Bài ca của Đất

NDO -

Từ ngàn xưa ông cha ta đã thành kính gọi “cha Trời, mẹ Đất” để tỏ lòng kính trọng, biết ơn. Trong cách gọi ấy dường như còn có nhắc nhớ về sự bé nhỏ của con người trước thiên nhiên vô cùng vô tận. Và có lẽ cũng là nhắc nhớ trách nhiệm đáp đền sự sống mà trời đất đã và đang ban tặng con người.

Cây ngô, bắp ngô là hình ảnh đã gắn bó bao đời với người Nùng ở Hữu Lũng.
Cây ngô, bắp ngô là hình ảnh đã gắn bó bao đời với người Nùng ở Hữu Lũng.

Trong cộng đồng khởi nghiệp hôm nay, không ít người con sinh ra, lớn lên và học hành nhờ những giọt mồ hôi đổ trên đất đai, ruộng rẫy; để rồi những trí thức ấy lại ngược đường trở về quê hương còn nhiều nghèo khó để học làm nông dân thời đại mới. Mỗi người một cách làm, một hướng đi để “định danh” lại giá trị mà đất đai bản địa đã tận tụy hiến dâng cho cộng đồng mình. Không chỉ là xây dựng và phát triển kinh tế bền vững, họ còn muốn “mở mắt” cho những người yếu thế, thiệt thòi trong làng, ngoài bản - để mọi người thấy được Đất mẹ sẽ trả lại cho con người một cách xứng đáng, công bằng với những gì con người gieo xuống.

Trên “dải đất hình tia chớp”, những người tiên phong như họ chắc chắn còn gặp nhiều cam khó; song tôi tin họ sẽ thành công và vươn xa, bởi nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái mà họ đang theo đuổi cũng chính là con đường đúng đắn, lâu dài của nông nghiệp Việt.

Bài 1: Đưa giấc mơ “mì ngô của người Nùng” ra quốc tế

Từ bao khó khăn trong đại dịch, cộng với mong muốn luôn thường trực là làm gì đó cho quê hương; những sợi mì ngô đầu tiên của Việt Nam đã ra đời từ bản người Nùng của xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Điều đặc biệt, người đứng đầu hợp tác xã mì ngô ấy là một diễn viên điện ảnh đã nhiều lần được xướng tên trên thảm đỏ quốc tế.

Bài ca của Đất -0
 Hoàng Phượng đã từ thảm đỏ quốc tế về bản Nùng cùng bà con nâng giá trị cây ngô.

Thoát ly, vẫn đau đáu với ruộng đồng

Xã Quyết Thắng cách huyện lỵ Hữu Lũng 20km. Đường từ huyện về Quyết Thắng, nhiều đoạn vẫn là đường đất ken dày ổ gà. Bưu điện trung tâm xã mới mở được mấy tháng. Như bản Kép thì mới biết đến đường dây điện được mười mấy năm. Nhưng bù lại, vùng đất ấy sơn thủy hữu tình, cảnh sắc không thua kém bất kỳ khu nghỉ dưỡng cao cấp nào.

Ở Hữu Lũng, già nửa dân số là người Nùng. Ngoài một phần nhỏ diện tích đất canh tác có thể trồng hai vụ lúa mỗi năm; gắn bó nhiều nhất trong suốt cuộc đời bà con nơi đây là ngô - thứ cây năm thế kỷ trước được Trạng Bùng dùng trí thông minh đưa hạt giống về làm cây lương thực cho người Việt. Ba chị em Hoàng Thị Bích Phượng lớn lên với những chùm ngô lúc nào cũng như tỏa nắng quanh nhà. Những trò chơi con trẻ cũng gắn với vườn ngô, ruộng ngô. Lúc biết phụ bố mẹ việc đồng áng cũng lại gắn bó với cây ngô. Ngô, đã trở thành một phần tuổi thơ của chị em Phượng cũng như của trẻ con bao thế hệ nơi này.

Bài ca của Đất -0

Mì ngô của chị em Hồng, Phượng được làm từ giống ngô bản địa của người Nùng, 100% không biến đổi gen.

Ông Hoan, bà Nhung nuôi ba đứa con từ tấm bé đến khi tốt nghiệp đại học đều nhờ cây ngô. Song làm nông nghiệp chưa bao giờ vơi vất vả. Với miền núi, có của ăn của để nhờ nông nghiệp là chuyện quá xa vời. Thấm những vất vả của bố mẹ, phần nào cũng đã trải qua bao tháng năm “mồ hôi mà đổ xuống đồng”, ba chị em Phượng đều cố gắng học hành để thoát khỏi cảnh ruộng đồng.

Phượng và chị gái Minh Hồng đều tốt nghiệp Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Hồng xây dựng gia đình, sinh sống và lập nghiệp ở thành phố Lạng Sơn. Chị làm chủ một cửa hàng thực phẩm sạch, rồi điều hành một công ty du lịch. Phượng ở lại Hà Nội, làm MC truyền hình, làm người mẫu ảnh rồi “tay ngang” làm diễn viên điện ảnh. Những bộ phim cô gái mang vẻ đẹp nền nã, thuần Việt ấy tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng không ít trong số đó mang chất lượng và đẳng cấp quốc tế. 25 tuổi, cô gái ấy đã giành giải “Diễn viên Quốc tế xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Quốc tế Paris và lọt top 3 “Diễn viên châu Á xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim Quốc tế Houston.

Bài ca của Đất -0
 Ngô sau khi được tách bỏ vỏ lụa, thêm 10 lần vo đãi và xả nước. 

Phượng tâm sự: “Từng bước trên thảm đỏ, đứng ở những sân khấu lớn, vinh quang cũng đã từng được chạm tay. Song những điều mộc mạc, bình dị ở thôn quê mới là chốn tôi luôn hướng về. Ở đó, tôi được quây quần bên gia đình, mỗi sáng được thức dậy ở căn nhà xưa, được nhìn khói lam chiều trên mái bếp”.

Cả những năm tháng xa nhà học đại học, cả khi Hồng đã làm “bà chủ”, Phượng thành danh với nghề diễn; hai chị em vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ quê, đau đáu với mong ước làm gì đó cho quê hương, để bà con khắp các bản Nùng Hữu Lũng vơi bớt những nhọc nhằn.

Bài ca của Đất -0

Bột ngô nghiền mịn từ hạt để làm mì. Bột ngô được ủ 3 ngày 3 đêm, đến khi dậy mùi thơm như mùi hoa quả lên men, sau đó trộn cùng bột dong để ép sợi.

5 tấn ngô và 365 ngày

Đầu năm 2020, Phượng tham gia bộ phim điện ảnh “Along the sea” hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hơn hai tháng ở xứ sở mặt trời, nếu nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ của họ khiến Phượng cảm phục; thì cách họ trân trọng nông sản, công sức của người nông dân cũng như kỹ càng trong giai đoạn chế biến đã làm cô xúc động, rưng rưng. Hai tháng ấy càng khiến ước mong một nền nông nghiệp tương tự cho quê hương Hữu Lũng trong cô thêm sôi sục.

Bài ca của Đất -0

Bột được ép thành sợi.

Giữa năm 2020, kinh tế bắt đầu chịu ảnh hưởng rõ rệt từ đại dịch Covid-19. Công ty du lịch của Hồng hoạt động chưa được bao lâu thì phải đóng cửa. Một lần tâm sự với nhóm kinh doanh nông sản sạch, nhiều người thông tin: Nhu cầu đồ khô trên thế giới đang rất lớn; bún, miến, mì đều là nhóm hàng họ xuất khẩu mạnh trong thời gian này. Rồi có người gợi ý: Hồng thử làm mì ngô xem, ở Việt Nam, chưa ai làm mì ngô đâu.

Khi Hồng nói chuyện lại với em gái, hai chị em đã như reo lên: Mì ngô, mì từ cây ngô của người Nùng Hữu Lũng. Liệu đây có phải là cơ hội để chị em mình thực hiện mơ ước làm điều gì đó quê hương?! Thế là Covid-19 vô tình đã trở thành yếu tố đủ để khát khao của chị em Hồng, Phượng biến thành hành động. Sau hai tuần cùng nhau bàn bạc, nghiên cứu tài liệu, họ đã bắt đầu bằng việc xây nhà xưởng và đặt máy sấy lạnh từ nước ngoài.

Bài ca của Đất -0

Để có được sợi mì ngô hôm nay, chị em Hồng đã mất hơn 5 tấn ngô thuần chủng và 365 ngày thử nghiệm. 

Ngay bước đầu tiên, chị em Phượng đã không có sự đồng thuận của ông Hoan, bà Nhung cũng như cô dì, chú bác. Mọi người cho rằng mì ngô cũng là mì, thì sao không làm rồi phơi như người ta vẫn làm mì gạo, làm miến, làm bún khô mà phải bỏ cả một đống tiền mua máy từ nước ngoài về, nhỡ trục trặc gì thì biết làm sao? Hai chị em phải lược kiến thức đã đọc được để giải thích cho mọi người hiểu rằng hiện nay, sấy lạnh là công nghệ giữ lại được tốt nhất chất dinh dưỡng cũng như màu sắc của thực phẩm. Sấy lạnh cũng bảo đảm an toàn vệ sinh, không ruồi muỗi, không bụi bặm, lại không phụ thuộc nắng mưa…

Bài ca của Đất -0
Sợi được làm khô chậm trong phòng sấy lạnh 24 tiếng. 

Nhà xưởng và thiết bị là câu chuyện đơn giản bao nhiêu thì công thức để từ bột ngô thành sợi mì lại là câu chuyện trường kỳ bấy nhiêu. Hơn 5 tấn ngô bản địa, thuần chủng của cả ông Hoan, bà Nhung và họ hàng, chòm xóm cùng 365 ngày thử nghiệm đã trôi tuột đi. Cùng với đó là tiền bạc, công sức của cả đại gia đình. Suốt một năm trời thử nghiệm, hơn 5 tấn ngô phải đổ bỏ vì vón cục, vì cứng, đứt gãy, bết dính, thậm chí cho vào máy mà không thể ra được sợi…

Một mặt, từng lần thử nghiệm được hai chị em ghi chép lại cẩn thận, tỉ mỉ. Một mặt, họ tự trau dồi tiếng Anh để tìm đọc và dịch tài liệu liên quan. Không chỉ chất xám hao mòn cùng mì ngô, mà cả máu và nước mắt của nhiều thành viên trong đại gia đình cũng đã đổ xuống. Ông Hoan bị đứt gân bàn tay, một bên mắt suýt không nhìn thấy vì gặp sự cố khi vận hành các công việc ở xưởng; em chồng Hồng cũng bị tai nạn khi giúp anh chị sửa chữa máy móc. Bà con trong bản thì chấp chới khi theo nhà ông Hoan, bà Nhung trồng ngô không biến đổi gen”, canh tác tự nhiên, không dùng thuốc diệt cỏ, sử dụng phân trâu, phân bò, phân dê thay thế phân bón hóa học…

Bài ca của Đất -0

Minh Hồng bên mì ngô được làm từ 100% nguyên liệu, công sức và chất xám của người Nùng Hữu Lũng.

Minh bạch để vươn tầm quốc tế

Mỗi lần nhắc lại 5 tấn ngô và 365 ngày thử nghiệm - thất bại - rồi lại thử nghiệm ấy, Hồng và Phượng đều nói được vài câu là đã chực khóc. Tháng 8/2021, nhìn mẻ mì ngô đầu tiên ra đời sau một năm thất bại, Phượng và Hồng đã ôm nhau khóc: “Việt Nam đây, quê nhà Hữu Lũng đây, cây ngô của người Nùng mình đây, tuổi thơ cơm cháo độn ngô của chị em mình đây”.

Bài ca của Đất -0

Hoàng Phượng cùng bà con bản Nùng nâng giá trị cây ngô.

Một tháng sau, mì ngô của chị em Phượng đã có mặt ở hệ thống siêu thị thực phẩm hữu cơ khắp ba miền. Đầu năm 2022, Hồng đã có cuộc họp online với đại diện thu mua của một tập đoàn bên Nhật, mì ngô Napro Việt Nam đã “có vé” vào thị trường nổi tiếng khó tính này. Còn trong nước, có lẽ, chưa sản phẩm khởi nghiệp nào lại nhận được những dòng phản hồi xúc động, cất lên từ trái tim khách hàng như mì ngô Napro của chị em Phượng:

“Những sợi mì làm từ ngô đã gợi lại cho tôi những năm tháng đói khổ. Là những bát cơm trộn ngô khi chum gạo nhà đã hết. Năm đó cả gia đình còn đủ đầy, giờ bố đã mất, tự nhiên sống mũi cay cay. Cảm ơn vì đã tạo ra một sản phẩm tuyệt vời từ những điều bình dị cũ kĩ. Không chỉ ngon, lành, mỗi lần cùng gia đình ăn mì lại như một cách để trốn về những điều xưa cũ ấy. Có một điều gì đó vừa như là hàm ơn, vừa là động lực, lại thấy bình an nữa”.

Bài ca của Đất -0
 Hoàng Phượng đã từ thảm đỏ quốc tế về bản Nùng cùng bà con nâng giá trị cây ngô.

Mì ngô ấy, 100% không chứa phụ gia, hàn the, bột nở, chất tạo màu, tạo mùi...  6kg ngô hạt mới cho ra 1kg mì, được làm từ giống ngô không biến đổi gen và một phần bột dong riềng đỏ - một sản phẩm OCCOP, hữu cơ của tỉnh Bắc Kạn, bột dong riềng giúp bột ngô kết dính hơn. Các hộ liên kết trồng nguyên liệu cho Hợp tác xã mì ngô Napro ở cả trong và ngoài xã Quyết Tiến đều cam kết sử dụng phân gia súc ủ hoai thay thế dần cho phân bón hóa học, tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ, từng cây ngô được vun trồng và làm sạch cỏ tỉ mẩn bằng cuốc hoặc bừa cỏ. Những bắp ngô già, vàng ươm như nắng được thu hái về, phơi khô dưới nắng mặt trời. Hạt ngô cũng được chị em Hồng bảo quản bằng loại túi nhập từ nước ngoài - loại túi không dùng nitơ, chiếu xạ hay bất kỳ thuốc chống mối mọt nào.

Bài ca của Đất -0

Nhờ cây ngô, ông Hoan, bà Nhung đã nuôi ba đứa con - mỗi đứa 16 năm ăn học. Giờ đây, hai cô con gái của ông bà đã đưa cây ngô của người Nùng ra thế giới như một cách tri ân.

Mì ngô chỉ có sự hỗ trợ của hai loại máy là máy ép sợi và máy sấy lạnh, còn lại các công đoạn khác từ tách vỏ, quạt sạch, vo đãi hạt... đều phải làm thủ công. Hồng tiết lộ: bí quyết riêng cũng đến từ phương pháp làm truyền thống chứ không phải từ công nghệ. Nên để có được một mẻ mì phải mất  đúng một tuần, thậm chí có đợt mất đến 9 ngày.

Trước khi làm, chị em Hồng, Phượng cũng đã nghiên cứu tài liệu để hiểu vì sao người châu Âu chuộng mì ngô. Hồng giải thích: Mì chứa tinh bột lành mạnh làm từ bột ngô tẻ vàng nguyên hạt và bột dong riềng, không chứa Gluten (một họ các protein có trong ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch đen, lúa mì spenta và lúa mạch, với một số người, Gluten không có lợi cho sức khỏe). Đặc biệt thích hợp cho các chế độ ăn kiêng, là sự lựa chọn tuyệt vời cho người bị dị ứng bột mì (bệnh Celiac, dị ứng Gluten). Mì từ ngô còn có ít đường, hỗ trợ ổn định đường huyết cho người bệnh tiểu đường, hỗ trợ giảm cân lành mạnh, cho bé ăn dặm và chăm sóc sức khỏe…

Bài ca của Đất -0

Cây ngô, bắp ngô là hình ảnh đã gắn bó bao đời với người Nùng ở Hữu Lũng. 

Đều là những người trẻ nhanh nhạy với đời sống hiện đại, chị em Hồng phân chia công việc rất khôn ngoan: Phượng là Giám đốc Hợp tác xã Mì ngô Napro, để mì ngô của người Nùng Hữu Lũng có nhiều cơ hội bay xa hơn cùng với danh tiếng, sự nghiệp diễn xuất và sự sắc sảo của cô. Hồng thì lặng lẽ chạy đi chạy lại quãng đường 100km từ thành phố Lạng Sơn về Quyết Thắng để quán xuyến các công việc ở xưởng. Ngay từ khi mì ngô của hai chị em được đưa ra thị trường, quỹ “Tô mì yêu thương” của họ đã được thành lập. 100% quỹ trích từ doanh thu của mì ngô, một phần tạo dựng cảnh quan, sinh thái cho xã nhà, một phần để hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn - cũng là để tri ân những tháng ngày mấy chị em theo đuổi tri thức nhờ học bổng.

Bài ca của Đất -0

Về quê làm mì ngô còn giúp Hồng có thêm nhiều thời gian và gắn kết với người thân.

(Còn nữa)

Tết sẻ chia