Đổi mới căn bản, toàn diện Luật Bảo hiểm xã hội

Nguy cơ mất cân đối quỹ trong tương lai gần, chế tài xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội chưa đủ mạnh cho nên việc tuân thủ còn thấp... Những bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2006 đang đặt ra nhu cầu khách quan về việc sửa đổi luật một cách cơ bản để thiết lập khung chính sách, pháp luật BHXH phù hợp sự phát triển của xã hội.

Người lao động đến giải quyết chế độ tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
Người lao động đến giải quyết chế độ tại cơ quan bảo hiểm xã hội.

Nguy cơ mất cân đối quỹ

Báo cáo của Chính phủ cho biết, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so với số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hằng năm có xu hướng tăng nhanh. Nếu như năm 2007 tỷ trọng số chi so với số thu chỉ chiếm 57,2%, đến năm 2013 là 76,6%. Nguy cơ về mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất được lý giải bởi một số nguyên nhân, như: Tỷ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí và tử tuất còn thấp so với mức hưởng lương hưu (từ năm 2012 tổng mức đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động là 20%, từ năm 2014 trở đi là 22%, trong khi tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% mức bình quân tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH). Tính tuân thủ các quy định về đóng BHXH còn thấp, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, ảnh hưởng đến nguồn thu. Số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu ngày càng giảm, năm 1996 cứ 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu, thì đến năm 2012 tỷ lệ này chỉ còn 9,3 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu. Đồng thời, tuổi nghỉ hưu thấp dẫn tới thời gian đóng BHXH ngắn (số năm đóng BHXH bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm) và thời gian hưởng lương hưu dài. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, thì số năm trung bình còn sống thêm của nam ở tuổi 60 là 18,1 năm và của nữ ở tuổi 55 là 24,5 năm (trên thực tế tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,2 tuổi, trong đó nam là 55,6 tuổi và nữ là 52,6 tuổi)... Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và các tổ chức quốc tế: Với những chính sách hiện hành, Quỹ hưu trí và tử tuất có số thu bằng số chi vào năm 2023. Từ năm 2024 trở đi, để bảo đảm chi chế độ hưu trí, tử tuất cho người lao động, ngoài số thu trong năm phải trích thêm từ số dư của tồn tích quỹ và đến năm 2037 thì sẽ hoàn toàn mất cân đối, thu không đủ chi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: Chúng ta cần phân biệt rõ để người lao động yên tâm, đó là BHXH gồm hai quỹ: Quỹ BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản và tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp) và Quỹ BHXH dài hạn (hưu trí, tử tuất). Thực tế quỹ BHXH ngắn hạn đang còn kết dư cao và sẽ không mất cân đối. Nhưng quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối là chắc chắn. Để khắc phục tình trạng này, phải giải quyết được căn bản những mâu thuẫn từ chính hệ thống pháp luật hiện hành.

Cần trao quyền thanh tra xử phạt

Thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT đang ngày càng phức tạp; tình trạng trốn đóng BHXH ngày càng phổ biến. Theo thống kê của ngành lao động, có khoảng 16 triệu người có quan hệ lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nhưng cơ quan BHXH hiện chỉ thu được khoảng 11 triệu người, còn hơn năm triệu người không tham gia BHXH.Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, hiện có hơn 300 nghìn đơn vị đang hoạt động, cơ quan BHXH chỉ quản lý được gần 150 nghìn đơn vị đăng ký tham gia BHXH.Như vậy, có đến 50% số doanh nghiệp trốn đóng BHXH, nếu không có biện pháp buộc chủ sử dụng lao động tuân thủ pháp luật về BHXH thì đến năm 2020 sẽ khó đạt được mức hơn 50% số lao động tham gia BHXH như mục tiêu đề ra.

Tỷ lệ nợ BHXH hiện nay luôn chiếm khoảng 4,5 - 5% số phải thu. Đặc biệt ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động. Một trong những nguyên nhân của tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH là do Luật BHXH hiện hành quy định lãi chậm đóng bằng mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm (mức lãi suất này thường thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay của các ngân hàng). Mặt khác, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH theo quy định còn thấp. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cố tình nợ, chậm đóng BHXH và chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền đóng BHXH.

Theo Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi, để giải quyết tình trạng này, BHXH Việt Nam đã có hệ thống kiểm tra từ trung ương đến địa phương, còn ngành lao động có thanh tra chuyên ngành về BHXH.Vì vậy, thanh tra lao động cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH để tiến hành thanh tra chuyên ngành về BHXH.Tuy nhiên, lực lượng thanh tra đang thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn trong khi cán bộ kiểm tra BHXH lại sâu sát với hoạt động của ngành. Cho nên Luật BHXH (sửa đổi) có cơ chế cho phép thanh tra chuyên ngành về BHXH có thể điều động cán bộ BHXH tham gia các đoàn thanh tra với tư cách thanh tra viên. Đồng thời, Luật BHXH (sửa đổi) lần này cho phép thanh tra tài chính có quyền thanh tra, xử lý nếu doanh nghiệp không tham gia đóng BHXH, trốn đóng hoặc nợ đọng BHXH.

Tuy nhiên, Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng: BHXH Việt Nam được giao thực hiện chính sách BHXH và quản lý quỹ BHXH.Tại Điều 7 Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định bảy nội dung cho ngành BHXH nhưng có năm nội dung mang tính chất quản lý nhà nước và hai nội dung vừa có chức năng sự nghiệp, vừa có chức năng quản lý nhà nước. Điều này thể hiện cơ quan BHXH là tổ chức đan xen cả sự nghiệp và quản lý nhà nước, không phải đơn vị sự nghiệp đơn thuần mà thực hiện cả các dịch vụ công đặc biệt, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý tài chính, đầu tư tăng trưởng quỹ. Vì vậy, nếu không đưa chức năng thanh tra, kiểm tra vào thì ngành BHXH khó mà hoàn thành nhiệm vụ và sẽ ảnh hưởng các chính sách an sinh xã hội thiết yếu của xã hội...

Hằng năm có khoảng một triệu người bước vào hệ thống BHXH nhưng có 600 nghìn người hưởng chế độ hưu trí một lần và về hưu trước tuổi. Nếu chỉ trừ một tỷ lệ rất thấp 1% như hiện nay, thì số người về hưu một lần và về hưu trước tuổi rất cao. Do vậy, Luật BHXH (sửa đổi) lần này nâng tỷ lệ trừ lùi tiền lương 2% với mục tiêu không khuyến khích về hưu một lần và về hưu sớm. Nhưng cần có cơ chế trong trường hợp đặc biệt ốm đau, bất khả kháng xử lý cho về hưu một lần...

BÙI SỸ LỢI

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

BHXH Việt Nam không phải là cơ quan quản lý nhà nước, cũng không hẳn là đơn vị sự nghiệp. Trong hoạt động của BHXH có nhiều vấn đề mà nếu không có thanh tra, kiểm tra sâu sẽ không khắc phục được những hạn chế. Vì vậy, trong tổng thể điều chỉnh, sửa đổi Luật BHXH lần này, cần nghiên cứu để BHXH Việt Nam có cơ chế thanh tra, kiểm tra như các cơ quan chuyên ngành khác như thuế, kiểm lâm, chứng khoán, hàng không...

PHAN TRUNG LÝ

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội