Tiết kiệm nước tưới cho cây trồng

Sản xuất nông nghiệp ở nước ta đang chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn gây ra tình trạng thiếu nước cho cây trồng cạn. Vì vậy, việc áp dụng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đang là một trong những giải pháp khắc phục nhằm nâng cao giá trị sản xuất và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ảnh minh họa: Người nông dân tưới cho cây trồng. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa: Người nông dân tưới cho cây trồng. (Nguồn: TTXVN)

Thực tiễn cho thấy, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đóng góp nhiều vào phát triển nền nông nghiệp hiện đại, sạch, nông nghiệp công nghệ cao… hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, đồng thời khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đất, nguồn nước, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) là vùng đất khô cằn, đa số là đất sỏi đỏ nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Theo những hộ dân nơi đây, lượng nước tưới cần thiết để phục vụ cho cây cà-phê, hồ tiêu phát triển tốt, cho năng suất cao thì cần gấp gần hai lần lượng nước so với những nơi khác. Để khắc phục tình trạng này, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước cho nhân dân trên địa bàn. Năm 2018, ông Trương Hoàng Trung ở thôn Hiệp Hòa, xã Quảng Hiệp, là một trong những hộ dân được hưởng lợi từ dự án này.

Với diện tích 2 ha cà-phê trồng xen hồ tiêu, ông lắp đặt hệ thống tưới gốc, trị giá 150 triệu đồng, trong đó dự án VnSAT hỗ trợ 75 triệu đồng. Đến nay, sau hơn 4 năm hệ thống tưới tiết kiệm của gia đình ông Trung vẫn hoạt động tốt. Từ khi áp dụng công nghệ này, gia đình ông giảm rất nhiều chi phí đầu tư, năng suất vườn cà-phê lại cao hơn so với trước đây.

Ông chia sẻ: “Trước đây chưa có hệ thống tưới tiết kiệm, vào mùa khô hạn gia đình phải thuê người tưới nhưng nguồn nước cũng thiếu nên phải tưới nhiều lần. Mỗi vụ cà-phê, gia đình tưới 4 đợt, mất gần 8 triệu đồng tiền thuê công tưới. Còn từ khi áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, tôi chỉ mở van tổng và tính đủ giờ thì tắt nước nên giảm được số tiền thuê nhân công, tiền điện. Đặc biệt, còn tiết kiệm được 50 đến 60% lượng nước tưới so với tưới truyền thống. Việc bón phân cũng thông qua hệ thống tưới tiết kiệm này giúp phân hòa tan vào nước tưới nên cây hấp thụ tốt. Áp dụng công nghệ này giảm rất nhiều chi phí đầu tư, năng suất vườn cà-phê lại cao hơn. Với diện tích 2 ha những năm trước đây mỗi vụ gia đình tôi chỉ thu được khoảng 5 tấn cà-phê nhân, còn hiện nay thu tới 6 đến 7 tấn”.

Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Quyết Tiến Phạm Công Phi chia sẻ: Thời điểm năm 2018, toàn hợp tác xã chỉ có ba thành viên được dự án VnSAT hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Tuy nhiên, sau khi được tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật và những lợi ích từ việc tưới tiết kiệm mang lại, đến nay hợp tác xã có 19 thành viên áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay nhiều địa phương đã chủ động vào cuộc và sáng tạo trong triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như: Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Thuận, Nghệ An và Thanh Hóa, Lào Cai, Tiền Giang, Đồng Tháp... Ngày càng nhiều nông dân mạnh dạn, chủ động đầu tư, áp dụng công nghệ này trong sản xuất nông nghiệp. Phần lớn diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn là do người dân tự đầu tư, áp dụng.

Bên cạnh đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Qua thống kê của các địa phương, đến nay có hơn 580 doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia cũng như ứng dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp tiên tiến khác để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh với diện tích khoảng 17.800 ha (nhiều nhất là khu vực Tây Nguyên gần 340 doanh nghiệp). Trên địa bàn cả nước có gần 700 hợp tác xã ứng dụng loại hình công nghệ này với diện tích hơn 16.000 ha.

Tiết kiệm chi phí sản xuất

Đến nay, trên địa bàn cả nước có khoảng 530 nghìn ha cây trồng cạn áp dụng mô hình tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước. Tùy theo loại cây trồng và tùy theo địa phương, công nghệ này sẽ giúp tăng năng suất cây trồng từ 10 đến 50%; tăng tính cạnh tranh của sản phẩm thông qua tăng mức độ tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm từ 3 đến 60% và góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp từ 10 đến 30%, tăng thu nhập của người dân từ 10 đến 50%.

Cùng với đó là tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 10 đến 80%; có thể làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp/ha đến 50%; giảm mức độ thiệt hại, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp từ 5 đến 80%, giảm lượng phân bón từ 5 đến 40%. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn có gần 57 nghìn ha áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây trồng. Khi được áp dụng công nghệ này, khả năng đậu quả cao, năng suất cũng tăng lên; đồng thời giúp giảm 20% lượng nước tưới, 25% chi phí lao động và tăng thu nhập khoảng 25%.

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các vùng (chỉ đạt dưới 10% diện tích canh tác cây trồng cạn của cả nước). Nhận thức của một bộ phận cán bộ ở một số địa phương, người dân về vấn đề này còn hạn chế; số lượng doanh nghiệp quan tâm ứng dụng công nghệ này còn hạn chế…

Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thành Long cho biết, “Đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 64.700 ha cây trồng các loại được nông dân áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước như tưới phun mưa tại gốc, nhỏ giọt… trong đó có 57.500 ha cà-phê và hồ tiêu... Mặc dù công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước mang lại nhiều lợi ích nhưng chi phí đầu tư còn khá cao từ 50 đến 80 triệu đồng mỗi ha; trình độ canh tác của nông dân chưa bắt kịp với yêu cầu của công nghệ; thiết bị khó bảo quản do nương rẫy xa; mạng lưới điện tại các khu vực trồng trọt còn khó khăn nên người dân chưa chủ động được nguồn điện sản xuất…”.

Tổng cục Thủy lợi cho biết, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực áp dụng công nghệ cho các tổ chức, cá nhân, nghiên cứu quy trình công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm cho các cây trồng cạn chủ lực, có lợi thế, có thị trường theo vùng, miền; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, ứng dụng công nghệ vật liệu, kết cấu mới phù hợp để trữ nước tại chỗ, khai thác, sử dụng nước từ các công trình thủy lợi hiện có; nghiên cứu các giải pháp sử dụng nước sau công trình thủy lợi, thủy điện kết hợp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho vùng đồi núi, đất dốc…

Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Nghị quyết quy định về mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn. Theo đó, đối với các xã và thôn, buôn vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống này, mức hỗ trợ không quá 40 triệu đồng/ha. Đối với địa bàn các xã, thôn, buôn còn lại được hỗ trợ 30% nhưng không quá 25 triệu đồng/ha...

Theo Tổng cục Thủy lợi, mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn cả nước có diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt từ 700.000 đến 800.000 ha. Qua đó sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, giảm lượng nước tưới, tăng thu nhập của người dân, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước.