Tín hiệu vui đối với doanh nghiệp xuất khẩu

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Thành phố Hồ Chí Minh phấn khởi khi trong những ngày đầu năm đã đầy ắp đơn hàng, báo hiệu những tín hiệu tích cực để đưa hàng Việt Nam ra thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân Công ty Tân Nhiên tăng ca sản xuất bánh tráng để hoàn thành tiến độ đơn hàng xuất khẩu.
Công nhân Công ty Tân Nhiên tăng ca sản xuất bánh tráng để hoàn thành tiến độ đơn hàng xuất khẩu.

Tại cảng Phước Long-ICD Transimex (Quận 9) ngay từ sáng sớm, hàng tấn cà-phê, hạt tiêu, hoa hồi, quế, hạt điều… được Công ty cổ phần Phúc Sinh đưa đến, chất đầy trong khoảng 50 container để xuất khẩu sang 10 quốc gia châu Âu, Mỹ, Trung Ðông… Chủ tịch HÐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh Phan Minh Thông chia sẻ: Thị trường xuất khẩu năm nay sẽ khó khăn hơn nhưng mặt hàng thực phẩm vẫn là điểm sáng trong năm 2023. Kế hoạch trong năm mới, Công ty cổ phần Phúc Sinh sẽ tiếp cận thêm nhiều thị trường để mở rộng thị phần xuất khẩu. Ðồng thời, doanh nghiệp đầu tư xây dựng thêm bốn nhà máy để bảo đảm năng lực sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu các đơn hàng. "Trước mắt, chúng tôi có hai nhà máy hoàn thành, đưa vào hoạt động; đến năm 2024 sẽ có thêm hai nhà máy nữa. Chúng tôi đã nỗ lực lớn để đạt mức tăng trưởng hơn 35% trong năm 2022, mục tiêu năm nay là chinh phục mức 39%", ông Thông cho biết thêm. Vừa xuất khẩu sang châu Âu 100 tấn các sản phẩm ống hút gạo Ohuga, các sản phẩm bún, phở khô, công nhân Công ty TNHH Sản xuất thương mại Khánh Hà (Khánh Hà Food) lại tiếp tục làm hàng cho đối tác ở Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan… Giám đốc Công ty Khánh Hà Food Trương Thị Hồng Hà cho hay: Hiện sản phẩm không đủ sản lượng cung ứng, phải từ chối bớt đơn hàng của đối tác nước ngoài. Lý giải việc có nhiều đơn hàng xuất khẩu, bà Hà cho rằng, do đơn vị đã chủ động vùng nguyên liệu, tự trồng và đưa vào sản xuất theo quy trình khép kín, không thông qua khâu trung gian cho nên giá thành sản phẩm đầu cuối có giá rẻ hơn 20% so với trước. "Rất mừng khi vừa trở lại sau những ngày nghỉ Tết đã có nhiều đối tác tìm đến ký hợp đồng, chúng tôi đặt mục tiêu đạt sản lượng hơn 4.000 tấn sản phẩm/năm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Ðồng thời, đẩy mạnh sản lượng trong nước bằng cách mở đại lý ở tất cả các tỉnh, thành phố. Khí thế lao động ngay từ khi trở lại làm việc đã tạo động lực để chúng tôi cố gắng hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm mới", bà Hà chia sẻ.

Trở lại làm việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, cả trăm công nhân Công ty Tân Nhiên chuyên sản xuất bánh tráng khẩn trương làm việc ngày đêm để kịp đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc), Mỹ, châu Âu... "Lô hàng 14 tấn bánh tráng sẽ đưa trực tiếp sang Trung Quốc vào ngày 8/2 và một lô với sản lượng tương tự sẽ xuất sang Hàn Quốc vào 20/2. Trước đó, trong tháng 1/2023, công ty cũng xuất khẩu 40 tấn bánh tráng. Chúng tôi đang tăng tốc, làm việc ngày, đêm để kịp thời gian đã ký kết với đối tác", Giám đốc Công ty Tân Nhiên chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Thái Hoàng chia sẻ. Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2023, xuất khẩu nông sản đã có những tín hiệu khởi sắc. Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group Nguyễn Ðình Tùng chia sẻ: Ðơn hàng xuất khẩu trái cây tươi ghi nhận tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm trước, các sản phẩm truyền thống duy trì đơn hàng ổn định. Ðáng chú ý, trái bưởi xuất sang Mỹ và sầu riêng vào Trung Quốc góp phần vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Theo ông Tùng, nhu cầu của thị trường, sức mua tại châu Âu và Mỹ đang phục hồi nhanh hơn so với dự báo.

Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với các biến động bất lợi để tận dụng cơ hội xuất khẩu, nhà sáng lập thương hiệu cà-phê nông sản Meet More Nguyễn Ngọc Luận cho rằng, các doanh nghiệp cần tập trung điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh để thích ứng, thay vì xây dựng kế hoạch dài hạn từ một đến hai năm thì cần linh hoạt chuyển sang kế hoạch ngắn hạn từ ba đến sáu tháng, thậm chí điều chỉnh cho từng tháng. Bởi kế hoạch dài hạn đòi hỏi doanh nghiệp phải có đội ngũ nhân sự đông để điều tiết, đầu tư vốn lớn cho tích trữ nguyên liệu nhưng trong bối cảnh không đoán định được thị trường thì việc đầu tư đó sẽ đi cùng rủi ro, nhất là rủi ro về mất cân đối tài chính đối với những doanh nghiệp vay ngân hàng lãi suất cao. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, mỗi doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có chiến lược, giải pháp cụ thể, phù hợp để sẵn sàng thích ứng với các điều kiện khắc nghiệt hoặc thay đổi bất ngờ của thị trường. Có ba vấn đề chính doanh nghiệp xuất khẩu cần chuẩn bị kỹ lưỡng đó là nguồn tài chính, nguồn nhân lực vững chắc, chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất... Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Nguyễn Ngọc Hòa, hiện nguồn vốn cho vay với lãi suất ưu đãi chỉ tập trung cho các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng quy mô nhà xưởng, dây chuyền sản xuất; còn với những doanh nghiệp cần vốn lưu động để sản xuất thì phải vay với mức lãi suất khoảng 12%, rất khó để doanh nghiệp có lãi và tích lũy. Do vậy, ông Hòa đề xuất cần phải linh hoạt và đa dạng nguồn vốn vay để tạo thêm nội lực cho doanh nghiệp trong nước tăng tốc sản xuất. Về phía hiệp hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến giao thương, kết nối thị trường để tăng đơn hàng cung ứng cho doanh nghiệp. Giám đốc Sở Công thương thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết: Trong năm 2023, doanh nghiệp vẫn còn đối diện nhiều khó khăn. Cụ thể là sức mua giảm ở các thị trường xuất khẩu cho nên ảnh hưởng đến một số ngành, doanh nghiệp phải ngừng hoặc điều chỉnh quy mô sản xuất. Ngoài ra, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vẫn còn khó và chi phí nguyên vật liệu tiếp tục gia tăng. "Sở đã thực hiện các nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy công nghiệp phát triển, trong đó khuyến khích và hướng dẫn chuyển đổi số và sản xuất xanh", ông Vũ nhấn mạnh.