Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có được việc làm, từng bước nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ các xã đạt chuẩn nông thôn mới; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng.
Toàn tỉnh Long An có hơn 123.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách xã hội, tổng số dư nợ hơn 6.000 tỷ đồng, tăng gần 3.870 tỷ đồng so với năm 2014.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Chỉ thị số 40 đã thật sự đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả góp phần thay đổi căn bản diện mạo tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Long An.
Bên cạnh hiệu quả thì hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Long An, vẫn còn một số khó khăn nhất định đó là nguồn vốn cho vay còn thấp so với nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng. Các hộ dân vùng biên giới còn nhiều khó khăn hơn các khu vực khác nhưng chưa có chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ sản xuất kinh doanh để bà con an tâm bám đất giữ biên giới. Hộ dân có mức sống trung bình chưa được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách….
Long An kiến nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí thêm nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách, chương trình hỗ trợ tạo việc làm để góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho các đối tượng chính sách xã hội, lao động nông thôn, lao động bị mất việc làm... Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho bổ sung hộ dân vùng biên giới và hộ mức sống trung bình được thụ hưởng một số chương trình cho vay để sản xuất kinh doanh, xây dựng, sửa chữa nhà ở…
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đánh giá cao sự nỗ lực của Long An về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 trong điều kiện tỉnh đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp thuần nông sang công nghiệp và dịch vụ.
Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40 đạt hiệu quả cao hơn, ông Nguyễn Hồng Sơn đề nghị các Cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm hơn nữa đối với các hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Tiếp tục tăng cường sự quán triệt những nhiệm vụ và giải pháp vẫn đang còn nguyên giá trị của Chỉ thị số 40 và kết luận số 06, đặc biệt là tính nhân văn tính sáng tạo trong việc thực hiện chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế gắn liền với phát triển xã hội; đồng thời, tỉnh quan tâm hơn nữa việc phân bổ nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang cho tín dụng chính sách xã hội.
Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương đi khảo sát thực tế hộ dân trồng thanh ở xã Bình Quới (Châu Thành, Long An). |
Đối với Ngân hàng chính sách xã hội Long An cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm của tín dụng xã hội trong giai đoạn Long An đang triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Đây là giai đoạn phải thực hiện các mục tiêu cao hơn về phát triển kinh tế-xã hội để thích ứng nhiều hơn với những thay đổi của biến đổi khí hậu, chuẩn nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Trước đó, đoàn đã đến thăm hộ dân Phan Văn Bảy và Trần Văn Đôi, ấp Bình Xuyên (xã Bình Quới, Châu Thành). Đây là 2 trong số hơn 490 hộ còn dư nợ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội.