Tấm lòng người dân Sơn Hòa

Chúng tôi là đoàn cán bộ đã về hưu hăm hở lên đường về thăm lại vùng căn cứ địa của cách mạng ở huyện Sơn Hòa - nơi đó có Nhà thờ Bác Hồ ở xã Sơn Ðịnh.

Ðến nơi, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa Nguyễn Thị Minh Tựa và lãnh đạo xã Sơn Ðịnh đã có mặt từ trước, niềm nở đón tiếp chúng tôi trước cổng Nhà thờ Bác Hồ.

Mới bước qua khỏi cửa cổng, chúng tôi đã thấy ngay một tấm Văn bia đứng sừng sững bên phải, dưới tán những cây cổ thụ. Nội dung bia ghi rõ: "Nơi đây, ngày 9-9-1969, Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQGP Việt Nam tỉnh Phú Yên, các ngành, các đoàn thể và lực lượng vũ trang của tỉnh, cùng cán bộ và nhân dân các dân tộc vùng căn cứ Sơn Hòa đã lập Nhà thờ và tổ chức trọng thể lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh...".

Mọi người kính cẩn vào Nhà thờ Bác Hồ thắp hương. Ai cũng xúc động nhớ lại ngày Bác Hồ đi xa. Bác Nguyễn Hữu Ái - Nguyên Tỉnh ủy viên, thành viên Ban Tổ chức Lễ tang Bác Hồ hồi đó kể: "Giữa lúc quân và dân Phú Yên đang giành được thắng lợi bước đầu chống chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ ngụy, thì ngày 3-9-1969 Ðài Tiếng nói Việt Nam phát đi từ Thủ đô Hà Nội một tin làm rung chuyển cả thế giới! Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, như tiếng sét chấn động tâm hồn và trái tim mọi người từ cán bộ, chiến sĩ, đến nhân dân, từ thị xã, thị trấn đến nông thôn, núi rừng. Tất cả đều bàng hoàng xúc động. Nỗi đau buồn sâu sắc. Trẻ biếng chơi. Già mất ngủ.

Trong vùng căn cứ giải phóng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vây quanh máy thu thanh lắng nghe từng thông báo đặc biệt của Trung ương Ðảng và Di chúc của Bác Hồ.

Vùng địch kiểm soát, nhiều gia đình công khai mở máy thu thanh để nghe đài Hà Nội. Trong nhà tù, trại giam, đồng bào yêu nước và chiến sĩ cách mạng công khai thông báo cho nhau tin Bác Hồ từ trần.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi diễn biến tổ chức Lễ tang Bác Hồ ở Hà Nội qua Ðài Tiếng nói Việt Nam, nghiên cứu Chỉ thị của Thường vụ Khu ủy Khu 5 về tổ chức Lễ tang Bác Hồ ở địa phương, đồng thời chỉ đạo mọi hoạt động của các Ðảng bộ và đơn vị vũ trang để tang Bác.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp bất thường vào sáng ngày 4-9-1969 tại Hòn Dung, nơi cơ quan Tỉnh ủy đóng, thuộc thôn Cao Phong, xã Sơn Long. Ðồng chí Trần Suyền - Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc  họp bàn kế hoạch chung cho toàn tỉnh tổ chức Lễ tang Bác Hồ thật trọng thể, thật chu đáo để tỏ lòng thành kính và thương tiếc vô hạn đối với Bác Hồ của Ðảng bộ và nhân dân Phú Yên.

Tỉnh ủy ra Lời kêu gọi toàn Ðảng bộ, toàn dân, toàn quân biến đau thương thành hành động cách mạng, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có hai ý kiến đề nghị địa điểm  xây dựng Nhà thờ Bác Hồ để làm lễ truy điệu là tại giếng Quán Lê hoặc khu rừng rậm chòm cây dẻ ở Hòa Bình nằm trên trục đường số 6 thuộc thôn Hòa Bình, xã Sơn Ðịnh, thuận lợi cho cán bộ, bộ đội và nhân dân đi lại viếng và thắp hương. Lực lượng thi công Nhà thờ là công an vũ trang. Nhiệm vụ này giao cho đồng chí Bảy Hạnh (tức Trương Dương) chỉ huy. Không khí làm việc rất khẩn trương, bảo đảm đến ngày 7-9-1969 phải hoàn thành.

Nhà thờ Bác Hồ được dựng với cột gỗ, tranh tre, lá ké và lá song mây của núi rừng dưới chòm cây dẻ sum suê. Trước Nhà thờ Bác Hồ có con đường số 6 đi qua (nay là con đường ÐT 643).

Lễ đài được trang trí trang trọng: Quốc kỳ cờ đỏ sao vàng, chân dung Bác Hồ, hàng trăm bó hoa rừng thơm ngát, khói hương nghi ngút.

Lễ tang Bác Hồ được tổ chức đúng ngày, giờ với Thủ đô Hà Nội vào ngày 9-9-1969.

Tôi hỏi:

- Nhà thờ Bác Hồ hôm nay có phải được xây dựng trên nền đất của Nhà thờ Bác Hồ hồi năm 1969?

Ðồng chí Nguyễn Thị Minh Tựa, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa nói:

- Qua nhiều cuộc hội thảo về việc xây dựng Nhà thờ Bác Hồ, mọi người đều nhất trí xây dựng Nhà thờ Bác Hồ mới ngay trên nền đất của Nhà thờ Bác Hồ hồi Người mới qua đời. Cũng xin báo cáo thêm với các đồng chí rằng, suốt hơn 30 năm kể từ lúc xây dựng Nhà thờ Bác Hồ để làm lễ truy điệu Bác tháng 9 năm 1969, Ðảng bộ và nhân dân huyện Sơn Hòa luôn luôn tu sửa để  nhân dân đến tưởng niệm. Còn Nhà thờ Bác mới được xây dựng như văn bia đã giới thiệu.

Chúng tôi xúc động được biết hầu hết những nguyên vật liệu và công sức để làm Nhà thờ Bác Hồ (và cả ngày công nữa) đều do nhân dân các xã trong huyện đóng góp. Bốn chiếc cột cái bằng gỗ ké, mỗi chiếc to một người ôm không giáp vòng, cao hơn sáu mét và hàng chục cột phụ chung quanh hàng hiên cũng toàn bằng gỗ quý hiếm phải lặn lội khắp núi cao, rừng rậm mới tìm về được.

Ông Trần Văn Thọ, nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Sơn Ðịnh năm nay đã gần 70 tuổi, cười khà khà, nói:

- Hôm dựng cột nhà thờ, chúng tôi nghĩ chắc phải thuê xe cần cẩu mới làm được. Nhưng chỉ bằng sức người chúng tôi cũng làm được. Ngôi Nhà thờ Bác Hồ thật giản dị và khang trang trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, phía sau là dãy núi cao sừng sững, phía trước là trục lộ ÐT 643 tấp nập người qua lại. Chung quanh là bản làng sầm uất của các xã Sơn Ðịnh, Sơn Long, Sơn Xuân. Rất nhiều đoàn đại biểu của các huyện bạn, tỉnh bạn về đây để dâng hương lên Bác Hồ. Ðược về xã Sơn Ðịnh huyện Sơn Hòa thăm viếng và dâng hương Nhà thờ Bác Hồ, lòng chúng tôi vô cùng xúc động, và càng thấm thía  ý nghĩa sâu sắc về tấm lòng của bà con các dân tộc ở huyện Sơn Hòa, Phú Yên đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.