Để lao động phi chính thức không bị bỏ quên

NDO -

NDĐT- Nước ta có hơn 18 triệu lao động phi chính thức, chiếm khoảng 57,2 % tổng số lao động. Quy mô lớn, nhưng nhóm lao động này phải đối mặt với nhiều thiệt thòi và bất lợi trong việc làm. Do đó, cần có nỗ lực chính thức hóa việc làm phi chính thức, tạo cơ hội việc làm bền vững, hướng tới bình đẳng cho người lao động khu vực này.

Để lao động phi chính thức không bị bỏ quên

Quy mô lớn nhưng yếu thế

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho hay, quy mô của lao động phi chính thức ở nước ta khá lớn, với hơn 18 triệu người. Năm 2016, tỷ lệ lao động phi chính thức so với tổng số là khá cao, chiếm 57,2%. Số liệu này không tính lao động trong các hộ sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản không có đăng ký kinh doanh.

Thông tin này được bà Mai đưa ra trong lễ công bố Báo cáo lao động phi chính thức tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê (GSO), Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, Viện Khoa học lao động - xã hội phối hợp tổ chức ngày 4-10 tại Hà Nội.

Lần đầu tiên, Báo cáo này sử dụng khung phân loại lao động phi chính thức theo tài liệu hướng dẫn của ILO để ước lượng quy mô và cơ cấu lao động việc làm phi chính thức ở Việt Nam, dựa trên cơ sở dữ liệu Điều tra lao động - việc làm do GSO thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai nhận định, khu vực phi chính thức có những đặc điểm dễ nhận thấy như: lao động trong khu vực này có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thỏa thuận miệng, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), không chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác cho người lao động…

Xét về mặt tổng số, lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều có xu hướng tăng, nhưng theo ngành kinh tế, lao động làm nông - lâm nghiệp và thủy sản có xu hướng giảm (giảm từ 24 triệu người năm 2014 xuống còn 21,8 triệu người năm 2016).

Khoảng 60% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn nơi có nhiều làng nghề truyền thống và các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác.

Một trong những bất cập của lao động phi chính thức là tỷ lệ qua đào tạo khá thấp (14,8%). Con số này thấp hơn mức chung của lao động có việc làm của toàn bộ nền kinh tế (5,7%), và thấp hơn so với lao động chính thức (17,4%) . Trong số lao động phi nông nghiệp không có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, lao động có việc làm phi chính thức chiếm đến 71,9%.

Đặc điểm khác đáng lưu ý là, 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương (trong đó 32,1% là lao động tự làm và 11,8% là lao động gia đình không được trả lương). Với lao động chính thức, chỉ 14% xếp vào nhóm này.

Tiền lương bình quân tháng của lao động phi chính thức thấp hơn của lao động chính thức. Tiền lương bình quân của nhóm lao động chính thức vào khoảng 6,7 triệu đồng/tháng, tiền lương bình quân của nhóm lao động phi chính thức chỉ bằng hơn một nửa con số đó (4,4 triệu đồng/tháng).

Đáng báo động là, hầu hết lao động phi chính thức không có BHXH, chiếm tới gần 98%. Chỉ 0,2% số lao động trong nhóm này được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng BHXH tự nguyện. Trong khi đó, tỷ lệ lao động chính thức có BHXH bắt buộc rất cao (80,5%). Điều này dễ dẫn đến tình trạng họ không có cơ hội thụ hưởng những chính sách an sinh xã hội của Nhà nước, nhất là khi hết độ tuổi lao động.

Bà Mai cũng chia sẻ, lao động phi chính thức có cả trong khu vực chính thức. Năm 2016, riêng trong khu vực chính thức có đến 35,7% tổng số lao động phi chính thức đang làm việc. Chỉ tính riêng khu vực chính thức, năm 2016 trong tổng số 16.139,1 nghìn người làm công ăn lương, có khoảng 1/3 là lao động phi chính thức. Nói cách khác, cứ ba người làm công ăn lương trong khu vực chính thức vẫn còn một lao động phi chính thức.

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy quá trình chính thức hóa nền kinh tế như chuyển hộ sản xuất, kinh doanh sang thành lập, đăng ký và hoạt động theo các hình thức doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc thành lập mới doanh nghiệp, khuyến khích khởi sự doanh nghiệp, mở rộng đối tượng tham gia BHXH theo Luật BHXH sửa đổi năm 2014. Nhờ đó, tỷ trọng lao động phi chính thức ở Việt Nam đã giảm từ 58,8% năm 2014, xuống 58,3% năm 2015 và 57,2% năm 2016. Tuy nhiên, quy mô lao động phi chính thức vẫn tiếp tục tăng lên trong cùng thời gian. Năm 2016, tổng số lao động phi chính thức ở Việt Nam là hơn 18,01 triệu người, tăng 2,8% so với năm 2015, trong đó, nữ chiếm hơn 7,8 triệu người, tương đương 43,56%.

Để không bị bỏ quên

Lao động phi chính thức là vấn đề lớn cần quan tâm hơn, bởi phần lớn nhóm này tập trung nhiều ở khu vực nông thôn và đang đối mặt với nhiều thiệt thòi, bất lợi so với lao động chính thức. Đây là đánh giá của TS Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

Sự yếu thế của họ thể hiện trên ba phương diện chính: chất lượng lao động, phân bố việc làm, thời gian làm việc.

Lao động làm công ăn lương phi chính thức làm nhiều hơn hai giờ so với lao động làm công ăn lương chính thức, cao hơn số giờ làm việc theo quy định (49,2 giờ/47,2 giờ).

Hầu hết lao động phi chính thức đều thuộc diện dễ bị tổn thương. Nhóm này rất dễ bị tác động bởi các chính sách quản lý nhà nước cũng như tác động của các điều kiện tự nhiên, thời tiết. Nhìn chung, phụ nữ làm việc trong các nghề dễ bị tổn thương cao hơn nam giới.

Về thu nhập, tiền lương bình quân của lao động phi chính thức là 4,44 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 58% tiền lương bình quân của lao động chính thức. Mức tiền lương này cao hơn 1,5 lần tiền lương tối thiểu vùng 4 và chỉ cao hơn 12,6% tiền lương tối thiểu vùng 1. Với con số này, người lao động rất khó bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Từ đó, ông Vinh đưa ra một số khuyến nghị nhằm hỗ trợ tích cực cho nhóm lao động dễ bị tổn thương này, giúp họ không phải chịu sự “bỏ quên” của chính sách.

Trước hết, cần đẩy mạnh quá trình chính thức hóa khu vực phi chính thức. Khi chuyển đổi thành khu vực chính thức, sẽ có cơ hội tăng đầu tư, mở rộng tốt hơn cơ hội tiếp cận tín dụng. Từ đó, tiền lương cho người lao động có khả năng cao hơn, tăng lợi nhuận và tăng năng suất lao động.

Bên cạnh đó, cần tăng cường chính sách công và sự bảo vệ đối với lao động phi chính thức. Giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và giải quyết việc làm tại Việt Nam, nhưng nhóm đối tượng này vẫn bị bỏ quên trong nhiều chính sách của Nhà nước, ít nhận được sự bảo vệ của công đoàn và pháp luật.

Cuối cùng, điểm nhấn quan trọng là phát triển chương trình BHXH tự nguyện. Dễ thấy, những nỗ lực đưa chính sách BHXH đến khu vực phi chính thức đến nay chưa thành công. Tính hết năm 2016, mới có hơn 203 nghìn lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Những khó khăn trong việc mở rộng diện tham gia BHXH tự nguyện có nhiều nguyên nhân, như khả năng chi trả, thu nhập không ổn định, nhận thức… Do đó, Nhà nước cần thiết kế các chế độ bảo đảm công bằng với BHXH bắt buộc. Có thể hình thành các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ một phần kinh phí để người lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện cũng như sự linh hoạt trong mức đóng, phương thức đóng.

* Việc làm phi chính thức tại Việt Nam

- Quy mô của lao động phi chính thức là hơn 18 triệu người

- Tỷ lệ người lao động làm công việc phi chính thức đang giảm nhẹ

Tỷ lệ lao động phi chính thức đã giảm nghẹ từ 58,8% vào năm 2014 còn 57,2% vào năm 2016. Tuy nhiên, sự thay đổi cơ cấu giữa hai nhóm lao động không đáng kể. Đáng chú ý, tổng số tuyệt đối việc làm phi chính thức tại Việt Nam vào năm 2016 tăng nhiều với hai năm trước đó.

- Thống kê cho năm 2016 cho thấy, gần 2/3 tổng số người lao động phi chính thức làm việc trong khu vực chính thức.

- Việc làm phi chính thức thường được cho là tập trung nhiều hơn ở khu vực nông thôn.

- Về kỹ năng nghề, số lượng lao động phi chính thức được đào tạo kỹ năng chiếm tỷ lệ rất nhỏ 14,8% so với 55,4% lao động chính thức

- Thời giờ làm việc của người lao động ở cả hai khu vực phi chính thức và chính thức là tương đương. Tuy nhiên, thu nhập trung bình hằng tháng của lao động chính thức cao hơn 71% so với lao động phi chính thức

-Tỷ lệ lao động phi chính thức của Việt Nam có sự khác biệt với một số quốc gia khác trong châu lục hoặc khu vực. Tỷ lệ lao động phi chính thức của một số nước trong khu vực như sau: Trung Quốc là 55,2%; Thái-lan là 37,7% (năm 2013), Philippines là 70,1% (năm 2008), Indonesia là 72,5 (năm 2009).

(Nguồn: Tổng cục Thống kê)