Báo cáo của Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 9/9 cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này trong kỳ từ tháng 3-6/2024, sau khi đã điều chỉnh, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này không thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,1% đưa ra trong lần công bố sơ bộ hồi trung tuần tháng 8. So với quý I, GDP quý II của Nhật tăng 0,7%. Số liệu thống kê trên cho thấy, bức tranh kinh tế Nhật Bản đã sáng lên rất nhiều sau chuỗi nhiều tháng dài ảm đạm.
Cùng với kinh tế khởi sắc, đồng nội tệ của Nhật Bản đã mạnh lên đáng kể trong những tuần gần đây. Trong phiên chiều 13/9, đồng yên đạt mức 140,67 yên/USD, tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay. Chỉ hai ngày trước đó, hôm 11/9, đồng yên đạt mức cao nhất trong năm 2024 là 140,72, sau khi nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Junko Nakagawa cho biết quyết định tăng lãi suất sẽ dựa trên số liệu kinh tế.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng tại Mizuho Securities Shoki Omori, việc gia tăng khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp vào tuần tới đã tạo động lực tăng giá cho đồng yên của Nhật Bản, khi điều này sẽ thu hẹp mức chênh lệch lãi suất đáng kể giữa Mỹ và Nhật Bản, nguyên nhân khiến đồng yên yếu.
Hiện giới chuyên gia tài chính của Nhật Bản dự báo đồng nội tệ của nước này có khả năng còn mạnh lên trong những tuần tới. Họ đang theo dõi khả năng đồng yên tăng giá hơn nữa, khi số liệu doanh số bán lẻ tháng 8/2024 của Mỹ được công bố trước cuộc họp của FED vào tuần tới. Theo đó, đồng yên có thể tăng lên mức 138 yên/USD. Giới phân tích nhận định, các số liệu cho thấy kinh tế “Đất nước mặt trời mọc” đang phục hồi tích cực.
Kinh tế Nhật Bản gặp khó khăn do lạm phát
Nền kinh tế này đã tăng trưởng trong quý II/2024 với tốc độ chậm hơn một chút so với ước tính ban đầu của chính phủ, nhưng vẫn đủ vững mạnh để Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) duy trì xu hướng tăng lãi suất vào cuối năm nay. Thống đốc BoJ Kazuo Ueda tin tưởng rằng, đà phục hồi kinh tế từ từ sẽ vẫn tiếp tục. Nền kinh tế Nhật Bản được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý III này với tốc độ tăng trưởng đạt 1,7% và vượt ước tính cao nhất của BoJ là 1%.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế thận trọng hơn vẫn chưa hết hoài nghi về khả năng phục hồi nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình Nhật Bản, do nước này đã phải “vật lộn khó khăn” với lạm phát dai dẳng. Chỉ số chính về lạm phát tiêu dùng đã duy trì ở mức tương đương hoặc cao hơn mục tiêu 2% của BoJ trong suốt 28 tháng qua. Mặc dù tiền lương thực tế cuối cùng đã ngừng giảm sau hơn hai năm, nhưng chi tiêu của người tiêu dùng Nhật Bản vẫn dưới mức trước đại dịch.
Trước khi nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” với những tín hiệu mới tích cực như trên, kinh tế Nhật Bản đã trải qua những chuỗi ngày dài u ám. Hồi giữa tháng 5 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy GDP thực tế của nước này trong quý I/2024 giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 2 quý. So với quý trước đó, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 0,5%.
Kinh tế Nhật đã khởi đầu năm 2024 với quý I đầy khó khăn do nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng của tình trạng lạm phát tăng cao và việc công ty Daihatsu Motor Co. thuộc tập đoàn sản xuất ô-tô Toyota tạm ngừng xuất khẩu sau bê bối gian lận kiểm tra an toàn xe. Trong khi đó, môi trường bên ngoài cũng không thuận lợi với việc xung đột ở Trung Đông gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa; nhu cầu nhập khẩu yếu tại hầu hết các nền kinh tế lớn…
Tăng trưởng phục hồi, lạm phát dần được kiểm soát và “mặt trời tỏa nắng” với kinh tế Nhật là một tín hiệu tích cực đối với kinh tế khu vực và toàn cầu. Cùng với việc kinh tế Mỹ, kinh tế Trung Quốc bớt khó khăn, kinh tế Liên minh châu Âu (EU) tăng trưởng tốt hơn dự báo, kinh tế Nhật phục hồi ổn định đang giúp tạo thêm những “điểm sáng” trên bức tranh chung của kinh tế thế giới năm 2024.