Dưới mầu hoa ban trắng

NDO -

NDĐT- Đồi Khau Cả như chùng xuống trong bước đi lặng lẽ, trầm mặc của đoàn người đầu xanh, đầu bạc. Tôi cảm nhận rất rõ những năng lượng lịch sử đang được chuyển giao, bừng sáng những nhận thức vô cùng mới mẻ mà tôi muốn chia sẻ với bạn đọc qua những câu chuyện ít người biết tới, qua những tâm sự của các nhà văn, các nhạc sĩ…

Thăm nhà tù Sơn La.
Thăm nhà tù Sơn La.

Ngày thứ ba của chuyến hành hương về nguồn (11-3), đoàn văn nghệ sĩ của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ nhà tù Sơn La.

Nhà thơ Hữu Thỉnh đứng rất lâu trước mộ liệt sĩ Lò Văn Giá. Lò Văn Giá là một thanh niên Thái, được các chiến sĩ trong tù giác ngộ trong những chuyến đi ra ngoài lao động khổ sai. Năm 1943, ông Giá đã lo mua sắm quần áo, thẻ thuế thân mang tên người dân tộc và dẫn đường vượt ngục thành công cho các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu.

Hồi đó, Sơn La còn nghìn trùng cách trở, thâm u. Thư Công sứ Sơn La Xanh Pu-lốp gửi Thống sứ Bắc Kỳ 1932: “Xin ngài cứ tiếp tục gửi chính trị phạm lên Sơn La. Bọn này nếu ở Hỏa Lò là những hạng hung hăng khó trị, thì rồi đây, tới Sơn La chỉ trong vòng sáu tháng thôi, vi trùng sốt rét sẽ làm cho chúng suy nhược và trở nên hiền hòa”.

Tù nhân chính trị từ Hỏa Lò lên đều bị bịt mắt. Vào năm 1943, khi cách mạng cần cán bộ lãnh đạo phong trào chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Chi bộ nhà tù Sơn La quyết định cử bốn đồng chí nói trên vượt ngục. Nhưng không thạo tiếng dân tộc, không biết đường thì không thể về xuôi khi sự kiểm soát của địch vô cùng gắt gao. Ông Giá tình nguyện làm người dẫn đường, dù khi đó, ông mới có con trai hai tháng tuổi, mẹ đang ốm. Sau chín ngày, nhờ sự thông thuộc, mưu trí của ông mà đoàn về đến được vùng Chợ Bờ - Suối Rút Hòa Bình. Hồi ký đồng chí Trần Đăng Ninh viết: “Anh thanh niên Thái đưa chúng tôi đến đây đã hết phận sự. Chúng tôi cùng anh từ biệt bùi ngùi cảm động. Thuyền xa, chúng tôi còn nhìn theo người thanh niên Thái và khắc tên Giá của anh vào lòng”...

Cũng trước khi chia tay, lường hết sự việc, các đồng chí khuyên ông Giá, thế nào kẻ địch cũng biết chuyện và lùng bắt, anh không nên về quê nữa. Ông Giá nói: “Mình khắc có cách”. Chưa có cách gì nhưng bụng ông đã quyết, có sao thì cũng không thể bỏ đi đâu khi mẹ ốm, khi con trai vừa sinh…

Quả nhiên, ông Giá về nhà thì bị địch bắt ngay. Bị kẻ thù tra tấn vô cùng dã man nhưng ông đã không hề khai nửa lời, chỉ một mực nói không biết. Sau đó, ông bị đưa vào rừng thủ tiêu. “Thật kỳ lạ, thật vĩ đại. - nhà thơ Hữu Thỉnh thốt lên - Lòng yêu nước, yêu nhà sâu sắc, hy sinh đến cùng vì cách mạng như thế, không còn là câu chuyện cá nhân nữa. Nó nói lên điều gì thật sâu xa của người Thái Sơn La, của đồng bào các dân tộc miền núi trong những ngày đầu theo Đảng”. Nhà thơ đã không ngăn nổi sự xúc động của mình: “Bác Giá bằng tuổi bố tôi. Bố tôi còn được hưởng hòa bình và sống đến thượng thọ. Bác Giá hy sinh ở tuổi 23, còn trẻ lắm, trẻ lắm… Làm sao có thể quên được những con người đã hiến thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc? Nhà văn nhìn đi đâu trước cuộc sống này?”

Nhạc sĩ Cát Vận đã đến thăm nhà tù Sơn La ba lần. Ông nói, “tuổi già hạt lệ như sương”, thế mà lần nào tôi cũng không cầm được nước mắt. Nơi đây, từng giam cầm người anh của giới âm nhạc chúng tôi, anh Đỗ Nhuận, số tù 76. Trong những hàng tên liệt sĩ ở đây, cũng như bất cứ nơi nào trên đất nước này, đều có những người con Thái Bình quê tôi, thương cảm bao nhiêu và cũng tự hào về quê hương bấy nhiêu. Và lần này, tôi bị hút vào ảnh những người tù cộng sản mà bảo tàng mới sưu tầm được đầy đủ hơn. Tôi thấy kỳ lạ là trên gương mặt những người còn trẻ tuổi ấy, lại toát lên ánh sáng của một trí tuệ, niềm tin và sự kiên nghị phi thường. Tôi cũng không hiểu được, nhà tù khắc nghiệt thế mà các anh không chỉ chịu đựng, mà còn lạc quan, tranh thủ mọi thì giờ, điều kiện để học tập chủ nghĩa Mác, học tiếng dân tộc, vẫn làm báo, diễn kịch”…

Dưới mầu hoa ban trắng ảnh 1

Báo Lắc Mướng.

Suối reo, một tờ báo cách mạng viết tay trên khổ giấy 20cmx14cm, ra đời trong nhà tù Sơn La do đồng chí Xuân Thủy làm chủ bút, lấy cảm hứng từ tiếng suối dòng Nậm La, từ niềm tin thắng lợi của cách mạng. Số đầu có bài thơ như một lời ra mắt: Thu sang hoa cỏ già rồi/ Suối reo lên để cho đời trẻ trung/ Thu sang non nước lạnh lùng/ Suối reo lên để cho lòng ta reo. Báo phải làm bí mật, có lúc phải chui vào nhà xí để biên soạn, đồng chí Xuân Thủy đùa “Ban Biên tập”: Đem theo ánh sáng vào trong ấy/ Chớ để văn chương phải nặng mùi. Báo thật sự đã giúp anh em biết được tình hình trong nước và thế giới, biết được chủ trương của Đảng, góp phần giữ vững chí khí chiến đấu. Việc đưa chính trị phạm lên Sơn La, bọn Pháp cũng không ngờ rằng, lại giúp dân sớm tiếp xúc với Đảng. Tù nhân đã giác ngộ được cả cai ngục, thành lập được Hội người Thái cứu quốc ở bên ngoài. Tổ chức này ra báo Lắc Mướng (Đất nước; viết bằng tiếng Kinh, tiếng Thái), nhằm khơi dậy lòng căm thù giặc, hướng người ta theo Việt Minh. Tin, bài viết rất ngắn, chỉ mấy dòng. Xin dẫn một bài: Một thằng Nhật vào bản Na-cọ thấy một đôi vợ chồng đi giữa đường liền chói (trói) người chồng vào gốc cây gần đấy rồi hãm hiếp người vợ…

Nhạc sĩ Văn Ký từng hoạt động bí mật trước năm 1945, huyện đội trưởng Nông Cống sau Cách mạng Tháng Tám. Ông thổ lộ: “Điều anh Cát Vận nói, tôi cảm nhận rất rõ. Nhà tù Sơn La chỉ đứng thứ hai về sự khốc liệt sau Côn Đảo. Cái ánh sáng thoát ra khỏi khung ảnh, soi đến chúng ta hôm nay là ánh sáng của một khát vọng lớn, tình cảm lớn: Vì quyền con người, vì cả non sông. Người ta sẵn chết vì cái đó. Và trong cuộc đọ sức khốc liệt, con người đột khởi những khả năng phi thường. Cái mà cha anh để lại, không chỉ là cơ đồ hôm nay, mà còn là một niềm tin, một nhận thức về quy luật của sự phát triển”.

Và có lẽ, sự “cọ xát” với thực tế đã đem lại cảm hứng lớn, sức nghĩ đột khởi, làm cho Văn Ký có ngay một bài hát về Sơn La “tại trận”, chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, hát ngay cho nhân dân và lực lượng vũ trang Sơn La nghe, và được vỗ tay nhiệt liệt.

Trong 1.007 lượt tù nhân bị giam cầm ở Nhà tù Sơn La, hiện nay Bảo tàng Sơn La đã sưu tầm và lưu giữ 250 hồ sơ gốc của tù nhân; Danh sách 61 liệt sĩ; Danh sách 870 tù nhân, danh sách 180 người đã được rèn luyện, thử thách ở Nhà tù Sơn La và sau này giữ chức vụ cao của Đảng và Nhà nước. Trong số hồ sơ đó, có hồ sơ của đồng chí Trường Chinh:

“Bản kê đặc điểm của phạm nhân”, Nhà tù Sơn La viết: Đặng Xuân Khu, số 318, Hộ tịch: Ngày và nơi sinh: 5-2-1909, làng Hành Thiện, tỉnh Nam Định; Quan hệ cha mẹ Đặng Xuân Viện và Nguyễn Thị Tư; Nghề nghiệp Thầy giáo (Instituteur)

Đặc điểm về án: Tuổi lúc bị án hay phạm tội: 21 tuổi. Lý do bị kết án: Âm mưu chống lại an ninh nhà nước. Ngày bị giam giữ hay tòa đã tuyên án: 29-9-1931. Tòa đã kết án: Tòa đại hình Hà Nội. Tính chất và thời gian bị kết án: 12 năm tù giam Ngày vào tù:19-11-1930. Ngày ra tù: 19-11-1942. Nơi chịu án Sơn La; Ý kiến của Trưởng giám ngục về hạnh kiểm đạo đức và sự hối cải của phạm nhân: Đến Sơn La ngày 3 tháng 3 năm 1933. Hạnh kiểm rất xấu, cầm đầu tất cả mọi phong trào bề mặt, chắc chắn là một cộng sản. Sơn La ngày 31-10-1933. Trưởng GT. Công sứ: “Không đề nghị (giảm án) vì những lý do đã nêu ở trên.

Dưới mầu hoa ban trắng ảnh 2

Dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ nhà tù Sơn La.

Vợ chồng nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chiều Xuân đứng rất lâu trong phòng giam của cha mình, nhạc sĩ Đỗ Nhuận. “Ở đây, tôi hiểu hơn vì sao còn rất trẻ, cả sau này nữa, cha tôi lại có những tác phẩm vượt thời gian, được nhân dân mến mộ. Chính vì ông đã hiến mình cho cách mạng, cho một con đường nghệ thuật từ đời sống nhân dân và vì nhân dân.

Tháng ba này, hoa ban đã tưng bừng khắp mọi nẻo đường Tây Bắc. Đêm 12 -3 này, Lễ hội hoa ban mở tại Điện Biên. Đội quân văn nghệ sĩ, bên cạnh các lão tướng Hoàng Vân, Hồ Phương, Bùi Đình Hạc…, có thế hệ chống Mỹ, và có rất nhiều tuổi hai mươi như các ông ở Điện Biên ngày ấy, đã “tập kết” đúng hẹn. Một cuộc hành hương nghệ thuật về với nhân dân và được nhân dân, được năng lượng lịch sử tiếp sức cho nghệ thuật. Hứa hẹn một mùa vàng nghệ thuật dưới mầu hoa ban trắng.