Sôi động trên công trường xây dựng điện gió Bạc Liêu

Những ngày đầu Xuân Ầt Mùi, khi không khí Tết vẫn tràn ngập khắp mọi vùng quê, chúng tôi về thăm công trình điện gió Bạc Liêu, một trong những dự án trọng điểm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ngắm những tua-bin gió miệt mài quay tít; cảm nhận từng ánh mắt rạng rỡ, tinh thần hăng say, miệt mài lao động của hàng trăm kỹ sư, công nhân,... càng thêm thấy rõ sự quyết tâm cao độ của chủ đầu tư và mỗi cán bộ, công nhân trên công trình trọng điểm này.

Trụ tua-bin gió trên biển của Nhà máy điện gió Bạc Liêu.
Trụ tua-bin gió trên biển của Nhà máy điện gió Bạc Liêu.

Công trình thế kỷ

Với tổng số vốn ban đầu hơn 5.200 tỷ đồng, công suất 99 MW, gồm 62 trụ tua-bin điện gió, tổng công suất phát điện mỗi năm hơn 320 triệu kW giờ, dự án điện gió xây dựng tại vùng ven biển TP Bạc Liêu được coi là công trình "thế kỷ" của ĐBSCL. Toàn bộ nhà máy đặt trên mặt biển, chiếm tổng diện tích gần 500 ha, trông như một cánh đồng tua-bin giữa đại dương mênh mông. Dự án điện gió Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư bằng nguồn vốn tài trợ của Ngân hàng Xuất - nhập khẩu Hoa Kỳ (US-Exim) và đồng ý bổ sung vào danh mục các dự án nguồn điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030. Dự án điện gió Bạc Liêu sử dụng loại rô-to ba cánh quạt, do Tập đoàn GE (Hoa Kỳ) chế tạo, phù hợp chế độ gió cấp III tại vùng biển TP Bạc Liêu, mỗi tua-bin nặng hơn 210 tấn, được lắp dựng bằng giàn cẩu có sức nâng 600 tấn. Về cấu tạo, ngoài cánh quạt, máy phát, tua-bin còn có bộ đo lường tốc độ gió và truyền dữ liệu tốc độ gió tới bộ điều khiển, hộp số, bộ ổn định tốc độ, bộ xử lý hướng gió,... Các tua-bin gió được làm bằng thép đặc biệt, không gỉ, chịu được ăn mòn trong điều kiện khí quyển đại dương. Trụ lắp tua-bin cao 90 m, đường kính 4 m; ba cánh quạt mỗi cánh dài 42 m được làm bằng nhựa đặc biệt. Các cánh quạt có thể tự gấp lại khi thời tiết xấu hoặc bão lớn. Nhà máy điện gió Bạc Liêu sử dụng công nghệ tiên tiến nhất và là nhà máy điện xây dựng trên biển duy nhất hiện nay tại Việt Nam.

Sôi động trên công trường xây dựng điện gió Bạc Liêu ảnh 1

Không khí lao động hối hả, khẩn trương trên công trường điện gió Bạc Liêu dịp Tết Nguyên đán.

Tháng 8-2013, sau hơn 30 tháng thi công, Nhà máy điện gió Bạc Liêu chính thức hoạt động, 10 tua-bin gió đạt công suất 16 MW. Đến cuối năm 2014 (giai đoạn 1), nhà máy đã phát lên lưới điện quốc gia tương đương 20 triệu KW giờ điện, đạt công suất phát bình quân các tua-bin gió 35% - 40%. Giai đoạn 1 của dự án đã được kiểm toán với giá trị đầu tư gần 1.030 tỷ đồng.

Trò chuyện với chúng tôi ngay tại công trường đang thi công sôi động trong những ngày đầu xuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (đơn vị chủ đầu tư) Tô Hoài Dân phấn khởi thông báo: Giai đoạn 2, dự án điện gió Bạc Liêu có công suất hơn 83 MW, gồm 52 trụ tua-bin gió chính thức khởi công tháng 11-2013. Hiện giai đoạn 2 của dự án đang khẩn trương thực hiện, phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch dự kiến vào cuối năm 2015. Khi giai đoạn 2 hoàn thành, tổng số 62 tua-bin gió sẽ hòa vào lưới điện quốc gia khoảng 320 triệu kW giờ/năm, góp phần ổn định an ninh năng lượng. Anh Tô Hoài Dân khẳng định, giai đoạn 2 của dự án với 52 trụ tua-bin gió, gấp hơn năm lần giai đoạn 1 là một khối lượng công việc khổng lồ, tổng mức đầu tư lên tới gần 4.200 tỷ đồng. Đầu xuân này, tiến độ dự án đang được thực hiện khẩn trương, đặc biệt, việc đóng cọc, đổ bê-tông tại 52 trụ cột tua-bin gió là một trong những công việc vô cùng quan trọng, vất vả, hiện đã và đang tập trung triển khai tích cực. Ngoài ra, gói thầu cung cấp 52 bộ thiết bị tua-bin gió (trị giá gần 2.000 tỷ đồng), chúng tôi đã ký hợp đồng với Tập đoàn GE (Hoa Kỳ), dự kiến cuối quý IV-2015, giai đoạn 2 sẽ chính thức vận hành khai thác, hòa vào lưới điện quốc gia theo đúng kế hoạch.

Chạy đua nước rút

Điều đáng ghi nhận trên công trình xây dựng Nhà máy điện gió Bạc Liêu, là trong những ngày Tết Ầt Mùi, nhiều cán bộ, kỹ sư, công nhân không về quê, ngày đêm bám trụ công trình, lao động hết mình, góp phần làm cho dòng điện bừng sáng muôn nơi, hòa vào lưới điện quốc gia. Trong không khí đầu xuân mới, hàng trăm cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, công nhân đang hối hả thi công các hạng mục công trình. Trò chuyện với kỹ sư Nguyễn Thiết, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thiên Việt, một trong những nhà thầu thi công một số hạng mục giai đoạn 2 trên công trình được biết, anh Thiết quê Quảng Trị, vợ con hiện ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), do công việc đang vào giai đoạn "nước rút", cho nên anh và gần 100 cán bộ, công nhân đã không về quê ăn Tết, mà tình nguyện ở lại công trường, lao động hăng say để kịp tiến độ thi công.

Tại các Đội xây dựng số 4, 5, 6, hàng chục cán bộ, công nhân cũng trong khí lao động hết sức khẩn trương. Kỹ sư Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc điều hành gói thầu xây dựng móng trụ tua-bin gió sôi nổi cho biết: Đơn vị hiện có gần 180 cán bộ, kỹ sư, công nhân đang tham gia xây dựng dự án điện gió Bạc Liêu (giai đoạn 2). Trong những ngày Tết, anh em trong đơn vị vẫn lao động bình thường. Công việc ở đây phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thủy triều. Những ngày Tết vừa qua, thời tiết thuận lợi cho việc thi công đóng cọc và đổ bê-tông trụ tua-bin gió, nếu không tranh thủ tận dụng thời gian quý báu này, nhiều trụ tua-bin gió gần bờ phải chờ đến tháng 7 tới, tức gần năm tháng nữa mới có thể tiếp tục thi công. Như vậy, sẽ vừa gây lãng phí thời gian, lại tốn kém công sức, tiền bạc. Vì vậy, những ngày Tết này, hàng trăm cán bộ, công nhân trên công trình điện gió Bạc Liêu đã tranh thủ từng ngày, từng giờ lao động khẩn trương, miệt mài để kịp thời gian, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho chính các đơn vị thi công và chủ đầu tư,...

Sôi động trên công trường xây dựng điện gió Bạc Liêu ảnh 2

Công nhân thi công các hạng mục giai đoạn 2 dự án điện gió Bạc Liêu.

Anh Tô Hoài Dân thông báo cho chúng tôi một tin vui: Mới đây, theo thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng US Exim, Công ty Công Lý đã được đề xuất làm đầu mối cho dự án Trung tâm điện gió ĐBSCL tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh với tổng vốn đầu tư hơn 25 nghìn tỷ đồng. Như vậy, đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, dự kiến trên vùng biển ĐBSCL và Bạc Liêu nói riêng, sẽ có khoảng 300 cột tua-bin gió, tổng công suất hơn 500 MW được thực hiện. Việc đầu tư trung tâm điện gió trong vùng sẽ góp phần giải quyết một phần không nhỏ nhu cầu về điện cho cả nước từ nguồn năng lượng tái tạo của thiên nhiên, không tác động xấu đến môi trường theo tinh thần "Chiến lược phát triển năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu của quốc gia" mà Chính phủ đề ra. Đánh giá về dự án, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Võ Văn Dũng cho biết, dự án Nhà máy điện gió Bạc Liêu có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đưa Bạc Liêu sớm thoát khỏi tỉnh nghèo, lạc hậu trong khu vực ĐBSCL. "Từ khi công trình khởi công xây dựng và đi vào hoạt động, dự án điện gió đã tạo không khí trong tỉnh sôi động, nhộn nhịp hẳn lên, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước về Bạc Liêu tìm hiểu, hợp tác phát triển tiềm năng kinh tế biển của địa phương...," - đồng chí Võ Văn Dũng nhấn mạnh.

Tháng 8-2013, sau hơn 30 tháng thi công, Nhà máy điện gió Bạc Liêu chính thức hoạt động, 10 tua-bin gió đạt công suất 16 MW. Đến cuối năm 2014 (giai đoạn 1), nhà máy đã phát lên lưới điện quốc gia tương đương 20 triệu kW giờ điện, đạt công suất phát bình quân các tua-bin gió 35% -40%. Giai đoạn 1 của dự án đã được kiểm toán với giá trị đầu tư gần 1.030 tỷ đồng.