Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2022

NDO -

Ngày 7/2 (mùng 7 tháng Giêng năm Nhâm Dần), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và thực hiện nghi lễ cày tịch điền tại Lễ hội Tịch điền năm 2022 ở xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại Lễ Tịch điền Đọi Sơn. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dâng hương tại Lễ Tịch điền Đọi Sơn. (Ảnh: TTXVN)

Cùng dự, có Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Hà Nam cùng đông đảo nhân dân tỉnh Hà Nam.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được tổ chức tại nơi cách đây 1.035 năm, Vua Lê Đại Hành đã về cày ruộng tịch điền, khuyến khích nhân dân sản xuất nông nghiệp. Tại lễ hội diễn ra nhiều nghi lễ truyền thống, đặc biệt là nghi lễ cày tịch điền được tổ chức trang trọng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đã thực hiện nghi lễ cày tịch điền.

Phát biểu ý kiến tại Lễ Tịch điền, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi đến các vị khách quý, toàn thể nhân dân về dự lễ hội và đồng bào cả nước lời chúc mừng năm mới sức khỏe, gia đình hạnh phúc, an khang, thịnh vượng; một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong hàng nghìn lễ hội truyền thống diễn ra khắp các vùng miền cả nước, Lễ hội Tịch điền của Hà Nam đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng; đã được Nhà nước công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia", một lễ hội giàu tính nhân văn, ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai hoang, mở mang ruộng đồng, đề cao quan niệm: lấy nông nghiệp làm căn bản, coi nông nghiệp là nền tảng ổn định đất nước, ổn định xã hội. Tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng cùng với những sá cày "đánh thức đất đai, khai xuân động thổ", cầu cho năm mới mưa gió thuận hòa, mùa vàng bội thu, người dân ấm no hạnh phúc đã trở nên quen thuộc, là niềm mong đợi của người dân Hà Nam và các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ cũng như cả nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2022 -0

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xuống đồng cày ruộng đầu năm mới. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước nêu rõ, trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, đặc biệt là đại dịch Covid-19, nông nghiệp không chỉ bảo đảm an ninh lương thực, mà còn giúp Việt Nam hội nhập quốc tế mạnh mẽ, trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và khu vực, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích và đề cao sự phát triển của nông nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước đánh giá từ khi Hà Nam phục dựng và tổ chức Lễ hội Tịch điền đến nay, năm nào cũng tạo ra không khí phấn khởi trong thi đua sản xuất giúp tăng năng suất lúa; các chương trình, dự án được triển khai và đem lại giá trị kinh tế cao. Sản xuất, chế biến nông sản của Việt Nam nói chung, của tỉnh Hà Nam nói riêng đã chuyển mình mạnh mẽ và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt là, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Việt Nam đã thay đổi đáng kể.

Chủ tịch nước đề nghị các cấp các ngành, các địa phương trong đó có tỉnh Hà Nam tiếp tục gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị, chuẩn mực văn hóa để văn hóa thực sự là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Các cấp ủy, chính quyền, người dân chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, coi trọng giá trị sản xuất và sản lượng một số sản phẩm bảo đảm cân đối lớn; huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhất là hệ thống tưới tiêu hiện đại ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ; chú trọng nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong các khâu của chuỗi giá trị, công nghệ sau thu hoạch, hình thành nền nông nghiệp thông minh. Các cấp, các ngành cần tập trung sản xuất, chỉ đạo sản xuất, khai thác thị trường quốc tế với 15 hiệp định thương mại tự do đã có, trong đó có EVFTA, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Đồng thời coi trọng sản phẩm nông nghiệp phục vụ nhân dân trong nước với gần 100 triệu dân; tập trung triển khai chương trình "Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị" với chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, thuận lợi hơn cho người tiêu dùng.

Chủ tịch nước tin tưởng rằng, ý nghĩa khuyến nông sâu sắc của Lễ hội Tịch điền sẽ mang đến cho tất cả mọi người một khí thế mới, một không khí lao động hăng say, một tinh thần hiện đại hóa ngành nông nghiệp để góp phần đưa Nghị quyết số 26 của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đi vào cuộc sống, xây dựng quê hương Việt Nam yêu dấu ngày càng giàu đẹp, tỉnh Hà Nam ngày càng giàu mạnh.