Thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine và cung ứng thuốc điều trị Covid-19, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả

NDO -

Sáng 5/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp về việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19. Cùng dự, có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.  

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Trần Hải)

Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cuộc họp này nhằm xem xét vấn đề nghiên cứu, nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam luôn chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Chúng ta cần có đánh giá toàn diện, triển khai bài bản, khoa học, kịp thời hơn nữa trong vấn đề nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19 hiện nay khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên thế giới và trong nước, nhất là xuất hiện biến chủng mới Omicron. 

Cần đánh giá để phát huy những việc làm tốt, rút kinh nghiệm những việc chưa làm được, từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn, tốt hơn thời gian tới. Khối lượng công việc thì nhiều, quy mô lớn, lại tiến hành trong thời gian ngắn, chưa có tiền lệ, cho nên có khó khăn, lúng túng ban đầu.

Điều quan trọng là chúng ta phải phát hiện nhanh, kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung hoàn thiện cách làm, tổ chức thực hiện ở các cấp. Chính phủ rất sốt ruột về vấn đề trên trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Chúng ta cũng phải rút ngay kinh nghiệm trong đợt tiêm chủng vừa qua từ công tác bảo quản, vận chuyển, tổ chức tiêm đến liên quan hạn sử dụng vaccine. Các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế cần phải phân tích, đánh giá, rút kinh nghiệm, kể cả về công tác truyền thông.

BAC_5313-1638670407866.jpg
 Quang cảnh buổi họp.

Vấn đề vaccine, chúng ta phải tính toán khoa học, nếu không là lỡ nhịp trong điều kiện hiện nay, cũng như bị động, lúng túng, thậm chí là xảy ra hậu quả. Cuộc họp này có ý nghĩa quan trọng để nhìn lại tổng thể các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó, có vấn đề tiêm vaccine cho trẻ em, mở cửa trường học.

Vaccine và ý thức của người dân là biện pháp cơ bản, quan trọng, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, thuốc điều trị Covid-19 cũng hết sức quan trọng. Tại các địa phương, cách tổ chức không phải chỗ nào cũng tốt, cũng quán triệt. Các chủ trương, chính sách của Chính phủ đều nhất quán, quyết liệt, tích cực. Vấn đề là các tổ chức đồng bộ thông suốt, liên thông, mang lại hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; chỉ đạo đến ngày 15/12, phải kết thúc cơ bản tiêm xong mũi 2 cho người 18 tuổi trở lên. Tính toán tiếp đối tượng nào cần phải tiêm mũi 3; tính toán khi nào hoàn thành tiêm cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, khi nào bắt đầu tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi vì không phải loại vaccine nào cũng tiêm được cho trẻ em như hiện nay.

* Bộ Y tế cho biết, trong bối cảnh bao phủ tiêm liều cơ bản vaccine phòng Covid-19 ở nhóm người 18 tuổi trở lên hiện nay, Bộ ủng hộ việc triển khai thử nghiệm lâm sáng trên đối tượng dưới 18 tuổi hoặc thử nghiệm lâm sàng liều nhắc lại đối với vaccine phòng Covid-19 sản xuất trong nước (hoặc nhận chuyển giao công nghệ) đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 xác định liều tối ưu trên người từ 18 tuổi trở lên. 

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị cho các trường hợp mắc Covid-19 ở tuyến 1, trên cơ sở dữ liệu nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại bệnh viện và dữ liệu của Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát, Bộ Y tế đang xem xét dữ liệu để có thể cấp phép sớm đối với thuốc Molnupiravir sản xuất trong nước sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt Nghị quyết cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19.  

Đến nay, Việt Nam đã ký hợp đồng, mua, nhận viện trợ, tài trợ tổng số 211 triệu liều vaccine phòng Covid-19; đã tiếp nhận 147,5 triệu liều, đã phân bổ 141,5 triệu liều (còn khoảng 6 triệu liều đang tiến hành các thủ tục kiểm định chất lượng). Đến hết ngày 4/12, cả nước đã tiêm được 127,4 triệu liều (trong tuần đã tiêm được 8,6 triệu liều, giảm 2,3 triệu liều so tuần trước đó); tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 95,6% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vaccine là 73,7% dân số từ 18 tuổi trở lên. Có 49 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi (đã tiêm được 5,3 triệu liều); tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine cho nhóm tuổi này là 47,8%.   

Khu vực phía bắc đã được phân bổ 55,8 triệu liều, đã tiêm được 51,5 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng mũi 1, 2 lần lượt là 91,5% và 66,5% cho người trên 18 tuổi; miền trung được phân bổ 16,7 triệu liều, đã tiêm được 14,6 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng mũi 1, 2 lần lượt là 92,4% và 68,2% cho người trên 18 tuổi; Tây Nguyên được phân bổ 5,4 triệu liều vaccine, đã tiêm được 4,7 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng mũi 1, 2 lần lượt là 93,8% và 56,5% cho người trên 18 tuổi; miền nam được phân bổ 61,1 triệu liều vaccine, đã tiêm được 55,6 triệu liều, tỷ lệ tiêm chủng mũi 1, 2 lần lượt là 99,2% và 83,3% cho người trên 18 tuổi.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, chúng ta đã triển khai quyết liệt chiến lược vaccine và đạt nhiều kết quả tốt, nhưng trước những diễn biến mới của dịch bệnh trong nước và trên thế giới, cần có đánh giá toàn diện và triển khai bài bản, khoa học, kịp thời hơn nữa việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc chữa bệnh.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là những giải pháp hết sức cơ bản, quan trọng, cấp bách trong tình hình hiện nay.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine và thuốc chữa bệnh Covid-19, tổ chức tiêm vaccine là công việc có quy mô lớn, tính chất phức tạp, chưa có tiền lệ, phải làm trong thời gian ngắn, nên không tránh khỏi những sơ suất, khó khăn, lúng túng, điều quan trọng là phát hiện nhanh, điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, tích cực về vấn đề này, việc tổ chức thực hiện cần đồng bộ, thông suốt, tổng thể, liên thông, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch bảo đảm vaccine phòng, chống dịch Covid-19 hết sức chi tiết, cụ thể về số lượng, chủng loại, độ tuổi tiêm, thời gian tiêm, phương án tiêm, việc tiêm trộn giữa các loại vaccine…, tránh bị động, lúng túng và phù hợp với kế hoạch/chương trình tổng thể phòng, chống dịch.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine và đáp ứng nhu cầu thuốc điều trị, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, đề cao ý thức người dân trong phòng, chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu, phấn đấu chậm nhất trong tháng 12 phải cơ bản hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên; rà soát lại các đối tượng chưa tiêm, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để đạt mục tiêu này.

Đồng thời, có lộ trình triển khai tích cực, hoàn thành sớm nhất việc tiêm cho người từ 12-18 tuổi; đẩy mạnh việc tiêm mũi 3, trong đó ưu tiên người từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng tuyến đầu. Nếu cần thiết, các cơ quan chức năng tăng cường lực lượng chi viện, hỗ trợ các địa phương trong tiêm chủng như chúng ta đã làm trước đó.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, sớm báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về một số nội dung liên quan tới vaccine, trong đó có khả năng, chủ trương, phương án tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên trên cơ sở khoa học, an toàn, phù hợp diễn biến dịch bệnh trong nước và thực tiễn các nước.

Thủ tướng cũng giao các cơ quan rà soát lại việc vận chuyển, bảo quản, tổ chức tiêm vaccine, đánh giá các sự cố xảy ra, bảo đảm khách quan, trung thực, chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch để người dân yên tâm tiếp tục tiêm và không phân biệt đối xử các loại vaccine đã được cấp phép.

Việc phân bổ và tiêm vaccine phải bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; công khai, minh bạch, chống tiêu cực; tránh xảy ra sự cố đáng tiếc. Chúng ta tiếp tục đặt tính mạng và sức khỏe người dân là quan trọng nhất, lên trên hết, trước hết để hành động.

Về thuốc chữa bệnh, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan bám sát, tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất, cấp phép…

Bộ Y tế chủ động dự báo nhu cầu về số lượng, loại thuốc điều trị Covid-19 cho cả nước, có phương án mua, kể cả mua tập trung và phân bổ, sử dụng phù hợp yêu cầu điều trị, bảo đảm công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường, chống lãng phí; đối với các loại thuốc thiết yếu phải có cơ số dự phòng cho tình huống dịch diễn biến xấu.

Về sản xuất vaccine và thuốc trong nước nói chung, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều văn bản, kết luận về vấn đề này, Bộ Y tế và các cơ quan cần tích cực triển khai, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, kể cả hỗ trợ tài chính, cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất trong nước trên nguyên tắc bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Về thủ tục hành chính thì rút gọn nhất có thể, tạo thuận lợi và hỗ trợ tối đa nhưng về mặt chuyên môn thì phải bảo đảm các yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt theo quy định; các cơ quan chức năng, các nhà chuyên môn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về quyết định của mình với tinh thần vô tư, trong sáng, tất cả vì tính mạng, sức khỏe người dân, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cạnh tranh không lành mạnh, hết sức tránh cả 2 khuynh hướng là chủ quan, nóng vội và trì trệ, bảo thủ, cản trở sự phát triển.