Tín hiệu khởi sắc của điện ảnh

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 với thông điệp “Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức vừa khép lại bằng dư âm tốt đẹp. Phim truyện điện ảnh “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đoạt tới 5 giải thưởng quan trọng, trong đó có Bông sen vàng.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong phim "Tro tàn rực rỡ" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.
Cảnh trong phim "Tro tàn rực rỡ" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 là kỳ liên hoan phim có số lượng tác phẩm tham dự nhiều nhất từ trước tới nay với thể loại phong phú, hấp dẫn. Từ 177 bộ phim gửi đăng ký, Hội đồng đã tuyển chọn được 146 bộ phim (91 bộ phim dự thi, 56 bộ phim trong chương trình toàn cảnh). Chương trình phim dự thi có 16 phim truyện, 31 phim tài liệu, 19 phim khoa học, 25 phim hoạt hình. Chương trình toàn cảnh có 14 phim truyện, 20 phim tài liệu, 4 phim khoa học, 18 phim hoạt hình.

Những tín hiệu khởi sắc

Giải thưởng Bông sen vàng kỳ liên hoan này được trao cho các tác phẩm: “Tro tàn rực rỡ” (hạng mục Phim truyện điện ảnh, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên); “Những đứa trẻ trong sương” (hạng mục Phim tài liệu, đạo diễn Hà Lệ Diễm), “Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy” (hạng mục Phim khoa học, đạo diễn Hà Xuân Trường), “Giấc mơ của con” (hạng mục Phim hoạt hình, Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam).

Nhìn vào danh sách phim dự thi năm nay, có thể thấy sức hút của liên hoan phim với các thế hệ làm điện ảnh nước nhà. Bên cạnh thế hệ đạo diễn gạo cội có phim tham dự còn là những bộ phim mang tính thể nghiệm như dự án của các sinh viên đến từ Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội… Đáng mừng, một số bộ phim Nhà nước đặt hàng gần đây có mặt ở các hạng mục phim dự thi và chương trình toàn cảnh, như: “Đào, phở và piano”, “Hồng Hà nữ sĩ” (phim dự thi); “Phượng cháy”, “Phơi sáng” (chương trình toàn cảnh). Ngoài ra, hàng chục bộ phim tư nhân đầu tư sản xuất đã tăng thêm mức độ kịch tính cho cuộc đua giành giải thưởng Bông sen vàng.

Ở hạng mục được chú ý nhất là Phim truyện điện ảnh, theo đánh giá từ giới chuyên môn, các tác phẩm dự thi năm nay khá đa dạng về đề tài, xu hướng và ít nhiều tạo nên sự khác biệt trong phong cách nhờ sự hội tụ của đội ngũ đạo diễn thuộc các thế hệ khác nhau, theo đuổi dòng phim khác nhau.

Trong khi đó, hạng mục Phim tài liệu và Phim khoa học chất lượng được nâng cao, các vấn đề khai thác hấp dẫn, có sức hút. Hạng mục Phim hoạt hình cũng cho thấy những bước tiến vượt bậc về kỹ thuật sản xuất của các nhà làm phim Việt Nam. Thành tích nổi bật của “Tro tàn rực rỡ” là tác phẩm này từng thắng giải cao nhất tại Liên hoan phim ba lục địa ở Pháp, cũng như Cánh diều vàng 2023.

Ngoài Bông sen vàng, phim còn giành các giải: Âm nhạc xuất sắc, Quay phim xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc, Nam phụ xuất sắc. Đây cũng là tác phẩm điện ảnh của Việt Nam được chọn dự thi Oscar 2024. Chiến thắng của “Tro tàn rực rỡ” còn cho thấy dòng phim nghệ thuật vẫn luôn được chào đón và ghi nhận. Khi phát hành, bộ phim không đạt được doanh thu ấn tượng, song phản hồi từ công chúng lẫn giới chuyên môn đều mang tính tích cực.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (sinh năm 1986) - giám khảo trẻ tuổi nhất của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 nhận định, đây là kỳ liên hoan phim đặc biệt nhất từ trước đến nay. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, doanh thu phòng vé vài năm qua ảm đạm nhưng sang năm 2023, tình hình có nhiều đổi khác. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh thị trường điện ảnh có sự hồi phục đáng kinh ngạc.

Tới thời điểm này, có thể thống kê sơ bộ, tổng doanh thu phòng vé của năm 2023 cũng lập luôn kỷ lục phòng vé. Một điểm nhấn quan trọng là sự trở lại của các thế hệ vàng của điện ảnh Việt Nam gần như xuất hiện cùng lúc, như các đạo diễn: Đặng Nhật Minh (phim “Hoa nhài”), Phi Tiến Sơn (phim “Đào, phở và piano”), Lưu Huỳnh (phim “Mẹ ơi, Bướm đây”)... Ở thế hệ sau có: Bùi Thạc Chuyên, Vũ Ngọc Đãng, Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh... Bên cạnh đó, sự xuất hiện của rất nhiều dự án phim độc lập do các nhà làm phim trẻ thực hiện đã mang lại màu sắc mới, thể hiện tính kết nối thế hệ của điện ảnh nước nhà.

Chinh phục khát vọng mới

Trong các đơn vị tham dự liên hoan phim năm nay, rầm rộ nhất phải kể đến Điện ảnh Quân đội nhân dân với 12 tác phẩm cùng đội ngũ làm phim khoác trên mình bộ quân phục mầu xanh áo lính đã để lại ấn tượng sâu sắc với giới làm phim cũng như đông đảo người yêu điện ảnh. Phim khoa học “Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy” (đạo diễn Hà Xuân Trường, biên kịch Nguyễn Đức Thực) của đơn vị đã đoạt giải Bông sen vàng. Bộ phim giới thiệu tới khán giả những phương tiện chữa cháy mới, hiện đại của quân đội ta cùng những phương pháp áp dụng vào việc phòng cháy, chữa cháy trong sinh hoạt, sản xuất hằng ngày.

Phim tài liệu “Bầu trời của hòa bình” (đạo diễn Bùi Thanh Hải, biên kịch Hà Đình Cẩn, biên tập Nguyễn Thu Dung) của đơn vị cũng đoạt giải Bông sen bạc. Phim thể hiện những chính sách nhân đạo của Việt Nam đối với các tù binh phi công Mỹ những năm 1972-1973, đặc biệt là cảm xúc của các tù binh phi công Mỹ khi họ ở trại giam Hà Nội và sau khi được trở về với gia đình. Với góc nhìn của những người sinh ra, lớn lên sau chiến tranh, bộ phim cũng cho thấy một Hà Nội-Việt Nam đầy quả cảm, bao dung, đã vượt lên những đổ nát, hy sinh, đau thương để xây dựng lại cuộc sống thanh bình, hy vọng.

Theo thống kê từ Ban tổ chức, trong năm ngày diễn ra liên hoan phim, hơn 10.000 lượt khán giả đã đến xem phim tại hệ thống rạp ở thành phố Đà Lạt và huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng; 1.350 lượt khán giả xem và giao lưu với các đoàn làm phim tại Trường đại học Đà Lạt, Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng và Học viện Lục quân của tỉnh; 8.500 lượt khán giả xem phim trong 30 buổi chiếu phim lưu động tại các huyện Lâm Hà, Đam Rông, Đức Trọng, Đơn Dương, trong đó có 7.500 lượt người xem là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Trong khuôn khổ sự kiện, triển lãm “Đà Lạt - khơi nguồn cảm hứng điện ảnh” thu hút 1.500 lượt du khách và nhân dân thưởng thức; lễ khai mạc vào ngày 21/11 được diễn ra trong không gian rộng lớn tại Quảng trường Lâm Viên đã có hơn 5.000 khán giả và hơn 350 nghệ sĩ tham dự, gần 500.000 lượt khán giả theo dõi trên các nền tảng số.

Điều đặc biệt, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, toàn bộ các phim thuộc chương trình đều được chiếu dành tặng công chúng khán giả và du khách đến Đà Lạt. Những con số và hoạt động ấn tượng trên góp phần khẳng định liên hoan phim đã dần đi vào đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân với sức hấp dẫn đặc biệt. Đó cũng là tín hiệu khả quan để kích cầu điện ảnh, du lịch phát triển.

Trải qua giai đoạn khó khăn, điện ảnh Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, ngày càng khẳng định sự nỗ lực, chuyên nghiệp và đổi mới trong quản lý, sản xuất, quảng bá và phát hành, phổ biến phim. Chất lượng phim dần được nâng cao, giải thưởng thuyết phục đã tác động tích cực đến việc hình thành một bộ phận khán giả yêu điện ảnh, đồng thời thu hút nhiều hơn nữa đội ngũ nhà đầu tư, nhà sản xuất trong và ngoài nước, thúc đẩy hoạt động điện ảnh phát triển mạnh mẽ hơn với điểm nhấn quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.