Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

NDO -

Ngày 20/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Nhân Dân điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo.

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo. (Ảnh: DUY LINH - THỦY NGUYÊN)
Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo. (Ảnh: DUY LINH - THỦY NGUYÊN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo đầy đủ số 54/BC-UBTVQH15 ngày 15/10/2021 về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội kính trình Quốc hội Báo cáo tóm tắt như sau:

I. Về kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri

Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 807 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: tài nguyên, môi trường (90 kiến nghị); chính sách đối với người có công, lao động, việc làm, an sinh xã hội (80 kiến nghị); nông nghiệp, nông dân, nông thôn (58 kiến nghị); tổ chức bộ máy và chính sách đối với cán bộ, công chức (55 kiến nghị); giao thông, vận tải (53 kiến nghị); giáo dục và đào tạo (45 kiến nghị)... Đến nay 807/807 kiến nghị đã được trả lời, đạt 100%.

1. Đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 14/14 kiến nghị.

Cử tri tin tưởng và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, trong lúc dịch bệnh Covid - 19 bùng phát lan rộng, Quốc hội đã kịp thời có những quyết sách làm cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ chủ động, linh hoạt chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch. Nhiều vấn đề được cử tri quan tâm, gắn với công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn giám sát, cụ thể: Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri về đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường trách nhiệm, có biện pháp theo dõi tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng thẩm tra, thể hiện rõ quan điểm, đặc biệt chú trọng nội dung các dự án luật còn có ý kiến khác nhau. Quốc hội quyết định giám sát tối cao 02 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 -2021”, “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giám sát 02 chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời ban hành Nghị quyết về miễn, giảm thuế; về an sinh xã hội hỗ trợ cho doanh nghiệp và Nhân dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

2. Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương: Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương nghiêm túc tiếp thu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, đã trả lời 781/781 kiến nghị. Trong đó: 662 kiến nghị được giải trình, cung cấp thông tin; 35 kiến nghị đã giải quyết xong; 84 kiến nghị đang tiếp tục được xem xét, giải quyết.

- Đa số các Bộ trưởng, Trưởng ngành Trung ương quan tâm trực tiếp giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri... Một số kiến nghị của cử tri đã được Bộ, ngành giải quyết và thông tin đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm, được các Đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao. Các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Nội vụ; Quốc phòng; Công an và Thanh tra Chính phủ đã tích cực, nghiêm túc trả lời các kiến nghị của cử tri, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

3. Đối với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao: đã xem xét, trả lời 05/05 kiến nghị. Trong đó, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trả lời về một số quy định liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện Bộ luật Hình sự; về chế độ thù lao đối với Hòa giải viên...

II. Về một số hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế:

Thứ nhất, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, một số Bộ, ngành Trung ương chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị.

- Mặc dù nhiều Bộ trưởng, Trưởng ngành hết sức quan tâm, trực tiếp xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri nhưng vẫn còn một số nơi, các kiến nghị cử tri được giao cho cấp phó ký văn bản giải quyết, trả lời, chưa thể hiện rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu như: Bộ Nội vụ, Bộ Giao thông vận tải.

- Cử tri tỉnh Phú Thọ đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể về định mức, cơ chế, chính sách đối với giáo viên theo Nghị quyết số 102 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.

Trả lời cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị địa phương căn cứ các quy định tại Thông tư số 16 hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập và Thông tư liên tịch số 06 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập để triển khai thực hiện.

Qua giám sát cho thấy, tại Nghị quyết số 102, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát để sửa đổi các thông tư nêu trên cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền, thời gian hoàn thành trong quý IV năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các thông tư này. Trong văn bản trả lời cử tri, Bộ cũng chưa đề cập đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 102 để giải quyết vấn đề cử tri quan tâm, chưa thể hiện rõ trách nhiệm của Bộ trong giải quyết kiến nghị của cử tri. Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ sửa đổi Thông tư liên tịch số 06 và Thông tư số 16.

Thứ hai, việc phối hợp giữa một số Bộ còn chưa chặt chẽ trong công tác tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên còn có quy định không thống nhất, chưa đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng.

Cử tri tỉnh Bến Tre cho rằng quy định của pháp luật về thời điểm tính tuổi nghỉ hưu đối với người lao động không xác định được ngày, tháng sinh, mà chỉ có năm sinh, theo quy định tại Nghị định số 135 và Nghị định số 159 chưa thống nhất.

Qua giám sát cho thấy: cùng là việc xác định thời điểm để tính tuổi nghỉ hưu đối với người lao động không xác định được ngày, tháng sinh, mà chỉ có năm sinh, nhưng Nghị định số 135 (do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng và trình Chính phủ ban hành) lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để làm căn cứ xác định thời điểm nghỉ hưu và thời điểm hưởng chế độ hưu trí, còn tại Nghị định số 159 (do Bộ Nội vụ xây dựng và trình Chính phủ ban hành) lại quy định đối với người quản lý doanh nghiệp nhà nước lấy ngày 01 tháng 01 của năm liền kề, như vậy có sự chênh lệch 01 năm giữa người lao động nói chung và người quản lý doanh nghiệp nhà nước nói riêng. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xác định thời điểm tính tuổi nghỉ hưu đối với người không xác định được ngày, tháng sinh, mà chỉ có năm sinh, để khắc phục sự khác biệt về chính sách, chế độ hưu trí, bảo đảm công bằng đối với người lao động.

Thứ ba, một số kiến nghị chưa được giải quyết do chậm xây dựng, trình ban hành văn bản hướng dẫn.

Cử tri tỉnh Lào Cai cho rằng còn có quy định chưa thống nhất về việc xử phạt đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản không lắp đặt trạm cân giữa Nghị định số 158 và Nghị định số 36.

Qua giám sát cho thấy, theo quy định tại Nghị định số 158 thì tất cả các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản bắt buộc phải lắp đặt trạm cân chỉ trừ hộ kinh doanh, nếu không thực hiện là vi phạm pháp luật, phải bị xử phạt. Tuy nhiên, tại Nghị định số 36 lại bổ sung thêm đối tượng tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi lòng sông, suối, hồ không bị xử phạt về hành vi không lắp đặt trạm cân. Như vậy, đúng như cử tri đã phản ánh, quy định nêu trên của Nghị định số 158 và Nghị định số 36 còn chưa thống nhất. Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung bảo đảm sự thống nhất giữa hai nghị định.

Thứ tư, một số kiến nghị cử tri phản ánh những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần phải điều chỉnh kịp thời, mặc dù đã được Bộ trả lời tiếp thu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Từ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đến nay, cử tri nhiều địa phương đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67 về một số chính sách phát triển thủy sản. Trả lời cử tri, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu rõ trong quý IV năm 2020 sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67. Tuy nhiên, đến nay, Nghị định nêu trên vẫn chưa được ban hành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại trả lời sẽ xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi Nghị định nêu trên vào quý IV năm 2021.

Qua giám sát cho thấy, Nghị định số 67 được ban hành đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực trong phát triển thủy sản[1], từng bước ổn định và nâng cao đời sống cho ngư dân. Tuy nhiên, các quy định tại Nghị định chưa có tính ổn định lâu dài, nên đã phải sửa đổi, bổ sung 03 lần trong vòng 04 năm. Đến nay việc triển khai thực hiện vẫn còn một số hạn chế như: cơ sở hạ tầng nghề cá xuống cấp, quá tải, thiếu cơ sở hạ tầng nghề cá hiện đại; việc tiếp cận nguồn vốn vay còn khó khăn; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu ở mức cao; một số chính sách ưu đãi để khuyến khích, thu hút ngư dân, doanh nghiệp đầu tư, đóng mới tàu khai thác dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại, khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… cần được tiếp tục quy định cụ thể. Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 67, đảm bảo tính ổn định, hiệu quả khi triển khai thực hiện, tránh việc phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần trong thời gian ngắn. 

III. Về các kiến nghị

1. Đối với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội: Các cơ quan của Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống của Nhân dân. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, xử lý kiến nghị của cử tri, kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương:

- Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương giải quyết những hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát, giải quyết các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng lộ trình.

- Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, hoàn thiện pháp luật; chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Trên đây là Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng báo cáo Quốc hội.