Cải thiện quan hệ chính trị
Trong thông báo mới nhất, Phó Tổng thống thứ nhất của Iran Mohammad Mokhber xác nhận rằng, Tổng thống nước này Ebrahim Raisi đã nhận lời mời của Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud của Saudi Arabia và sẽ sớm thực hiện chuyến công du tới quốc gia Arab. Đây sẽ là chuyến thăm cấp cao đầu tiên kể từ khi hai nước đạt thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao.
Trước đó, trong thông báo trên mạng xã hội Twitter, Văn phòng Tổng thống Iran cho biết, Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud đã gửi thư mời Tổng thống Ebrahim Raisi thăm chính thức Saudi Arabia. Trong thư, Quốc vương Saudi Arabia nhắc lại hoan nghênh thỏa thuận khôi phục quan hệ song phương giữa “hai quốc gia anh em”, đồng thời kêu gọi nỗ lực đẩy nhanh hợp tác giữa Riyadh và Tehran về kinh tế và các vấn đề khu vực.
Quan hệ ngoại giao Iran và Saudi Arabia bị cắt đứt hồi đầu năm 2016 do tranh cãi chung quanh vụ tấn công nhằm vào các cơ quan ngoại giao Saudi Arabia tại Iran sau khi Riyadh tử hình một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite.
Sau nhiều nỗ lực của cả hai nước cùng vai trò trung gian của Trung Quốc, ngày 10/3 vừa qua, Iran và Saudi Arabia đã nhất trí tái thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên cam kết mở lại các đại sứ quán và phái đoàn đại diện ở mỗi nước trong vòng hai tháng.
Phó Tổng thống Iran Mohammad Mokhber nhấn mạnh: Việc cải thiện quan hệ giữa Nhà nước Hồi giáo Iran với các quốc gia Arab trong khu vực là một trong những ưu tiên chiến lược mà Tehran theo đuổi và nỗ lực đạt được, kể từ khi Tổng thống Ebrahim Raisi nhậm chức.
Tăng cường hợp tác kinh tế
Tại cuộc họp hồi đầu tuần, Phòng Thương mại, Công nghiệp, Mỏ và Nông nghiệp Iran (ICCIMA) thông báo về kế hoạch mở văn phòng thương mại chung giữa Iran và Saudi Arabia. Theo ông Keyvan Kashefi, thành viên Hội đồng Chủ tịch ICCIMA, cơ quan này được giao phụ trách phối hợp đối tác Saudi Arabia thành lập văn phòng thương mại chung giữa hai nước.
Iran cũng lên kế hoạch trao đổi các phái đoàn kinh doanh với Saudi Arabia, được khởi động ngay sau khi hai bên bổ nhiệm các đại sứ, mở lại các đại sứ quán và phái đoàn đại diện tại mỗi nước.
Ông Kashefi cũng cho biết, mục tiêu bình thường hóa quan hệ Iran-Saudi Arabia là trọng tâm chương trình nghị sự chính trị và kinh tế của Tehran trong một tháng qua. Khu vực tư nhân của Iran hoan nghênh “sự tương tác mang tính xây dựng và tích cực” với Saudi Arabia và đã bắt tay lên các kế hoạch hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.
Theo ông Kashefi, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp ở Iran cho rằng, quyết định bình thường hóa quan hệ giữa Tehran và Riyadh có tác động tích cực đến kinh tế Iran và đây là một cơ chế rất hữu ích, khi hai nước có tiềm năng hợp tác lớn nhất là trong lĩnh vực dầu khí và công nghệ. Cộng đồng doanh nghiệp Iran hy vọng, sự tương tác tích cực giữa hai nước tiếp tục được duy trì và mở rộng.