Áp lực lạm phát trước xu hướng tăng giá hàng hóa

Khác với năm 2020 với diễn biến tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm dần qua các tháng, dự báo diễn biến lạm phát năm 2021 có xu hướng ngược lại, tức là CPI sẽ tăng dần, phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, công tác điều hành giá phải hết sức thận trọng, linh hoạt mới có thể bảo đảm kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Giá một số mặt hàng tăng trở lại gây áp lực lên lạm phát năm 2021. Trong ảnh: Người dân đến mua sắm tại một trung tâm thương mại.
Giá một số mặt hàng tăng trở lại gây áp lực lên lạm phát năm 2021. Trong ảnh: Người dân đến mua sắm tại một trung tâm thương mại.

Giá thế giới, trong nước cùng tăng

Theo phản ánh của Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước đã tăng khoảng 30 đến 40% so với cuối năm 2020 và tăng mạnh nhất từ tháng 4-2021. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 4 tăng 4,23% so với tháng trước và tăng 27,68% so cùng kỳ năm 2020, bình quân bốn tháng đầu năm  tăng 23,15%. Nguyên nhân tăng giá nhóm hàng này là do giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phế liệu, phôi thép và chi phí vận chuyển tăng làm giá sản xuất sản phẩm sắt, thép tăng. Bên cạnh đó, nguồn cung sắt, thép toàn cầu giảm do Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm soát sản lượng kết hợp với kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các thành phố sản xuất quặng sắt. Chính sách nhập khẩu phế liệu của Trung Quốc và việc thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế cũng đẩy nhu cầu nhập khẩu sắt, thép của Trung Quốc tăng, tác động tăng giá sắt, thép toàn cầu. Ở trong nước, sản xuất phục hồi trong quý I-2021, hoạt động xây dựng khởi sắc, các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất sản phẩm sắt, thép; các công trình xây dựng gấp rút triển khai, tăng cường mua sản phẩm sắt, thép đề phòng giá tăng… là những yếu tố tác động làm giá sắt, thép trong nước tăng mạnh. Một diễn biến khác được cơ quan thống kê rất chú ý là giá nhóm sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao từ giữa năm 2020 đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. Cụ thể, giá nhóm sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho ngành công nghiệp chế biến tháng 4 tăng 2,48% so với tháng trước và tăng 13,49% so cùng kỳ năm 2020; tính chung bốn tháng đầu năm nay tăng thêm 8,79%. Trước đó, trong quý I, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu; giá ăn uống ngoài gia đình tăng theo giá lương thực, thực phẩm; giá nhiên liệu trong nước biến động theo giá thế giới,… Những diễn biến này cho thấy, thị trường đang có dấu hiệu từng bước thiết lập mặt bằng giá mới khi hàng loạt mặt hàng từ nhu yếu phẩm đến vật liệu xây dựng (VLXD) đồng loạt tăng giá.

Thận trọng, linh hoạt điều hành giá

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 4 giảm nhẹ 0,04% so tháng trước. Sang tháng 5, CPI quay đầu tăng 0,16% nhưng bình quân 5 tháng qua, CPI chỉ tăng 1,29% so cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Thông tin này khiến dư luận đặt câu hỏi, con số thống kê có phản ánh sát diễn biến thực tế hay không? Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến khẳng định: Kết quả này phản ánh sát biến động giá tiêu dùng trên thị trường. CPI hằng tháng được Tổng cục Thống kê tính dựa trên thông tin thu thập tại khoảng 40 nghìn điểm điều tra giá từ 63 địa phương với 752 loại hàng hóa và dịch vụ đại diện tiêu dùng phổ biến của người dân và phù hợp cơ cấu tiêu dùng của hộ gia đình hiện nay. Riêng đối với hiện tượng có vẻ nghịch lý là: Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá nhóm nhà ở và VLXD tháng 4 giảm 0,43% so với tháng trước, trong khi trên thị trường, giá VLXD đang tăng cao. Ông Nguyễn Trung Tiến lý giải: Nhóm nhà ở và VLXD bao gồm giá thuê nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD. Trong tháng 4, nhóm này giảm giá so với tháng trước chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt và giá ga giảm. Ở chiều ngược lại, từ cuối năm 2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phôi thép, phế liệu và chi phí vận chuyển liên tục tăng làm cho chỉ số giá sản xuất (PPI) nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 4 tăng cao. Theo đó, trong nhóm nhà ở và VLXD, nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở bao gồm xi-măng, sắt thép, đá, cát được tính trong CPI tăng 1,12% so với tháng 3 nhưng nhóm hàng này có quyền số tính CPI hay tỷ trọng chi tiêu trong tổng chi tiêu của dân cư là 2,03% nên chỉ tác động làm tăng CPI chung 0,02%.

Tổng cục Thống kê lưu ý, CPI bốn tháng đầu năm thấp là điều kiện thuận lợi, tạo dư địa để kiểm soát lạm phát cả năm đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm do nhiều yếu tố tác động. Cụ thể, giá nguyên nhiên vật liệu thế giới nhiều lĩnh vực tăng mạnh, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến giá thành, chi phí sản xuất, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước lên cao. Giá dầu thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, giá dầu Brent bình quân được dự báo tăng 40% so với năm 2020, tương ứng giá xăng dầu bình quân trong nước năm nay có thể tăng khoảng 25%, tác động làm CPI chung tăng 0,9 điểm phần trăm. Các nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng phục vụ việc phục hồi kinh tế tạo thành yếu tố cầu kéo sẽ đẩy giá cả hàng hóa cơ bản đều đi lên... Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, đầu năm nay, kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi nhưng sự bùng phát của dịch Covid-19 đã khiến GDP quý I tăng trưởng thấp do tác động tiêu cực của đại dịch. Do đó, áp lực tăng trưởng sẽ dồn vào những quý sau, đi cùng với chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua mở rộng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ gây áp lực lên lạm phát. Bên cạnh đó, giá cả trong nước sẽ tiếp tục biến động và gắn kết ngày càng chặt chẽ hơn vào biến động của giá nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới. Trong nước, một số mặt hàng do Nhà nước quản lý vẫn chực chờ tăng giá theo lộ trình thị trường sau một thời gian tạm gác lại do tác động của dịch Covid-19. Do đó, cần theo dõi sát diễn biến thị trường để phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt trong công tác điều hành. Ðặc biệt, cần có giải pháp kịp thời ngăn chặn các hành vi đầu cơ, thổi giá, hạn chế những bất ổn của thị trường thế giới tác động tiêu cực đến thị trường trong nước.

Kinh tế thế giới sẽ phục hồi, nhưng không đồng đều mà phụ thuộc vào kết quả chống dịch ở từng quốc gia. Vừa qua, giá xăng dầu, cước vận tải, sắt thép... tăng nhưng lạm phát không phải là vấn đề đáng lo ngại của nền kinh tế thế giới trong năm 2021. Mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia là kiểm soát được dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Ngay cả những nền kinh tế phát triển, dự báo mức tăng lạm phát cũng chỉ 1,3%, trong đó đã tính tới mức tăng của nhiều mặt hàng tăng giá nhanh trong thời gian qua. Ðối với nền kinh tế Việt Nam, dù giá cả một số mặt hàng có tăng nhưng không chịu áp lực quá lớn về hiện tượng “nhập khẩu” lạm phát trong năm nay.

Tiến sĩ Trương Văn Phước

Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia