Thầy giáo và em học trò F0

NDO -

Biết em học trò nhỏ là F0 đang cách ly điều trị Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, thầy Lê Quốc Trung đã giữ liên lạc. Hàng ngày, thầy giáo và học trò gửi cho nhau những dòng tin nhắn Zalo tâm sự.

Thầy Lê Quốc Trung nhắn tin trao đổi với học trò.
Thầy Lê Quốc Trung nhắn tin trao đổi với học trò.

Vào ngày khai giảng năm học mới (5/9), tôi có ghi lại những chia sẻ của thầy Lê Quốc Trung, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Mong Thọ (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) về đứa học trò bị dương tính với virus SARS-CoV-2 và ngôi trường mà thầy đang công tác với tựa bài “Thầy ơi con là F0”. Hôm qua 10/9, tôi liên lạc với thầy Trung, thầy mong muốn Nhân Dân điện tử viết thêm về cái kết của câu chuyện.

Năm học 2020-2021, N.H.T là học sinh lớp 10A1 Trường THCS và THPT Mong Thọ. Hè đến, em khăn gói, đón xe đò lên tận Bình Dương xin vào làm cho một doanh nghiệp, vì “ở Kiên Giang không đủ tuổi người ta trả lương ít, nhưng công việc thì cực lắm”. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, N.H.T và nhiều người làm cùng công ty đi test Covid-19. Ngày N.H.T hay tin mình bị dương tính với SARS-CoV-2 đúng vào ngày sinh nhật của em.

Thầy Trung kể, biết em học trò nhỏ là F0 đang cách ly điều trị Covid-19, thầy đã giữ liên lạc. Hàng ngày thầy giáo và học trò gửi cho nhau những dòng tin nhắn Zalo tâm sự. “Cứ mỗi chiều, tôi nhắn tin hỏi thăm em, xoay quanh các câu hỏi như: Con có còn khó thở không? Có bị mất vị giác không? Có sốt ho không? Ăn uống ra sao? Thuốc men thế nào? Con khi nào xuất viện?...”.

Những câu hỏi của thầy Hiệu trưởng cốt yếu để nắm sát sao tình hình về cậu học trò nhỏ và cũng ngụ ý cho em quên đi hiện thực bệnh tình cho tháng ngày cách ly điều trị qua mau. Nhưng lâu ngày, dần thân quen, thầy Hiệu trưởng và học trò như những người bạn. “Tôi hỏi han về những ngày trong bệnh viện dã chiến, về hoàn cảnh gia đình của N.H.T và tự lúc nào không biết, tôi bắt đầu “nể” và “yêu quý” em ấy”- thầy Trung chia sẻ.

Thầy Trung cho biết, N.H.T là một đứa trẻ bất hạnh. Em chưa sinh ra đời thì cha mẹ đã ly hôn, mỗi người đi một ngả. Cha lấy vợ khác đang sống ở TP Hồ Chí Minh. Mẹ cũng có chồng mới sinh sống ở Đồng Nai. N.H.T từ nhỏ đến giờ sống nhờ vào tình thương của ông bà ngoại. Ông bà năm nay đã ngoài sáu mươi. Bà sức khỏe yếu không lao động. Ông thì chạy xe bán hàng rong như dao, kéo, móc khóa… “Ba thỉnh thoảng có gửi tiền cho con, nhưng từ khi con vào lớp 10 đã đi làm thêm, nên không xin tiền ba nữa”.

Thầy Hiệu trưởng đã nhiều lần gợi ý giúp đỡ em, nhưng mỗi lần như vậy em lờ đi, chuyển sang đề tài khác. Một lần, trong lúc nhắn tin trò chuyện, thầy Hiệu trưởng đã đặt lại vấn đề: “Con có cần hỗ trợ gì lúc này không? Thầy sẽ có cách”. Không né được nữa, nên N.H.T vội trả lời: “ Dạ không, dạ không! Em còn tiền làm thuê được trước khi bị dương tính và đi cách ly”. Em đã nói đến 2 lần cụm từ “Dạ không”…” - thầy Trung nói.

N.H.T là một cậu bé có nghị lực trong cuộc sống, không phải chỉ chuyện một mình bôn ba từ Kiên Giang lên tận Bình Dương mưu sinh, cũng không phải chuyện không xin tiền cha vì đã tự làm ra tiền. Mà khi đã thành F0 vào bệnh viện dã chiến điều trị, em chẳng những biết tự chăm sóc cho bản thân, cho bệnh tình mà emcòn làm nhiều việc, giúp ích mọi điều tại nơi em cách ly điều trị.

“Dạ Thầy, con ở trong này được tiếp mọi người dọn rác, đỗ rác và đi phát cơm cho các bệnh nhân già yếu. Còn những bệnh nhân mới vào thì con tiếp kiểm tra thông tin, đồ đạc cho họ đó Thầy. Những bệnh nhân không đi nổi thì con lấy xe đẩy, đẩy họ đi vệ sinh, ai không có thuốc thì con lấy thuốc của con cho họ dùng đỡ ạ” - N.H.T nhắn tin cho thầy Hiệu trưởng.

“Thật tình, nghe đến đây tôi cảm thấy có một cảm giác lạnh chạy dọc sống lưng. Tôi thầm nghĩ: “Trời ạ, nó nhỏ xíu, lại đang F0 sinh tử… mà nó coi như không có chuyện gì. Chẳng những thế mà nó lại làm các việc nhân ái trên cả tuyệt vời như thế”. Tôi nể em, phục em và cảm thấy học hỏi ở em một chữ “nhân ái”. Hành động của em quý hơn tất cả điểm 10 ở các bài kiểm tra mà tôi đã chấm trong 20 năm qua. Việc làm của em không phải là điểm 10 của một bài làm văn mà là điểm 10 của trái tim sống đẹp của đời thường” - thầy Trung bày tỏ.

Không chỉ có nghị lực trong cuộc sống, N.H.T còn là một đứa trẻ ngoan hiền, biết vâng lời. Những hành động, việc làm có ích của N.H.T khi sống tại nơi cách ly điều trị Covid-19 xuất phát từ lời ngoại dạy: “Từ bé, ngoại con đã dạy, thấy ai cần gì mà mình giúp được thì giúp thôi thầy. Mà lúc con đi lao động kiếm tiền, những công việc con làm còn nặng nề hơn gấp nhiều lần. Mà không chỉ có mình con, trong khu cách ly điều trị Covid-19 có nhiều người cũng làm như con”.

“Tôi thật sự không biết dùng chữ nghĩa nào để diễn tả lại cảm xúc của mình với chàng trai trẻ F0 nhiều nghị lực, một tấm lòng hiền lành, nhân ái. Tôi chỉ xin hứa chăm lo cho em học hành đàng hoàng tại ngôi trường em đang học và mong cộng đồng chung tay vun đắp, bồi dưỡng một tâm hồn tuyệt đẹp. Em N.H.T đã học tập tốt điều mà Bác Hồ đã dạy các em học sinh: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.

Nhưng điều hơn tất cả mọi điều mà thầy Lê Quốc Trung muốn chia sẻ với mọi người là đứa học trò nhỏ, học sinh lớp 11A1 Trường THCS và THPT Mong Thọ đã chữa khỏi bệnh Covid-19. “Con báo thầy biết, con bị bác sĩ đuổi về rồi. Bác sĩ nói “Mày ở nữa lỡ dương tính lại thì sao, thôi về cách ly tại nhà 14 ngày nữa là xong” - đó là tin N.H.T nhắn cho thầy Hiệu trưởng. 

Thầy Trung cho biết sẽ giữ liên lạc với học trò và làm mọi điều có thể để giúp em trở về quê, về trường học tập. Tất cả thầy cô giáo và học sinh của Trường THCS và THPT Mong Thọ đang chờ đợi đón em.