Nhiều chỉ báo quan trọng từ kết quả điều tra dân số, nhà ở

Tổng Điều tra dân số và nhà ở được thực hiện trong nhiều thập kỷ qua, nhằm cung cấp thông tin về tình hình dân số, các đặc điểm dân cư và tình trạng nhà ở, điều kiện sống của người dân Việt Nam. Cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương lần thứ năm (năm 2019), đã có rất nhiều thông tin có giá trị, giúp ích cho hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhân viên Nhà máy Samsung Việt Nam tại Thái Nguyên trong giờ làm việc. Ảnh: ĐỖ MẠNH CƯỜNG
Nhân viên Nhà máy Samsung Việt Nam tại Thái Nguyên trong giờ làm việc. Ảnh: ĐỖ MẠNH CƯỜNG

Theo Tổng cục trưởng Thống kê Nguyễn Bích Lâm, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, cuộc điều tra dân số nhà ở năm 2019 sử dụng phương pháp điều tra phỏng vấn trực tiếp để điền thông tin vào phiếu hỏi điện tử với sự trợ giúp của máy tính bảng và điện thoại thông minh. Vì vậy, chất lượng số liệu, tính minh bạch được nâng cao và đã rút ngắn thời gian công bố kết quả. Thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2019 tổng dân số Việt Nam là 96.208.984 người. Trong đó, nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2%). Việt Nam là nước đông dân thứ ba trong khu vực Đông - Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người (tăng 1,14%/ năm).

Cũng theo số liệu cuộc điều tra, Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số (85,3%) với quy mô 82,1 triệu người. Trong 53 dân tộc thiểu số, có sáu dân tộc có dân số hơn một triệu người là: Tày, Thái, Mường, H’Mông, Khmer, Nùng; 11 dân tộc có dân số dưới 500 người, trong đó Ơ Đu là dân tộc có dân số thấp nhất cả nước (428 người). Về mật độ dân số là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có mật độ dân số cao nhất cả nước (4.363 người/km2). Đáng chú ý, quy mô hộ gia đình có xu hướng giảm, từ mức 4,6 người/hộ (năm 1999) xuống còn 3,6 người/hộ (năm 2019). Có 10 hộ dân cư thì có một hộ độc thân; tỷ lệ hộ độc thân khu vực thành thị cao hơn nông thôn. Kết quả của tổng điều tra dân số và nhà ở cho thấy, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Tỷ suất chết trẻ em dưới một tuổi và tỷ suất chết ở trẻ em dưới năm tuổi đều giảm mạnh trong vòng 20 năm qua; tỷ số tử vong mẹ là 46 ca/100 nghìn trẻ sinh sống, giảm 23 ca so với năm 2009. Kết quả này cho thấy, Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu về giảm tỷ số tử vong mẹ sớm hơn so với kế hoạch đề ra trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 (45 ca/100 nghìn trẻ sinh sống đến năm 2030). Đáng chú ý, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi (năm 1989 là 65,2 tuổi).

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Chí Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, công tác điều tra 10 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng trình độ dân trí đã được cải thiện, cơ hội đi học đúng độ tuổi quy định của trẻ em ngày càng được bảo đảm, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh; tỷ lệ dân số có trình độ chuyên môn kỹ thuật tăng mạnh. Về chất lượng dân số, mức sinh vẫn duy trì ổn định trong hơn 10 năm qua (tổng tỷ suất sinh là 2,09 con/phụ nữ), ở khu vực nông thôn giảm mạnh trong khi mức sinh ở khu vực thành thị gần như không thay đổi. Sức khỏe người dân, đặc biệt là sức khỏe bà mẹ và trẻ em được tăng cường. Vấn đề giải quyết việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh cho người lao động được chú trọng. Nhà ở và điều kiện sống của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt, nhất là ở khu vực thành thị. Phần lớn các hộ dân cư đều có nhà ở và chủ yếu sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; tỷ lệ hộ không có nhà ở giảm mạnh; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới và nguồn nước hợp vệ sinh tăng mạnh; tỷ lệ hộ có các thiết bị sinh hoạt hiện đại phục vụ cuộc sống cũng tăng cao...

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Bùi Chí Dũng, kết quả tổng điều tra 10 năm qua vẫn còn những tồn tại như: Tình trạng sinh con ở tuổi vị thành niên còn cao ở khu vực trung du và miền núi phía bắc cho nên cần đẩy mạnh hơn nữa đội ngũ cộng tác viên dân số tuyên truyền những giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó, tỷ số giới tính khi sinh tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm (khu vực đồng bằng sông Hồng 115,5 bé trai/100 bé gái). Vì vậy, để giải quyết vấn đề chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành có liên quan tìm giải pháp mạnh để tháo gỡ. Đáng chú ý, dù dân số Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nhưng tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, đòi hỏi phải có những chính sách cụ thể để thích ứng với già hóa dân số, vừa tận dụng được nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế, tạo bứt phá phát triển kinh tế - xã hội.