80 năm đọc thơ xuân nhớ Bác

Cách đây đúng 80 năm, trên báo Việt Nam độc lập (số báo 114) vào đúng dịp Tết Dương lịch, ngày 1/1/1942, lần đầu tiên Bác đăng thơ tặng đồng bào cả nước: “Chúc đồng bào ta đoàn kết mau! Chúc Việt Minh ta càng tấn tới...”.

Tranh vẽ Bác Hồ về nước ngày 28/1/1941. (Ảnh: hochiminh.vn)
Tranh vẽ Bác Hồ về nước ngày 28/1/1941. (Ảnh: hochiminh.vn)

Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Ngọ năm 1942 là cái Tết đầu tiên Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đón năm mới ở Cao Bằng. Sau hành trình trải dài 30 năm, dấu chân Người đã in gần trọn vòng trái đất, vượt bốn đại dương, qua ba châu lục, trở về để giải phóng dân tộc. 

Quê hương đón Bác ngày về

Ra đi tìm đường cứu nước khi còn ở tuổi hai mươi, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với hai bàn tay lao động đã nung nấu ý chí sẽ trở về khi tìm được con đường cứu nước, giúp dân giành tự do độc lập. Ngày trở về, Người đã ở tuổi năm mươi, tóc điểm bạc và màu da pha sương gió.

Trước đó một năm, vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Tỵ 1941, Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Vũ Anh... từ Côn Minh đến Nậm Quang, một làng ở Tĩnh Tây, Quảng Tây (Trung Quốc), gần sát biên giới với Hà Quảng, Cao Bằng (Việt Nam). Tại đây, Người mở lớp huấn luyện cán bộ, học viên là những thanh niên yêu nước từ Việt Nam sang. Thầy và trò, tất cả đều ăn bắp, nằm sương, sống cùng các gia đình đồng bào cơ sở gần biên giới. Ngoài giờ học tập, rèn luyện, giáo viên và học sinh thường vào rừng lấy củi, giúp dân làm ruộng, chăn nuôi, trồng cây... Kết thúc khóa huấn luyện, cả lớp học viên đều trở về nước hoạt động trong quần chúng, củng cố và phát triển phong trào, mở thêm đường liên lạc, kết nối cơ sở giữa hai biên giới thêm bền chặt, an toàn con đường bí mật đưa cán bộ đi, về trong nước.

Ngày mồng 1 Tết Nguyên đán Tân Tỵ năm 1941, Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình đi thăm và chúc Tết từng nhà trong thôn, đón mừng năm mới cùng đồng bào. Đã chuẩn bị sẵn, khi đến, Người tặng mỗi gia đình một tờ giấy hồng điều có bốn chữ Hán “Cung chúc tân niên” (Chúc mừng năm mới) do chính Người viết bằng mực nho và tặng các cháu bé phong bao, mỗi gói một xu đồng. Ngày mồng 2 Tết (tức ngày 28/1/1941), chào từ biệt người dân địa phương từ sáng sớm, Nguyễn Ái Quốc với bí danh Cụ già Thu Sơn cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Thế An, Phùng Văn Lộc, Đặng Văn Cáp, Lê Quảng Ba đã theo đường bộ về nước. Để tránh bị chặn xét, đoàn đã theo đường mòn, lối hẹp, đèo dốc, băng qua dãy núi đá hướng về cột mốc biên giới 108 xưa, nơi mà chỉ cần bước qua một bước là đến phần đất của nước ta. Gần trưa, cả đoàn vượt cột mốc biên giới, đi qua thung lũng rộng, nơi người dân địa phương trồng ngô rồi vào bản Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng, Cao Bằng), dừng nghỉ chân ở nhà ông Máy Lỳ, một cơ sở tin cậy của đồng bào dân tộc trong vùng. Để giữ bí mật, Bác quyết định chuyển ra ở hang và đặt trụ sở bản doanh lãnh đạo cách mạng tại hang Cốc Bó. Như vậy, Tết Nguyên đán Tân Tỵ năm 1941, Nguyễn Ái Quốc đón năm mới ở gần kề biên giới Cao Bằng.

Gần một năm sau ngày về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ  Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập, chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) hoàn chỉnh đường lối chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, giương cao ngọn cờ đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, thành lập tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh) cơ sở là quần chúng trong đoàn thể cứu quốc. Hội nghị bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Tiếp đó, Người ra chỉ thị thành lập đội tự vệ vũ trang đầu tiên ở Cao Bằng. Sau hội nghị, Nguyễn Ái Quốc có  những chuyến khảo sát thực tế phong trào quần chúng ở nhiều địa phương. Người chuyển căn cứ đến ở vùng núi Lam Sơn, nơi có nhiều đồng bào các dân tộc Nùng, Dao, Tày... Theo nhận định của Người, Cao Bằng hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho nên cần phải gấp rút tổ chức xây dựng mạng lưới đường liên lạc trong cơ sở quần chúng nhân dân theo các hướng nam tiến, tây tiến, đông tiến để nối Cao Bằng với các địa phương khác vốn đã có phong trào từ trước, nơi có các đội du kích vũ trang Bắc Sơn, Vũ Nhai phát triển làm bàn đạp mở rộng đến các tỉnh miền xuôi, gây cơ sở hình thành Khu Giải phóng rồi tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám sau này. 

Những tờ báo được in trên đá

Tết Nhâm Ngọ năm 1942, lần đầu tiên lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được đón Tết trên quê hương sau 30 năm xa cách, cũng là năm đầu tiên Người viết thư chúc Tết đồng bào cả nước nhân dịp đón Xuân về, mở ra một tập quán tốt đẹp, thể hiện cách ứng xử ghi đậm dấu ấn của Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định báo chí là công cụ tuyên truyền sắc bén để giáo dục, giác ngộ, định hướng và tổ chức quần chúng dưới ngọn cờ cách mạng. Báo Việt Nam độc lập là cơ quan tuyên truyền của Ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng, do Người trực tiếp phụ trách, ra số đầu tiên ngày 1/8/1941 tại Khuổi Nậm. Mỗi tháng báo ra ba kỳ, mỗi kỳ 400 tờ. Báo số 1 đánh số 101, tiếp theo là 102, 103 với ý nghĩa kế tục lịch sử của những tờ báo cách mạng đã có trước đó, đồng thời cũng là một cách để giữ bí mật. Ra đời trong những năm tháng đói cơm, nhạt muối, thiếu thốn trăm bề, nhưng Việt Nam độc lập nhanh chóng nhen nhóm và quy tụ những đốm lửa yêu nước riêng lẻ thành ngọn lửa cách mạng ngày càng lớn mạnh.

80 năm đọc thơ xuân nhớ Bác -0
 Báo Việt Nam độc lập số 114 bản scan-hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.

Việt Nam độc lập xuất bản đều đặn mỗi tháng ba kỳ. Giá bán một tháng một hào, một năm là 1,2 đồng. Ai mua phải trả tiền trước. Bác Hồ giải thích rằng, cách mạng bán báo không phải vì thiếu tiền mà để gây ý thức quý trọng tờ báo đối với người đọc. Báo được in trên đá, thường gọi là in li-tô. Cách in đòi hỏi sự khéo léo, phải mài mặt đá cho thật phẳng và nhẵn để chữ lên đều. Người viết dùng bút sắt chấm mực nho đặc để viết lên mặt đá những chữ trái nét rất tỉ mỉ, theo từng cột đúng như trình bày trên các số báo. Chữ viết xong phải để thật khô rồi xoa một lớp nước chanh lên trên. Nhờ có lớp nước chanh, mực in khi lăn lên mặt đá chỉ bắt vào những nét chữ viết. Tiếp tục dùng giấy bản phủ lên mặt đá và cẩn thận dùng con lăn lăn qua, lúc đó chữ viết trái nét khi in lên giấy mới trở thành chữ xuôi bình thường. 

Đúng dịp Tết Dương lịch năm 1942, tuần báo Việt Nam độc lập số 114 ra ngày 1/1/1942, trên trang nhất, báo đăng tràn toàn trang hai bài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Gửi lời đầu năm đến nhân dân cả nước, Người đã dành những lời chúc Tết tới đồng bào đầy tâm huyết: 

“Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi,
Năm cũ qua rồi, chúc  năm mới:
Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong!
Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi!
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau!
Chúc Việt - Minh ta càng tấn tới!
Chúc toàn quốc ta trong năm nầy,
Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!
Năm này là năm rất vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới”
(1).

Trong bài viết “Năm mới, công việc mới”, đăng cùng trang, mặc dù phe phát-xít đang chiếm ưu thế, làm mưa làm gió, gây chiến tranh lan rộng và ác liệt trên toàn cầu, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra nhận định rõ nét hơn về thời cơ trên báo Việt Nam độc lập: “Ta có thể quyết đoán rằng, Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại. Anh Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp Nhật, làm cho Tổ quốc ta độc lập tự do”(2).

Đồng thời, Người kêu gọi đồng bào cả nước: “Muốn tự do độc lập thì phải hy sinh tranh đấu. Vậy ngay từ đây, mỗi một cán bộ, mỗi một hội viên Việt Minh đều phải tuyên truyền tổ chức; phải làm cho các hội Cứu quốc ngày càng mạnh, làm cho các đội tự vệ, các đội du kích ngày càng nhiều. Toàn quốc đồng bào, bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ giàu nghèo, quý tiện đều phải vào các hội Cứu quốc. Đoàn kết được chặt chẽ, giải phóng sẽ thành công. Hỡi quốc dân, mau đoàn kết lại!”(3).

Năm 1942, giữa lúc cả dân tộc ta vẫn đang chịu kiếp nô lệ, đói nghèo, tên quốc gia Việt Nam không còn trên bản đồ chính trị thế giới thì từ núi rừng Việt Bắc xa xôi, dù phải sống bí mật, gian khổ, phải đối diện với sự vây ráp, bắt bớ của kẻ thù cũng như đối diện với bản án tử hình của chính quyền thực dân từ tháng 10/1929, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh vẫn kiên định niềm lạc quan tin tưởng. Người đã có những dự báo chính xác về tiền đồ tươi sáng của nước nhà, khẳng định sự quyết tâm và ý chí của một dân tộc khi đã biết đoàn kết đứng lên đánh đuổi thực dân xâm lược giành tự do độc lập nhất định sẽ giành được thắng lợi. 

Tháng 5/1945, đúng như dự đoán của Người, Hồng quân Liên Xô đánh bại phát-xít Đức, phe Dân chủ thế giới giành thắng lợi, phe phát-xít thua trận, chiến tranh thế giới kết thúc vào tháng 8/1945. Thời cơ khởi nghĩa đã đến, cả nước đứng dậy theo lời hiệu triệu của Người: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”(4).

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Từ đó, hễ có dịp, mỗi khi mùa Xuân đến, đồng bào cả nước lại được nghe những lời thơ chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. 22 bài thơ chúc Tết, 22 lần Bác Hồ viết thơ mừng Xuân gửi đồng bào cả nước đã trở thành những kỷ niệm không thể quên trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam nhớ về Người mỗi khi mùa Xuân đến.

---------------------------------

(1) Bài “Chúc năm mới” trên báo Việt Nam độc lập số 114
(2), (3) Bài “Năm mới, công việc mới” trên báo Việt Nam độc lập số 114
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập III (1930-1945), in lần 3, NXB Chính trị Quốc gia, H, 2011, tr. 596