan này đã phối hợp thành công việc cung cấp thông tin sổ bảo hiểm xã hội lên ứng dụng định danh điện tử VNeID.

Hiện nay, cơ quan này đang tiếp tục duy trì việc liên thông dữ liệu khi có đề nghị của người lao động về việc tích hợp thông tin quá trình tham gia bảo hiểm xã hội lên ứng dụng VNeID. Tính đến nay, đã có hơn 17,2 triệu lượt truy vấn thông tin sổ bảo hiểm xã hội thành công để tích hợp lên ứng dụng VNeID.

Việc kết nối, tích hợp tài khoản VNeID với ứng dụng VssID đã triển khai chính thức từ ngày 19/10/2023. Tính đến nay, đã có hơn 10,5 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Cục C06 - Bộ Công an) thực hiện điều chỉnh, nâng cấp ứng dụng VssID đáp ứng yêu cầu kết nối, tích hợp tài khoản VNeID với ứng dụng VssID (đăng nhập ứng dụng VssID bằng tài khoản VNeID).

Dịch vụ này đã triển khai chính thức từ ngày 19/10/2023. Tính đến nay, đã có hơn 10,5 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID.

Việc triển khai này giúp người dân có thêm lựa chọn sử dụng tài khoản khi có nhu cầu khai thác thông tin, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID. Đồng thời, đây cũng là hành động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thể hiện sự sẵn sàng cho việc triển khai sử dụng thống nhất tài khoản định danh điện tử trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1/7/2024 theo quy định tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP về định danh và xác thực điện tử.

Về kết nối, chia sẻ dữ liệu và sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế giấy để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, tính đến nay, hệ thống đã xác thực hơn 96,8 triệu thông tin nhân khẩu trong Cơ sở dữ liệu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

100% cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp với trên 82,5 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Về liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã giải quyết 856.063 hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và 10.529 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng dịch vụ công quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 437.399 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Với dịch vụ công "Giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần (thuộc nhóm áp dụng thí điểm xác thực chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động để phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến)", đến nay, toàn ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận 104 hồ sơ phát sinh, trong đó có 102 hồ sơ hợp lệ.

Đối với dịch vụ công "Đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện”, hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 8.479 giao dịch đăng ký, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Đối với dịch vụ công "Đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người chỉ tham gia bảo hiểm y tế" (gộp dịch vụ công Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình vào dịch vụ công này), toàn ngành đã tiếp nhận và xử lý 52.059 trường hợp đăng ký đóng, cấp thẻ bảo hiểm y tế, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế qua dịch vụ công này.

Trên toàn quốc có 1.258 cơ sở khám, chữa bệnh đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với 2.931.502 dữ liệu được gửi; có 1.707 cơ sở khám, chữa bệnh gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 1.208.258 dữ liệu được gửi; 659 cơ sở khám, chữa bệnh gửi dữ liệu giấy báo tử, với 13.403 dữ liệu được gửi.

Việc liên thông giấy khám sức khỏe lái xe qua hạ tầng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam giúp người dân có thể đề nghị cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe hoàn toàn trực tuyến (trước đây người dân buộc phải đến nơi cấp giấy phép lái xe để nộp bản giấy của giấy khám sức khỏe lái xe).

Việc liên thông giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tạo ra tiện ích rất quan trọng là đầu vào giúp người dân có thể thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông. Đó là: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng.

Trước đây, người dân buộc phải đến ủy ban nhân dân xã, phường để nộp bản giấy của giấy chứng sinh, giấy báo tử khi làm thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử.

Đến nay, có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản các nhân tại khu vực đô thị, tăng khoảng 3% so với năm 2022. Con số này đã vượt 4% chỉ tiêu giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.