Triển khai chính sách tài khóa và tiền tệ một cách linh hoạt, hiệu quả

NDO -

Trả lời phỏng vấn của báo Nhân Dân về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 mới đây, Chuyên gia kinh tế, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá cao những giải pháp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã triển khai. Chuyên gia kinh tế đưa ra nhiều gợi ý về các kế hoạch tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới.

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế.
PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế.

Phóng viên: Qua lắng nghe ý kiến các diễn giả quốc tế, trong nước và phát biểu kết luận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên bế mạc Diễn đàn vừa qua, ông đánh giá thế nào về những chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ mà Việt Nam đã triển khai, và tác động của các chính sách này tới phục hồi kinh tế?

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh: Trong hai năm qua, Quốc hội, Chính phủ triển khai nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp có thể chống đỡ đại dịch và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Trong đó, các nguồn chi của quốc gia cho hoạt động phòng, chống dịch chiếm khoảng 4% GDP.

Có thể thấy hàng loạt các chính sách giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất, miễn giảm hàng loạt loại thuế, phí, lệ phí..., nhất là có sự miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho một số ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng được áp dụng. Lần đầu tiên, các hộ sản xuất kinh doanh cá thể được miễn giảm thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác trong 6 tháng cuối năm 2021.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước kêu gọi hệ thống ngân hàng giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn hoãn thời gian trả nợ, tái cấu trúc nợ vay hoặc không nâng nhóm nợ xấu… cho doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp hồi phục tốt hơn.

Đồng thời, thông qua gói 16 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động. Rõ ràng, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đã phối hợp tương đối tốt để các doanh nghiệp và người lao động có thể tồn tại và vượt qua khó khăn trong đại dịch.

Phóng viên: Hiện tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, chúng ta tiếp tục phải đối diện nhiều nguy cơ, khó khăn. Những vấn đề gì cần ưu tiên hàng đầu để nền kinh tế có thể phục hồi và phát triển bền vững, thưa ông?

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh: Để giúp nền kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi trong thời gian tới, việc quan trọng nhất là phải sống chung an toàn với dịch Covid-19. Chính sách tài khóa phải tập trung vào việc nâng cao cơ sở hạ tầng y tế, chuẩn bị mua sắm các loại thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế… để phòng và điều trị Covid-19.

Hai là để giúp doanh nghiệp yên tâm, ổn định sản xuất kinh doanh thì việc ổn định kinh tế vĩ mô là cực kỳ quan trọng. Trong đó, phải bảo đảm được tỷ lệ lạm phát trong giới hạn thấp nhất, vay nợ công, thâm hụt ngân sách nhà nước cũng phải nằm trong giới hạn chấp nhận được. Hiện nhiều người đang kêu gọi chấp nhận lạm phát, chấp nhận thâm hụt ngân sách, vay nợ để phát triển… nhưng chúng tôi cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô phải được đặt lên hàng đầu.

Mặt khác, cần xem xét khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và khả năng trả nợ trong tương lai. Nếu lạm phát tăng cao thì các doanh nghiệp sẽ phải “vắt chân lên cổ” chạy theo vòng xoáy vay nợ, lạm phát, có hồi phục cũng không ăn thua.

Phóng viên: Doanh nghiệp hiện đang rất cần hỗ trợ, nhưng theo ông cách thức hỗ trợ như thế nào để đúng và trúng nhất, hiệu quả nhất?

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh: Trong triển khai các chính sách tài khóa, phải xem xét để hỗ trợ cho doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề một cách phù hợp. Nhất là xem sức hấp thụ của ngành đó đến đâu, phương pháp hỗ trợ thế nào để cân đối giữa hỗ trợ ngắn hạn trước mắt và đầu tư phát triển lâu dài. Chúng ta cần cung cấp cho doanh nghiệp hướng đi, cách thức đi, cung cấp “cần câu” chứ không phải “con cá”.

Để làm được điều này, chính sách tài khóa cần hướng đến đẩy mạnh đầu tư công đúng trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải vào nhiều dự án như trước. Cần tính toán khi chi cho một dự án đầu tư công thì dự án đó có khả năng tác động, kích thích những ngành, lĩnh vực nào phát triển.

Về lâu dài, các dự án này cần tạo được nền tảng cơ sở hạ tầng xã hội để phục vụ cho phát triển bền vững. Hiện doanh nghiệp đang trong giai đoạn hồi phục, tìm hướng đi thích ứng thì ngay lúc này, chúng ta cần định hướng ngay bằng đầu tư công, hướng tới phát triển xanh, kinh tế số để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững.

Chính sách tài khóa cũng phải xem xét, hỗ trợ an sinh xã hội bằng các nguồn lực mà chính sách tài khóa có thể huy động được như từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội… Từ đó, giúp người lao động quay trở lại các trung tâm sản xuất thông qua hỗ trợ chi phí di chuyển, thuê nhà...

Ngân sách nhà nước có thể cho doanh nghiệp vay không lãi suất để doanh nghiệp ứng trước tiền lương cho người lao động trong thời gian đầu. Từ đó, triển khai thêm các chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động… để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi theo hướng kinh tế số, kinh tế xanh.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm hay hoãn thuế chỉ là giải pháp tạm thời, doanh nghiệp mong muốn có sự ưu đãi về lãi suất và vốn vay trong dài hạn. Vậy theo ông, cần có những chính sách tiền tệ như thế nào để vừa hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp vừa kiềm chế lạm phát để kinh tế có thể phát triển bền vững?

PGS, TS Đinh Trọng Thịnh: Nhiều doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn về tình hình tài chính, không có nguồn vốn để tái sản xuất kinh doanh do bị bào mòn trong thời gian dịch bệnh. Dù được giãn hoãn nợ, khoanh nợ, không bị nâng nợ xấu nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả cả vốn lẫn lãi cho ngân hàng. Hiện muốn vay tiếp cũng khó do không còn vật tư, tài sản bảo đảm.

Vấn đề quan trọng là phải tìm cách thức để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng hay Bộ Tài chính đưa ra gói 20.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp… cần được đi vào thực tiễn một cách tốt nhất và nhanh nhất. Phải xem xét doanh nghiệp, ngành nghề nào được hỗ trợ, không phải hỗ trợ dàn trải.

Đồng thời, tính toán xem điều kiện cho vay hoặc các hình thức bảo lãnh như thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn. Tránh tình trạng có doanh nghiệp móc nối với ngân hàng hoặc ngân hàng ưu tiên doanh nghiệp “sân sau”, thậm chí trước đây đã có tình trạng doanh nghiệp vay vốn xong lại đem gửi ngân hàng để lấy phần trăm chênh lệch do lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tiền gửi.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phải công khai minh bạch thông tin cấp vốn, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để dòng tiền đi đúng hướng vào đúng ngành nghề, lĩnh vực, doanh nghiệp cần hỗ trợ. Cần tính toán thời gian cấp vốn phù hợp, tránh lạm phát, không tác động nhiều đến giá trị đồng tiền.

Cung cấp vốn trong thời gian tới cả về chính sách tài khóa và tiền tệ là rất quan trọng nhưng cần linh hoạt, uyển chuyển. Nếu nền kinh tế đã “no” rồi thì không “bơm” tiền ra nữa, cần giữ được ổn định kinh tế vĩ mô để phát triển bền vững, lâu dài.

(PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế)

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021