Gắn biển công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1

Chiều 21-8, tại KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (chủ đầu tư) đã tổ chức lễ gắn biển công trình Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Vũng Áng 1.

NMNĐ Vũng Áng 1 gồm hai tổ máy với tổng công suất 1.200 MW, là nhà máy nhiệt điện lớn nhất khu vực miền trung hiện nay với tổng mức đầu tư gần 1,25 tỷ USD. Nhà máy được khởi công từ tháng 12-2006. Khi đi vào hoạt động, nhà máy đóng góp cho lưới điện quốc gia 7,2 tỷ KW giờ/năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng; doanh thu bán điện của nhà máy đạt khoảng 289 triệu USD/năm (tương đương 4.900 tỷ đồng).

PV

Nâng cao sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi gà

Ngày 21-8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị toàn quốc về phát triển chăn nuôi gà giai đoạn 2015-2020.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, sản xuất chăn nuôi gà còn thiếu tính bền vững, khả năng cạnh tranh thấp. Do năng suất, chất lượng con giống chưa cao; các khâu trong sản xuất còn thiếu tính liên kết, chưa gắn sản xuất với giết mổ, chế biến với thị trường; sản phẩm tiêu thụ bấp bênh, không ổn định, thường xuyên mất cân đối giữa cung- cầu. Hiệu quả chăn nuôi thấp, chi phí sản xuất lớn hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước… Vì vậy, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi gà, cần thực hiện các giải pháp trọng tâm: Phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp; sản xuất con giống năng suất, chất lượng tốt; siết chặt quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi; ngăn chặn dịch bệnh, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; kiểm soát chặt các sản phẩm nhập khẩu, giết mổ và kinh doanh sản phẩm kinh doanh; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật và chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước chuyên ngành tại địa phương; đồng thời nhanh chóng tìm thị trường xuất khẩu sản phẩm.

PV

40 năm phát triển thủy lợi miền nam

Ngày 21-8, Hội Khoa học và Kỹ thuật Thủy lợi TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “40 năm phát triển thủy lợi miền nam”.

40 năm qua, công tác phát triển thủy lợi đã đạt được nhiều thành tích. Với việc xây dựng hàng loạt các công trình thủy lợi để dẫn ngọt, tiêu chua, ngăn mặn, tiêu úng, chống lũ đã biến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ một vùng đất phèn chua ngập úng thành một vùng đất trù phú. Tuy nhiên, những năm gần đây, do bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, công tác chống lũ tại ĐBSCL đang gặp nhiều thách thức. Các nhà khoa học đề xuất, việc phòng, chống lũ cho ĐBSCL trong thời gian tới phải bao gồm cả biện pháp công trình và phi công trình; vừa xây dựng các công trình thủy lợi để chủ động chống lũ, đồng thời phải làm tốt công tác dự báo ngắn hạn và dài hạn; xây dựng hệ thống thông tin hoàn chỉnh và hiện đại từ trên xuống dưới; thành lập các đội kỹ thuật, cứu nạn để có thể đáp ứng khi có tình huống xấu xảy ra…

PV