Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, kết quả này phù hợp tăng trưởng kinh tế thành phố quý I/2024. So cùng kỳ 3 năm gần đây, tín dụng quý I/2024 tăng trưởng thấp hơn.
Tuy nhiên, tín dụng tăng trưởng cao trở lại trong tháng 3/2024, với mức tăng 1,9% (sau khi tín dụng tăng trưởng âm 0,93% trong tháng 1/2024 và chỉ tăng 0,01% trong tháng 2/2024), mức tăng này có ý nghĩa quan trọng và phản ánh xu hướng tích trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và yêu cầu về hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Lệnh, tín dụng tăng trưởng trong tháng 3/2024 ở mức 1,9%, là mức tăng trưởng cao so cùng thời điểm các năm gần đây (tháng 3/2023 tín dụng tăng 1,4%; năm 2022 tăng 3,5% và năm 2021 tăng 1,8%).
Điều này không chỉ phản ánh sự phù hợp và yếu tố tác động thuận lợi từ tăng trưởng kinh tế, từ hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ và du lịch trên địa bàn thành phố mà còn phản ánh xu hướng tăng trưởng trở lại của tín dụng trên địa bàn trong quý I/2024.
Tín dụng Thành phố Hồ Chí Minh tháng 1/2024 giảm 0,93%
Riêng cho vay tiêu dùng cá nhân, các ngân hàng đã giải ngân từ gói 20.000 tỷ với lãi suất ưu đãi trên địa bàn thành phố đạt gần 259 tỷ đồng, cho 10.554 khách hàng. Các khoản vay nhỏ lẻ này có ý nghĩa lớn bởi đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ đời sống của người dân, nhất là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp-khu chế xuất, góp phần cải thiện đời sống người dân và bảo đảm an sinh xã hội, cũng như góp phần phòng, chống và hạn chế tín dụng đen trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng, nếu xu hướng tăng trưởng kinh tế, cũng như tăng trưởng tín dụng hiện nay tiếp tục được duy trì tốt trong tháng 4/2024 và các tháng tiếp theo, sẽ là cơ sở nền tảng để một chu kỳ tăng trưởng mới của nền kinh tế và tín dụng được bắt đầu. Đây sẽ là chỉ dấu tích cực cho sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của kinh tế trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức.