Việt kiều ở Pháp trước và sau chiến thắng Điện Biên Phủ

Việt kiều ở Pháp trước và sau chiến thắng Điện Biên Phủ

Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, trong cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, Việt kiều ở Pháp sớm có tổ chức phong trào yêu nước và những hoạt động của phong trào có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta, nhất là trên mặt trận quốc tế-ngoại giao.

Trước chiến tranh thế giới lần thứ hai, Việt kiều ở Pháp còn ít. Khi chiến tranh nổ ra, mấy vạn lính thợ người Việt bị bắt đưa sang Pháp, sống tập trung trong các trại, bị bóc lột tàn tệ, nên những cuộc đấu tranh nổ ra ngày càng nhiều. Những sinh viên, trí thức Việt Nam sớm giác ngộ đã sát cánh với những người thợ trong cuộc đấu tranh đó, về sau trở nên những tên tuổi được nhiều người biết như Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, Nguyễn Khắc Viện, Trần Thanh Xuân, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Hoán...Hai nhà trí thức lớn là kỹ sư Trần Đại Nghĩa và bác sĩ Trần Hữu Tước theo bác Hồ về nước năm 1946 thì đã có những cống hiến xuất sắc cho dân tộc. Đặc biệt người kỹ sư được Bác Hồ đặt tên Trần Đại Nghĩa (tên thật của ông là Phạm Quang Lễ) đã từ bỏ chức vụ kỹ sư trưởng chế tạo máy bay với mức lương tương đương 22 lượng vàng, mang về nước một tấn sách khoa học kỹ thuật để chế tạo nhiều loại vũ khí độc đáo trong hoàn cảnh khó khăn của Việt Nam lúc đó, trong đó có súng ĐKZ từng làm giặc Pháp khiếp sợ, bắt đầu từ trận Phố Lu, đến các chiến trường Trung và Nam Bộ cho tới chiến dịch Điên Biên Phủ. Ông Trần Đại Nghĩa và công trình chế tạo súng ĐKZ đều đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Cuộc kháng chiến chống Pháp càng gần đến ngày thắng lợi, phong trào Việt kiều hướng về Tổ quốc càng lớn mạnh, đặc biệt là hai dịp biểu dương lực lượng hàng năm vào dịp ngày Hội Báo Nhân Đạo (L' Humanité – Báo của Đảng Cộng sản Pháp) và ngày Tết. Ngày Hội Báo Nhân Đạo trùng với lễ Quốc khánh Việt Nam, được tổ chức trong công viên Vincennes, ngay sát cửa ô Paris có khi thu hút đến một triệu người. Các bạn Pháp dành cho Việt kiều một khu rộng để triển lãm, cờ đỏ sao vàng kéo lên bay phần phật giữa thủ đô Pháp, hàng vạn người đi qua ký kiến nghị đòi chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Vì thế, chính phủ Pháp đã cấm tổ chức Việt kiều hoạt động và tháng 12-1952, cảnh sát Pháp đã bắt mấy chục người, trong đó giáo sư Phạm Huy Thông, người phụ trách phong trào, và giải ông về giam ở Sài Gòn.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cũng có tên trong danh sách bị bắt, nhưng lúc cảnh sát ập đến nhà thì ông đi vắng. Sau ngày đó, ông phải liên tục đổi chỗ ở. Đây cũng là lúc ông nhận trách nhiệm lãnh đạo phong trào Việt kiều ở Pháp, thay thế ông Phạm Huy Thông. Cũng may là nhờ phương pháp tập dưỡng sinh, sức khỏe ông đã dần hồi phục sau bảy lần lên bàn mổ cắt mất tám xương sườn và hơn một lá phổi (do bị lao). Mặt khác, với bệnh án còn không đầy lá phổi, và vết mổ sau lưng còn sâu hoắm chưa liền da, nếu có bị bắt, bác sĩ nào cũng có thể chứng nhận ông không còn hơi sức đâu lãnh đạo phong trào Việt kiều. (Quả nhiên, tháng 11 năm 1954, ông Viện bị cảnh sát Pháp bắt, nhưng khi ông đòi cho bác sĩ vào thay băng, chúng thấy vết mổ chưa liền da sau lưng và cũng không có bằng chứng phạm pháp, nên đành phải thả ra.)

Cuộc kháng chiến trong nước càng phát triển, nhất là trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 tiến tới chiến dịch Điện Biên Phủ, các hoạt động phối hợp của tổ chức Việt kiều tại Pháp càng có ý nghĩa nhưng lại khó khăn hơn trước do phải hoạt động bí mật. Nhờ mạng lưới đã xây dựng từ mươi năm trước, nên ông Viện cùng các cộng sự đã “qua mặt” được mật thám Pháp, củng cố 10 chi hội ở các tỉnh, ra thường xuyên tờ “Quyết thắng”, kịp thời thông tin trung thực tình hình trong nước đến kiều bào và cả các tổ chức Pháp.

Kỹ sư Vũ Đình Bông, một Việt kiều về nước ngay khi cuộc kháng chiến chống Pháp chưa kết thúc đã nhớ lại:

“...Tờ thông tin bí mật lấy tên “Quyết thắng”, in rônêô, bài viết chủ yếu do anh Viện cung cấp. Lâu lâu, anh Viện tạt ghé phòng anh em chúng tôi ở, giao nhiệm vụ, ăn vài miếng rồi lại lặng lẽ ra đi. Đi đâu? Mấy năm hoạt động bí mật ấy, chúng tôi không có quyền hỏi... Khi có tín hiệu bị truy lùng, anh Viện thường đến chỗ tôi tạm lánh vài hôm trên tầng lầu 5 kín đáo, ít người dòm ngó. Anh Viện có vết mổ phổi chưa lành hẳn, nên hằng ngày tôi phải thay băng bằng cách rút mảnh ga cũ có thấm nước rỉ ở hõm to bằng cái bát con ăn sâu vào bả vai, rồi luồn mành mới vào. Thấy sự chịu đựng đau đớn thể hiện trên nét mặt, càng thấy anh Viện là người có nghị lực hơn người... Có lần bị truy lùng gắt gao, anh Viện giao cho tôi di chuyển máy in rônêô đến địa chỉ mới là nhà một đồng chí người Pháp ở ngoại ô Paris. Biết việc di chuyển máy móc in ấn là bất hợp pháp, rất nguy hiểm, nhưng tôi không hề sợ. Tôi đến người bạn thân là Nguyễn Hoán mượn xe ô tô và tự lái đưa máy móc đi từ sáng tinh mơ để qua mắt kiểm soát của bọn mật thám...”

  Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu tin tức về nội bộ đối phương cho lãnh đạo trong nước, ông Viện với sự cộng tác tận tình của ông Nguyễn Văn Chỉ, trong nhiều tháng cứ mỗi buổi sáng, đi mua mười mấy tờ báo lớn của Pháp, xem chỗ nào đáng chú ý thì gạch chì xanh chì đỏ vào rồi nhờ Trung Đảng Cộng sản Pháp chuyển về Việt Nam. Anh Chỉ không phải là Đảng viên, lại có quốc tịch Pháp, nên có lợi thế trong việc quan hệ với các chính khách Pháp, nhờ đó tập hợp được nhiều tin tức để chuyển về trong nước. Ở các tỉnh cũng có một số kiều bào như vậy.

Cho đến ngày 7-5-1954, khi các báo Pháp loan tin “Điện Biên Phủ đã thất thủ”, chính phủ Pháp treo cờ quốc tang, nhưng ở đâu có người Việt Nam là các bạn Pháp mua rượu tới uống, mừng chiến thắng, vì họ xem Điện Biên Phủ cũng là chiến thắng của họ. Trên các đường phố Paris, sinh viên các nước châu Phi kéo đi từng đoàn hô lớn: Điện Biên Phủ! Hoan hô Hồ Chí Minh! Hoan hô tướng Giáp!” Cả những người thuộc phe Bảo Đại ngày hôm ấy cũng hân hoan, thấy tự hào làm người Việt Nam! Những biểu hiện đó càng chứng tỏ Điện Biên Phủ không chỉ đơn thuần là một chiến thắng quân sự mà còn có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt, nâng cao vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc chính phủ Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ở Genève.

Trong thời kỳ này, theo yêu cầu của phái đoàn ta, ông Viện đã thay mặt tổ chức Việt kiều, bí mật vượt biên giới Pháp-Thụy Sĩ sang Genève báo cáo tình hình ở Pháp với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu... Do biên giới bị canh gác nghiêm ngặt, nhờ đường dây của Đảng Cộng sản Pháp, ông Viện đã trốn trong một chiếc xe hằng ngày chở trứng gà qua bán ở Genève vượt qua biên giới an toàn. Một tuần sau, cũng bằng cách đó, ông trở về Paris tiếp tục hoạt động...

Mãi đến năm 1956, chính phủ Pháp mới đồng ý cho Hội Liên hiệp Việt kiều hoạt động công khai và lúc đó, ông Viện mới chính thức được bầu là “Tổng Thư ký”. Phong trào Việt kiều ở Pháp ngày  càng hoạt động sôi nổi, nhưng sau này nhớ lại mấy chục năm ở Pháp, ông Viện nói rằng: Những ngày chiến thắng Điện Biên Phủ là những ngày vui sướng nhất...

Trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay, hy vọng là với đường lối đổi mới của Đảng và gần đây nhất là Nghị quyết của Bộ Chính trị về chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện nghiêm chỉnh, nhất quán, Việt kiều ở Pháp cũng như ở nhiều nước khác sẽ ngày càng phấn khởi, có những đóng góp thiết thực với đất nước như hơn nửa thế kỷ trước đã góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.