Nga bác bỏ khả năng tấn công Ukraine

Trong tuyên bố ngày 11/2, Bộ Ngoại giao Nga tiếp tục bác bỏ khả năng nước này thực hiện cuộc tấn công Ukraine.

Binh sĩ Mỹ được triển khai tới Ba Lan. (Ảnh REUTERS)
Binh sĩ Mỹ được triển khai tới Ba Lan. (Ảnh REUTERS)

Tuy nhiên, Moskva nhấn mạnh Nga có thể có "hành động quân sự kỹ thuật" trong trường hợp những yêu cầu của Nga không được đáp ứng. Nga đang chờ đợi sự bảo đảm bằng văn bản từ NATO rằng liên minh quân sự này không kết nạp Ukraine và rút lại sự hiện diện ở Đông Âu. Tuyên bố nêu trên được Nga đưa ra sau khi Cố vấn an ninh Mỹ ngày 11/2 cảnh báo rằng Nga có thể mở cuộc tấn công Ukraine bất cứ lúc nào.

Nga nhiều lần tuyên bố rằng, lo ngại về khả năng Nga tấn công Ukraine chỉ là cái cớ để NATO tăng cường hiện diện quân sự tại Đông Âu. Nga nhấn mạnh, việc Mỹ và đồng minh triển khai quân tại Đông Âu là "bước đi sai lầm". Sputnik dẫn lời quan chức phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc nêu rõ, thay vì xoa dịu căng thẳng, hành động này có thể khiến căng thẳng leo thang và dẫn tới khủng hoảng mà các nước đều muốn tránh.

Theo tuyên bố mới nhất của Mỹ, được AFP trích dẫn ngày 11/2, Mỹ có kế hoạch đưa thêm 3.000 binh sĩ tới Ba Lan để trấn an các nước đồng minh trong NATO trước nguy cơ xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine. Lầu năm góc cho biết, số binh sĩ Mỹ được triển khai tăng cường sẽ tới Ba Lan trong tuần tới.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành cảnh báo, khuyến cáo công dân Mỹ tại Ukraine nhanh chóng rời khỏi quốc gia châu Âu này. Nhật Bản và Hà Lan cũng khuyến cáo công dân sớm rời Ukraine. Australia, New Zealand, Israel... cũng đề nghị công dân không tới Ukaine vào thời điểm hiện nay.

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang, một loạt lãnh đạo các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Đức, Pháp, Anh, cùng lãnh đạo NATO, Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch điện đàm trong ngày 12/2 để thảo luận về khủng hoảng Ukraine. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đều xác nhận thông tin về cuộc điện đàm, theo đề xuất của Mỹ.

Trước đó, cuộc gặp của các đại diện nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine) về giải quyết khủng hoảng ở miền Đông Ukraine đã kết thúc sau khoảng chín giờ đàm phán tại thủ đô Berlin của Đức mà không đạt kết quả cụ thể. Nga kêu gọi gây sức ép mạnh hơn nữa để Ukraine thực thi thỏa thuận Minsk mà Nga cho là điều kiện tiên quyết để giải quyết xung đột một cách hòa bình.

Trong khi đó, phát biểu trước cuộc hội đàm với các lãnh đạo Litva, Estonia và Latvia, Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ô.Sôn) tuyên bố, Berlin muốn ngăn chặn xung đột, ủng hộ đối thoại, duy trì hòa bình và ổn định ở châu Âu. Kêu gọi đối thoại nghiêm túc với Nga về các vấn đề an ninh ở châu Âu, ông Scholz cho biết sẽ tiếp tục các nỗ lực ngoại giao, trong chuyến thăm Ukraine và Nga vào tuần tới.

Trong cuộc họp báo chung với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (G.Xtôn-ten-bớc) tại Brussels, Thủ tướng Anh Boris Johnson (B.Giôn-xơn) bày tỏ hy vọng châu Âu có thể vượt qua cuộc khủng hoảng nhờ chính sách ngoại giao kiên nhẫn. Ông Stoltenberg cho biết, ông đã gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Nga, nhắc lại lời mời tiếp tục đối thoại trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO.