Xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn

NDO -

Ngày 29/3, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 và Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022-2025.

Quang cảnh hội nghị triển khai đề án.
Quang cảnh hội nghị triển khai đề án.

Một trong những hạn chế lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là việc phát triển các vùng nguyên liệu nông, lâm sản vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác liên kết giữa các hộ nông dân và liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. Nhiều vùng nguyên liệu tuy đã dần hình thành nhưng chưa được tổ chức và quản trị, hạ tầng yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng, nhất là ở các vùng nguyên liệu hàng hóa lớn liên vùng phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Do chưa hình thành được các vùng nguyên liệu gắn với liên kết phục vụ chế biến, tiêu thụ với các doanh nghiệp nên việc triển khai các chính sách của nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là các chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Tất cả những hạn chế trên là nguyên nhân dẫn đến chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp hạn chế, hiệu quả sản xuất chưa cao. Trong khi rủi ro, lãng phí sản xuất còn cao, tổn thất sau thu hoạch còn đáng kể, thu nhập của người nông dân còn thấp.

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND 14 tỉnh xây dựng “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025” và “Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2020-2025”.

Trong đó, “Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025” hướng đến hình thành 5 vùng sản xuất nguyên liệu sản phẩm nông, lâm nghiệp quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các hợp tác xã nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.  

Cụ thể, xây dựng 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô hàng hóa tập trung với tổng diện tích gần 167 nghìn ha, gồm: Cây ăn quả vùng miền núi phía bắc; Gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững vùng Duyên hải miền trung; Cà-phê vùng Tây Nguyên; Lúa gạo vùng Tứ Giác Long Xuyên; Trái cây vùng Đồng Tháp Mười.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc triển khai 2 đề án trên là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng lớn. Đồng thời, tạo động lực, khơi dậy được tiềm năng phát triển cho các địa phương để có thể mở rộng và phát triển các vùng nguyên liệu, phát triển nông nghiệp bền vững gắn với thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập cho nông dân.