Bài ca của Đất

Bài 3: Hồi sinh một vùng chè huyền thoại

NDO -

Nhắc đến cây chè xứ Thái là nhắc đến vùng đất Tân Cương của huyện Đại Từ. Thế nhưng ít ai biết, Thái Nguyên của hơn nửa thế kỷ trước còn có một vùng chè nức danh không kém: Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên). Đất Sông Cầu, nhà máy chè Sông Cầu đã có quãng thời gian đáng tự hào khi xuất khẩu loại nông sản đặc biệt này đến nhiều quốc gia trên thế giới trước khi phải hoạt động cầm chừng rồi đóng cửa cả nhà máy lẫn một vùng nguyên liệu mênh mông. Mấy mươi năm sau, chính những người con của Sông Cầu đã làm nên kỳ tích - hồi sinh và ghi danh “chè Sông Cầu vào “bản đồ cây chè” Việt Nam.

Một góc đồi chè Sông Cầu.
Một góc đồi chè Sông Cầu.

Mỗi gốc chè một chứng tích

Những quả đồi chen chân nhau úp súp, bao quanh thị trấn Sông Cầu bình dị. Đất đồi đang chờ từng tán chè phủ kín. Trong ký ức của các ông già, bà lão - từng vạt đồi nối tiếp nhau từng là Nông trường chè Sông Cầu nức tiếng. Từ 60 năm trước, cây chè đã bám rễ trên đất này. Người nông dân Sông Cầu trở thành công nhân nhà máy, nhận lương tháng để chăm sóc, sản xuất chè cho Nhà nước. Nông trường chè cũng là “nhân chứng” của những ngày Mỹ leo thang ở miền bắc. Công nhân nông trường Sông Cầu chắc tay hái, vững tay súng - vừa là công nhân, vừa là dân quân bảo vệ nhà máy - tài sản của Nhà nước.

Bài 3: Hồi sinh một vùng chè huyền thoại -0

Vùng chè Sông Cầu đã hồi sinh.

Các cụ kể, bấy giờ còn đào hầm trú ẩn dưới gốc chè để vừa sản xuất vừa chiến đấu. Cây chè đã chứng kiến những bi thương, hào hùng của cả giai đoạn kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc.

Tuổi gần bát thập, mái tóc lơ phơ trắng như một đụn mây; vừa hãm ấm trà xanh tươi rói đãi khách, cụ Vũ Văn Quý vừa xa xăm nhớ: Những ngày ấy, có nữ công nhân sắp đến ngày sinh, bụng mang dạ chửa vẫn thoăn thoắt hái chè trên đồi. Rồi máy bay Mỹ ném bom, cả hai mẹ con cùng bị vùi xuống đồi chè…

Liệt sĩ Nguyễn An Trung mồ côi từ tấm bé, không một ai biết nhân thân, quê quán ở đâu. Anh đã lớn lên trong sự cưu mang của bà con Sông Cầu rồi tự nuôi sống bản thân bằng những ngày công lao động trong nông trường chè. Anh công nhân ấy viết đơn tình nguyện nhập ngũ, vào chiến trường Quảng Trị khốc liệt rồi hy sinh. Bốn mươi sáu năm sau (năm 2016), di nguyện của liệt sĩ An Trung mới có cơ hội trở thành hiện thực: “Nếu tôi chết, xin báo tin về Nông trường chè Sông Cầu”.

Bài 3: Hồi sinh một vùng chè huyền thoại -0
 Mô hình vùng nguyên liệu chè an toàn của Sông Cầu là dự án khuyến nông quốc gia.
 

Đẫm đầy chứng tích là thế, nhưng rồi cách thức làm ăn cũ không còn phù hợp với xu thế của thị trường. Cả nhà máy và nông trường chè ngày càng teo tóp, cả khi Nông trường chè Sông Cầu chuyển đổi thành Công ty chè Sông Cầu, hy vọng vực lại vị thế cũng như kéo lại công ăn việc làm cho công nhân cũng chẳng thể thành công. Thương hiệu “chè Sông Cầu” chỉ còn là một thời vang bóng.

Hơn mười năm trước, “chè Sông Cầu” tan tác, công nhân nhà máy chè về làm nông dân, tự mình xoay xỏa với đầu ra, đầu vào lẫn đủ loại kỹ thuật chăm bón. “Ngủ quên” quá lâu, phương thức canh tác mới trở thành xa lạ với chính những người nông dân, trên chính những đồi chè họ đã cả đời gắn bó. Bà con chỉ còn biết phá bỏ những gốc chè thăn thớ, cổ thụ để trồng những giống chè mới được lai ghép.

Bài 3: Hồi sinh một vùng chè huyền thoại -0

Xoay xỏa thế, mà tình hình cũng chẳng khá hơn được bao nhiêu. Những búp chè mơn mởn từ trên đồi về, thấm bao công sức, mồ hôi, nước mắt của người dân mà phải bán tống tháo với cái giá rẻ như bèo. Thời gian đó, “chè bẩn” còn làm loạn thị trường. Chè của những người nông dân Sông Cầu chân chỉ hạt bột rơi vào cảnh lép vế.

Con đường xây dựng du lịch nhờ vào chính cây chè

Giữa cơn bĩ cực ấy, có một sự kiện vô cùng đặc biệt, như một bước ngoặt đối với vùng chè lịch sử này: Ngay trong lần đầu Thái Nguyên tổ chức Liên hoan Trà Quốc tế (năm 2011), “Chè Sông Cầu” góp mặt với “danh phận” là sản phẩm của làng nghề. Và ngay trong lần đầu tiên tái xuất ấy, “Chè Sông Cầu” đã giành giải Búp chè Vàng.

Bài 3: Hồi sinh một vùng chè huyền thoại -0
Khi còn là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu, bà Huyền đã mời nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng về nói chuyện với bà con.

Bấy giờ, bà Vũ Thị Thương Huyền là Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Sông Cầu, phụ trách Trung tâm Học tập cộng đồng của thị trấn. Bà Huyền đã tổ chức những chuyến xe đưa bà con Sông Cầu đến vùng chè Tân Cương ven TP Thái Nguyên học cách canh tác, chế biến chè làm sao để có thể bắt nhịp được với thị trường. Bà con nhận ra, làm chè bây giờ đã khác trước nhiều lắm, nếu cứ ngồi mãi ở Sông Cầu và làm theo cách cũ thì chẳng bao giờ khá lên được.

Đến Tân Cương, bà con đã học từ cách trang bị máy sao chè đời mới, vừa bảo đảm được kỹ thuật, vừa hiện đại, lại giữ được vệ sinh. Những người nông dân khát khao thay đổi ấy còn học cả cách suy nghĩ để lựa chọn cho mình mẫu bao bì riêng, cách quảng bá sản phẩm, rồi cách tìm hiểu thị trường.

Bài 3: Hồi sinh một vùng chè huyền thoại -0
Nhiều câu chuyện về nông nghiệp diễn ra trên đồi chè.

Một bước ngoặt nữa là 150 nông hộ tham gia sản xuất chè an toàn. Bà Huyền nhớ chuyện của dăm năm trước, khi mới bắt đầu mô hình, trung tâm cũng vấp phải không ít khó khăn trong vận động. Bà con vẫn lén lút sử dụng thuốc trừ sâu không đúng quy trình. Trung tâm phải chọn những hộ quyết tâm sản xuất chè sạch nhất để làm điểm.

Kết quả là ngay vụ đầu tiên, năng suất của các hộ sản xuất chè an toàn đều tăng đến 30% so với các hộ khác. Giá trị cũng tăng lên rất nhiều: 250 triệu đồng/ha, trong khi canh tác truyền thống của bà con chỉ thu về 106 triệu đồng/ha. Bà con thấy tăng cả về sản lượng lẫn giá bán, thế tự khắc học nhau và bỏ thói quen dùng hóa chất vô tội vạ. Sau đó, các hộ còn giám sát chéo lẫn nhau rồi báo cáo về trung tâm.

Bài 3: Hồi sinh một vùng chè huyền thoại -0
 Thương hiệu “Chè Sông Cầu” và Hợp tác xã Thịnh An đã được nhiều nơi vinh danh.
 

Là người nặng lòng với vùng chè quê hương, say mê văn hóa trà và không ít tự hào về vùng chè một thời vang bóng, bà Thương Huyền khi còn làm Phó chủ tịch UBND Thị trấn, còn tổ chức lớp học, mời nghệ nhân trà về nói chuyện. Ngày nghệ nhân Hoàng Anh Sướng từ Hà Nội lên Sông Cầu nói chuyện, bà con thị trấn đến từ rất sớm, hội trường không còn ghế trống.

Bà con chia sẻ: “Kỹ thuật quan trọng nhất. Nhưng nghe những buổi nói chuyện về văn hóa trà như thế này, chúng tôi mới thấy giá trị tinh thần của cây chè quê mình cũng quan trọng không kém”. Thế rồi theo chính đề xuất của bà con, Trung tâm Học tập cộng đồng Thị trấn Sông Cầu đã mời một số nghệ nhân trà nổi tiếng khác đến nói chuyện để kiến thức văn hóa trà của bà con thêm phần phong phú. Bà Huyền xúc động bảo: “Mừng nhất là buổi nào bà con cũng háo hức và tham dự rất đông, lắng nghe và trao đổi nghiêm túc”.

Bài 3: Hồi sinh một vùng chè huyền thoại -0
 

Hoa mẫu đơn phục vụ mục đích kép: Mỗi đồi chè là một điểm check in, đồng thời mang lại một khoản thu hằng tháng cho bà con trồng chè.

Ngoài những đồi chè, đầu các luống là cây đào cao quá đầu người, tán rộng cỡ cái nong. Chị Thoa, chị Quỳnh… tay thoăn thoắt hái chè, các chị khoe: “Đúng Tết là hoa đào nở thắm đồi chè, lên ảnh đẹp lắm”. Ở quả đồi khác, chị Phương thì kể vợ chồng chị đang tính làm sao để đồi chè gần đường lớn nhà mình thành một điểm check in: Trên cao nhất sẽ dựng lán để khách ngồi nghỉ và thưởng trà, lối lên đồi rải sỏi cuội, mỗi góc đồi trồng xen một loại hoa… Họ tính khi đại dịch Covid-19 qua đi, họ sẽ biến ý tưởng đó thành hiện thực.

Ngoài đồi chè xóm 9, cũng với ý tưởng mỗi nương chè một điểm check in, bà con đã mua những cây giống mẫu đơn về trồng. Cây mẫu đơn càng cắt tỉa cành, hoa càng sai. Bà con vừa có hoa mang ra chợ bán các ngày rằm, mồng một, vừa tỉa bán được những cây mẫu đơn vài năm tuổi. Chỉ riêng tiền bán hoa cúng, bà con khoe mỗi tháng đã có thêm một khoản mấy trăm nghìn đồng.

Bài 3: Hồi sinh một vùng chè huyền thoại -0

Hoa mẫu đơn phục vụ mục đích kép: Mỗi đồi chè là một điểm check in, đồng thời mang lại một khoản thu hằng tháng cho bà con trồng chè.

Rồi Hợp tác xã chè Thịnh An ra đời, cùng sự liên kết của các tổ sản xuất để hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ vững chắc. Từ thuần bán chè tươi với giá chỉ 12.000 đồng/kg, bây giờ chè Sông Cầu của bà con, loại chất lượng cao đã có giá lên đến 1.5 triệu đồng/kg. Từ một cô giáo, vì say mê chè mà bà Thanh Hảo đã bỏ nghề để gây dựng và gắn bó với Hợp tác xã chè Thịnh An.

Trời phú hay hồn cốt đất chè đã phú cho bà Hảo cái tài chỉ cần nhấp chén trà đã biết tỷ lệ phối trộn của các loại trà ra sao. Bà cũng là người được tỉnh Thái Nguyên chọn và cử đi quảng bá sản phẩm trà hầu hết các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Mỗi lần thêm một bạn hàng lựa chọn “Chè Sông Cầu” là thêm một lần bà Hảo thấy tự hào khe khẽ.

Bài 3: Hồi sinh một vùng chè huyền thoại -0
Vùng chè Sông Cầu đã bước đầu được khách du lịch quan tâm.

Bà Huyền, bà Hảo, chị Phương… còn mơ đến ngày hiện thực ý tưởng vùng chè Sông Cầu sẽ trở thành điểm du lịch trải nghiệm, thành phim trường cho những cuộc dã ngoại hay chụp ảnh cưới của các cặp đôi… Có lẽ không ít người khi nghe các ý tưởng đó sẽ cười, cho là viển vông. Song với sự hồi sinh kỳ diệu, đầy ngoạn mục của thương hiệu “Chè Sông Cầu” mà bà con đã làm được và đang từng ngày phát triển; tôi tin, việc Nông trường chè Sông Cầu năm xưa ghi danh vào bản đồ du lịch Thái Nguyên nói riêng và bản đồ du lịch của cả nước nói chung - là một tương lai rất gần.

Bài 1: Đưa giấc mơ “mì ngô của người Nùng” ra quốc tế

Bài 2: Người phụ nữ bản Thổ khát vọng hồi sinh những cánh rừng và giấc mơ sinh kế bền vững