Tín hiệu tích cực trong phân luồng học sinh ở Nghệ An

Thay vì đăng ký xét tuyển vào đại học, nhiều học sinh ở Nghệ An lựa chọn các phương án khác nhau cho con đường học tập hoặc tìm kiếm việc làm. Xu hướng lựa chọn này góp phần quan trọng để công tác phân luồng của địa phương đạt hiệu quả tốt.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học hướng nghiệp của học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Hưng Nguyên.
Giờ học hướng nghiệp của học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Hưng Nguyên.

Mặc dù chưa đến thời điểm làm hồ sơ thi tốt nghiệp THPT và xét nguyện vọng vào đại học, nhưng tại thời điểm này, Trường THPT Nam Đàn 2 về cơ bản đã hoàn thành việc khảo sát nguyện vọng của toàn bộ học sinh lớp 12. Trong số gần 500 học sinh lớp 12 của 10 lớp thì có hai lớp 100% số học sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học, năm lớp tỷ lệ dao động từ 50%-80% có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học và ba lớp 100% số học sinh không có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học.

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đàn 2, Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, không chỉ trong năm học này mà những năm trước, số lượng học sinh lớp 12 không có nguyện vọng xét tuyển vào đại học cũng chiếm khoảng 40%-50%. Theo cô giáo Hiền, ngay trong quá trình học các em đã biết năng lực của mình và không đặt quá nặng vấn đề cần phải vào đại học. Thay vào đó, các em lựa chọn nhiều con đường hướng nghiệp khác phù hợp với năng lực như đi học nghề, xuất khẩu lao động hoặc đi làm công nhân.

Số học sinh đăng ký vào đại học thường là những bạn học khá, giỏi và có khả năng trúng tuyển vào các trường đại học tốp đầu. Về phía nhà trường, trong quá trình hướng nghiệp cũng tư vấn để các em có thể chọn những ngành nghề sao cho đúng năng lực, đúng xu thế phát triển và nhu cầu của xã hội.

Với gần 70% số học sinh không đăng ký xét tuyển đại học, Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 2 Trần Đình Mạnh cho biết, không khó để tìm được những lớp học có tất cả học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT.

Theo thầy Mạnh: “Chi phí học đại học quá đắt đỏ cho nên nhiều gia đình ở khu vực miền núi khó có thể kham nổi. Thế nên các em học xong chủ yếu chỉ muốn đi làm, có thu nhập ngay để giúp đỡ gia đình”. Không chỉ các trường ở vùng núi khó khăn mà ở vùng đồng bằng Nghệ An xuất hiện ngày càng nhiều số học sinh chỉ đăng ký tham gia thi tốt nghiệp THPT, không xét tuyển đại học; có nguyện vọng đăng ký học trường nghề, đi du học hay xuất khẩu lao động.

Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Diễn Châu) Nguyễn Văn Nam cho biết: Chỉ một tỷ lệ nhỏ học sinh ở trường đăng ký xét tuyển vào đại học, còn lại hầu hết đều đi xuất khẩu lao động, thậm chí có những em lớp 11 đã nghỉ học để đi. Một số ít các em không có điều kiện sẽ chọn đi học nghề hoặc đi làm ngay sau khi tốt nghiệp. Về phía các nhà trường, trước sự thay đổi này, công tác hướng nghiệp cũng đã phải thay đổi để thích ứng nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.

Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên) Nguyễn Thị Thanh Thủy, việc hướng nghiệp ở các trường phổ thông đang có những bất cập và theo chương trình cũ, mỗi năm học sinh chỉ có chín tiết hướng nghiệp.

Trong bối cảnh nêu trên, giáo viên chủ nhiệm, Đoàn trường đã mở rộng và đổi mới hình thức hướng nghiệp thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, mời các trường đại học về trực tiếp tư vấn tuyển sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm cập nhật các thông tin tuyển sinh, xu hướng nghề nghiệp để tư vấn, định hướng cho học sinh.

Ngoài những hình thức nêu trên, hiện nay các nhà trường đang sử dụng khá linh hoạt mạng xã hội để kịp thời cung cấp những thông tin chính thống cho học sinh cuối cấp.

Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Nguyễn Trọng Hoàn cho biết: Việc phân luồng, hướng nghiệp cho các em học sinh không có khả năng xét trúng tuyển đại học là cần thiết; để sau khi các em tốt nghiệp THPT xong có thể vào học ở các trường nghề.

Vì vậy, ngành giáo dục Nghệ An yêu cầu các nhà trường tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương phân luồng, hướng nghiệp một cách cụ thể cho học sinh và cha mẹ học sinh. Các giáo viên chủ nhiệm phải nắm chắc lực học cũng như gia cảnh, nguyện vọng của từng học sinh để có lời khuyên hướng nghiệp phù hợp, góp phần thực hiện công tác phân luồng học sinh hiệu quả.