Ukraine dừng xuất khẩu phân bón để bảo đảm thị trường trong nước

NDO -

Bộ Nông nghiệp Ukraine ngày 12/3 chính thức áp dụng hạn ngạch bằng 0 đối với xuất khẩu phân bón để cân đối thị trường trong nước, trước ảnh hưởng từ chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga tiến hành tại nước này.

Cánh đồng lúa mì ở Ukraine. (Ảnh: Reuters)
Cánh đồng lúa mì ở Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Trong tuyên bố đưa ra ngày hôm qua, bộ trên cho biết, chính phủ Ukraine quyết định áp dụng hạn ngạch bằng 0 đối với việc xuất khẩu phân bón khoáng, đồng nghĩa với 1 lệnh cấm xuất khẩu phân bón từ Ukraine.

Theo đó, lệnh cấm trên sẽ áp dụng cho phân bón chứa nitơ, phốt-pho, kali và phân bón phức hợp, nhằm giúp duy trì cân bằng thị trường nội địa.

Trước đó, Ukraine cũng đã cấm xuất khẩu một số mặt hàng nông nghiệp và siết việc cấp giấy phép cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước này, gồm lúa mì, ngô và dầu hướng dương.

Là một trong những nước sản xuất nông nghiệp lớn của thế giới, trong đó đứng đầu về xuất khẩu dầu hướng dương, Ukraine theo truyền thống sẽ bắt đầu vụ gieo trồng mùa xuân vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3. Nông dân địa phương cho biết, họ sẽ bắt đầu gieo trồng ở những khu vực an toàn ngay khi có thể.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ sáu nhấn mạnh, nước này phải tăng cường gieo trồng trong mùa xuân này.

Hiệp hội các nhà sản xuất nông nghiệp Ukraine cho biết, ngành nông nghiệp nước này có khả năng sẽ giảm diện tích gieo trồng hướng dương, hạt cải dầu và ngô trong năm nay, thay thế bằng ngũ cốc, kiều mạch, yến mạch và kê.

Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng, Ukraine dự báo có thể xuất khẩu hơn 60 triệu tấn ngũ cốc, bao gồm 33 triệu tấn ngô và 23 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 2021-2022.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Ukraine, nước này đã xuất khẩu 43 triệu tấn ngũ cốc các loại trong niên vụ 2021-2022 tính đến ngày 23/2.

Cũng trong ngày 12/3, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal cho biết, dự trữ khí đốt của Ukraine hiện đạt 9,5 tỷ m3 và việc sản xuất vẫn tiếp tục ở tất cả các cơ sở, ngoại trừ các nhà máy trong những khu vực đang xảy ra giao tranh.

Ông Shmygal cũng thông tin thêm, nhập khẩu khí đốt từ Hungary, Slovakia và Ba Lan cũng đang được duy trì.

Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, Ukraine tiêu thụ khoảng 30 tỷ m3 khí đốt mỗi năm, trong đó tự sản xuất được khoảng 20 tỷ m3 và nhập khẩu phần còn lại từ châu Âu.

Ukraine từng nhập khẩu khí đốt của Nga nhưng đã chuyển sang sử dụng nguồn cung năng lượng từ châu Âu kể từ tháng 11/2015, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và xung đột nổ ra ở miền đông Ukraine.

Ngoài ra, Thủ tướng Shmygal cũng thông tin thêm, nguồn vốn 50,8 tỷ hryvnia Ukraine (khoảng 1,74 tỷ USD) từ các dự án không thể được triển khai trong thời chiến đã được chuyển sang quỹ dự phòng ngân sách, nhằm đáp ứng nhu cầu cho các hoạt động trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine