Tín hiệu vui của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ

NDO - 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6.14 tỷ USD (tăng 23.6%) so cùng kỳ năm 2023. Theo ghi nhận, đơn hàng của các doanh nghiệp đang tăng lên, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến tháng 6, thậm chí đến hết năm. Đây là những tín hiệu vui, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần gỗ Minh Dương (Bình Dương).
Sản xuất sản phẩm gỗ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần gỗ Minh Dương (Bình Dương).

Hiện cả nước có khoảng 6.000 doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ, trong đó có hơn 5.000 doanh nghiệp tư nhân, 250 doanh nghiệp nhà nước và hơn 660 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong số này, hiện mới có 810 doanh nghiệp có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm nằm trong hệ thống kiểm soát để truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp, được cấp chứng nhận.

Năm nay, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 17,5 tỷ USD. Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị, chỉ tiêu đặt ra cho năm 2024 của ngành gỗ là khá cao, đặc biệt trong bối cảnh xung đột chính trị đang kéo dài và khó đoán định, cả yếu tố đầu ra và đầu vào của xuất khẩu đều khó khăn. Tuy vậy, thị trường quốc tế cũng đã bắt đầu xuất hiện những điểm sáng như nhu cầu tiêu dùng tăng sau những năm đại dịch, giá vận tải giảm… sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bứt phá, phát triển thêm thị trường xuất khẩu.

Đến nay, nội lực của doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đã và đang được cải thiện rất lớn. Các doanh nghiệp đang thay đổi mạnh mẽ tư duy quản lý, quản trị doanh nghiệp theo mô hình chuyên nghiệp, đầu tư công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng, cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và công nghệ thân thiện với môi trường trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Về công nghệ sản xuất, các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư thiết bị hiện đại với hệ thống dây chuyền sản xuất tự động, sản xuất được với nhiều chi tiết sản phẩm phức tạp, tiết kiệm nguyên vật liệu trong quá trình sản xuất.

Nhìn chung thời gian qua các doanh nghiệp đã có những nỗ lực trong cải tiến công nghệ sử dụng trong chế biến đồ gỗ. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư, ứng dụng các loại công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường với hệ thống dây chuyền sản xuất tự động trong chế biến gỗ, tạo ra những chi tiết phức tạp, tiết kiệm nguyên liệu, giúp doanh nghiệp có được sản phẩm có kết cấu, mẫu mã mới đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng cao cấp về chất lượng và mỹ thuật, sản phẩm phối kết với kim loại, đá. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư, nghiên cứu và đưa vào ứng dụng sản xuất và cung ứng thiết bị máy móc, sản phẩm phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào bên ngoài, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm như: các hệ thống máy móc thiết bị ép, bào, phân loại gỗ, sơn, keo, vật liệu trang trí bề mặt, vật liệu gắn kết cấu kiện sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm.

Về lao động làm việc trong các doanh nghiệp chế biến gỗ tăng cả số lượng, chất lượng. Hiện cả nước có hơn 500.000 lao động, trong đó lao động được đào tạo, làm việc ổn định chiếm 55-60%. Lực lượng lao động này đã làm chủ việc vận hành, sử dụng thiết bị, công nghệ mới, thay thế công việc do chuyên gia nước ngoài thực hiện trước đây, còn lại là lao động giản đơn theo mùa vụ chiếm khoảng 40-45% tổng số lao động. Mặt khác, nguồn nhân lực dồi dào từ cơ cấu dân số trẻ và sự khéo léo, tỉ mỉ, sáng tạo của người Việt Nam đang tạo đà cho ngành sản xuất, chế biến gỗ phát triển bền vững.

Ngoài ra, ngành chế biến gỗ còn thu hút hàng triệu lao động ở khu vực nông thôn miền núi trực tiếp đóng góp công sức để gây trồng tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất chế biến lâm sản. Tổng nhu cầu gỗ nguyên liệu phục vụ ngành chế biến gỗ nước ta khoảng 40 triệu m3 gỗ quy tròn mỗi năm, trong đó, nguồn nguyên liệu gỗ khai thác trong nước ước đạt 30 triệu m3, chiếm 75%, khai thác từ rừng trồng tập trung 20,5 triệu m3; khai thác từ cây trồng phân tán và gỗ cao su khoảng 9,6 triệu m3; nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu khoảng 8,5 triệu m3 gỗ, chiếm 25% tổng khối lượng gỗ của ngành chế biến. 100% gỗ nguyên liệu trong nước và gỗ nhập khẩu phục vụ ngành chế biến lâm sản, có hồ sơ lâm sản hợp pháp, bảo đảm truy xuất nguồn gốc theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các nguồn lâm sản ngoài gỗ trong nước như tre, nứa, song, mây, tinh dầu nhựa, các loài cây thuốc, dược liệu dưới tán rừng,… rất phong phú. Hiện tại nước ta có khoảng 1,4 triệu ha tre, tương đương 6,2 tỷ cây. Cả nước có 37 tỉnh có rừng tre tập trung, trong đó 23 tỉnh có diện tích tre từ 10.000ha trở lên. Trong số 40 loài tre nứa, có 9 loài có giá trị kinh tế là vầu, lồ ô, tre, tre gai, mạnh tông, luồng, tầm vông, trúc sào, mai và diễn. Các loài tre có giá trị thương mại cao là luồng, trúc và tầm vông. Cả nước có khoảng 30.000ha mây, phân bố ở 28 tỉnh trên cả nước và hầu hết là mây tự nhiên. Khác với nguồn nguyên liệu gỗ có thể nhập khẩu, nguồn nguyên liệu tre nứa, song mây phục vụ sản xuất hầu hết được đáp ứng từ trong nước.

Thị trường gỗ và lâm sản Việt Nam đang duy trì xuất khẩu sang thị trường của 140 quốc gia, vùng lãnh thổ. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản trong những năm gần đây luôn tăng trưởng, đứng trong nhóm 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực (hơn tỷ 1 USD) của Việt Nam. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Ngô Sỹ Hoài cho rằng, đến nay các thị trường tiêu dùng hàng hóa lớn như Mỹ, châu Âu đang đón những tín hiệu tốt dần lên, nhờ đó thúc đẩy các đơn hàng xuất khẩu tăng, trong đó có nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Thêm vào đó, tại thời điểm hiện nay, giá cước vận chuyển đường biển đã giảm sâu cũng góp phần đáng kể, giúp các nhà nhập khẩu giảm đáng kể áp lực về chi phí và mạnh dạn hơn trong kế hoạch đặt hàng trở lại. Sự kiên trì, linh hoạt trong việc tìm kiếm thị trường mới và đầu tư đúng hướng của các doanh nghiệp sẽ sớm đưa ngành xuất khẩu gỗ trở lại đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu xuất khẩu đặt ra.