Kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9

Ba thế hệ đảng viên trong một gia đình trí thức

Vừa qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm khoa học về đồng chí Phạm Văn Chiêu, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Gia Định, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông. Đồng chí là một tấm gương mẫu mực, suốt cuộc đời rèn luyện, đi theo Đảng, theo Cách mạng. Ông còn là người nhiệt thành truyền đạt kiến thức, dạy dỗ thế hệ sau, nhất là con, cháu trong gia đình đi theo lý tưởng cách mạng, trở thành những cán bộ, đảng viên, đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự phát triển TP Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trao đổi với các thế hệ đảng viên trong gia đình đồng chí Phạm Văn Chiêu.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trao đổi với các thế hệ đảng viên trong gia đình đồng chí Phạm Văn Chiêu.

Thân thế và sự nghiệp của đồng chí Phạm Văn Chiêu luôn gắn với Đảng bộ và nhân dân Gia Định-TP Hồ Chí Minh. Cũng như về quá trình chuyển biến từ khi còn là một thiếu niên xuất thân trong gia đình nông dân yêu nước ở tỉnh Gia Định xưa, rồi trở thành một thầy giáo - trí thức yêu nước, một nhà hoạt động xã hội, một đảng viên cộng sản, một người cách mạng và một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Chính quyền Cách mạng và Đảng bộ tỉnh Gia Định trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954).

Sinh ra trong một gia đình nông dân yêu nước, Phạm Văn Chiêu đã có tư tưởng tiến bộ và hoạt động yêu nước từ rất sớm. Sau khi hoàn thành bậc trung học, Phạm Văn Chiêu chọn nghề sư phạm với ước nguyện “có điều kiện góp phần nâng cao dân trí và hướng cho thế hệ trẻ cứu đất nước thoát khỏi vòng nô lệ”. Tốt nghiệp Sư phạm Sài Gòn, ông truyền bá tư tưởng tiến bộ và tình yêu quê hương đất nước cho các lớp học sinh. Phạm Văn Chiêu cùng đồng nghiệp tham gia vào những hoạt động công khai ủng hộ và dự đám tang trọng thể nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Cũng chính nhờ tham gia những hoạt động đó mà dần dần Phạm Văn Chiêu trở thành một nhà hoạt động xã hội, một người yêu nước, quyết tâm dấn thân vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Một trong những dấu ấn đặc sắc của đồng chí Phạm Văn Chiêu là cùng Đảng bộ và nhân dân Gia Định tổ chức thành công Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân, vào ngày 25-8-1945. Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Gia Định, ông đã cùng đồng bào viết nên những trang sử đẹp ở vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định Anh hùng.

Kể về người cha kính yêu của mình, đồng chí Phạm Minh Hiền (con trai đồng chí Phạm Văn Chiêu), chia sẻ: Cha tôi rất kiên trì chủ trương nuôi dạy các cháu nhỏ đã tham gia kháng chiến. Ông rất quan tâm việc tổ chức các trường học, trường thiếu sinh quân, trại thiếu nhi, vì với ông, tri thức là con đường ngắn nhất để làm cách mạng và hiểu biết để có phương pháp đấu tranh cách mạng đúng đắn nhất. Năm 1947, khi mới tròn 15 tuổi, anh trai cả của tôi là Phạm Minh Đức thoát ly gia đình theo cách mạng và đi trọn vẹn hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1948, cha lại cho hai con trai thứ là anh em chúng tôi (mới 13 và 11 tuổi) vào bộ đội vừa học tập, vừa làm giao liên, rồi sau đó đi chiến đấu để sau này trở thành cán bộ quản lý kinh tế và sĩ quan quân đội. Năm 1950, chị gái và em tôi (16 và 10 tuổi) vào chiến khu, vừa học tập vừa tham gia kháng chiến. Trong những năm chống Mỹ, cứu nước mặc dù cha chúng tôi công tác ở miền bắc, nhưng đã liên lạc với anh em chúng tôi ở miền nam để yêu cầu tất cả phải vào chiến khu trực tiếp tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ, số còn lại tham gia hoạt động nội thành.

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, có thể nói, với cương vị là người lãnh đạo của tỉnh Gia Định, người cha trong gia đình, đồng chí Phạm Văn Chiêu đã không chỉ rèn giũa nuôi dạy các con mình và lớp trẻ khôn lớn, trở thành cán bộ, đảng viên đầy đủ tri thức. Quan trọng hơn, ông đã góp phần định hướng, dìu dắt thế hệ con, cháu đi theo lý tưởng cách mạng, trở thành những cán bộ, đảng viên, đóng góp sức lực và cuộc đời mình vào sự nghiệp cách mạng chung của cả dân tộc.

Tháng 7-2017, HĐND thành phố Hồ Chí Minh dành cả một buổi để trả lời cử tri về tình trạng pháp lý của các chung cư, trong đó có nhiều dự án ở quận Tân Phú. Cử tri khá hài lòng khi nghe Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú Phạm Minh Mẫn thẳng thắn nêu thực trạng 10 dự án chung cư tại quận rơi vào tình trạng chậm cấp giấy cho người mua nhà do nhiều nguyên nhân, như: công trình chưa nghiệm thu bởi vi phạm xây dựng; đem dự án thế chấp ngân hàng trước khi bán cho người dân; chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai… Cùng với những đề xuất về cách giải quyết với UBND thành phố Hồ Chí Minh và việc phát huy vai trò người đứng đầu lĩnh vực, đồng chí Phạm Minh Mẫn đề nghị cần có chế tài mạnh hơn đối với các chủ đầu tư chậm hoàn tất các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận thì mới mong giải quyết rốt ráo tình trạng chủ đầu tư chây ì. Đề xuất này đã làm nhiều cử tri tin tưởng và an tâm hơn vào người đứng đầu chính quyền các cấp.

Đồng chí Phạm Minh Mẫn chính là cháu nội của đồng chí Phạm Văn Chiêu. Trong công tác, đồng chí Phạm Minh Mẫn luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, luôn phát huy vai trò là người đứng đầu chính quyền để chăm lo cho dân. Năm 2016, quận đã tiếp và lắng nghe 1.581 lượt công dân, giải quyết 1.581 vụ việc bức xúc của người dân trong các lĩnh vực nhà đất, hành chính, tư pháp..., nhờ đó đã hạn chế tình trạng khiếu nại vượt cấp. Ban Thường vụ Quận ủy Tân Phú đã tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành nâng cao chất lượng công tác vận động nhân dân, đặc biệt là việc giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân trên địa bàn. Đồng chí Phạm Minh Mẫn cho biết, bản thân luôn ý thức và tâm niệm phải giản dị, gần gũi, thành tâm với người dân, nói đi đôi với làm, vì nhân dân phục vụ… để xứng đáng là con cháu của các bậc tiền bối cách mạng, trong đó có người ông kính yêu của mình.