Xúc tiến phát triển “buýt thủy”, “buýt điện”

Cùng với việc hoàn thành nạo vét, chỉnh trang đô thị dọc ba lưu vực kênh quan trọng nhất TP Hồ Chí Minh: Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé, thành phố đang xúc tiến mạnh mẽ cho việc ra đời loại hình vận tải “buýt thủy” mà địa bàn hoạt động chủ yếu là các kênh trong ba lưu vực nêu trên và sông sài gòn. Đồng thời, thành phố cũng sẽ triển khai “buýt điện” trong khu vực nội thành.

Bến tàu phục vụ khách du lịch trên sông Sài Gòn.
Bến tàu phục vụ khách du lịch trên sông Sài Gòn.

Đối tượng phục vụ chủ yếu mà loại hình “buýt thủy” nhắm tới là du khách và một phần hành khách có nhu cầu đi lại trong nội đô thích được ngắm cảnh quan sông nước trong suốt hành trình của mình. Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, trước đây, đã có nhà đầu tư xin được đầu tư khai thác mạng lưới sông, kênh thành phố để làm “buýt thủy”. Tuy nhiên, do một chút vướng mắc trong việc xác định hình thức đầu tư các bến cho thuyền dừng, đậu và đón khách nên mọi việc phải dừng lại.

Đầu tư bến bãi đòi hỏi nhiều vốn và đặc biệt gắn với công tác đền bù giải phóng mặt bằng nên nhiều nhà đầu tư ngán ngại. Trong khi đó, ngân sách nhà nước lại khó cân đối để đầu tư vào đây. Cân nhắc nhiều lần, mới đây, nhà đầu tư (đã xin đầu tư trước đây) trình lại phương án khai thác “buýt thủy” với việc nhà đầu tư xem xét đầu tư luôn cả các bến. Nhà nước chỉ hỗ trợ bằng cơ chế chính sách. Ông Lê Hoàng Minh cho biết, phương án của nhà đầu tư còn phải chờ lãnh đạo thành phố xem xét, nhưng quan điểm của thành phố rất rõ ràng: Hoàn toàn ủng hộ các doanh nghiệp đầu tư phát triển giao thông thủy. Vì thế, với đề án đầu tư “buýt thủy” đã hoàn thiện hơn, hy vọng thành phố sớm hình thành và đưa vào hoạt động những chiếc “buýt thủy” đầu tiên. Việc này không chỉ giúp phát triển giao thông vận tải mà còn giúp cho tôm, cá, rong rêu... trên chính những dòng kênh có điều kiện phục hồi và phát triển (các chuyên gia Khu Quản lý đường sông thành phố cho hay, việc tàu, thuyền hoạt động nhiều trên sông, kênh sẽ thúc đẩy mạnh quá trình trao đổi không khí dưới mặt nước, giúp hệ sinh vật phát triển).

Còn loại hình “buýt điện” tuy được “thai nghén” sau loại hình “buýt thủy” nhưng cũng đang có những bước phát triển mạnh mẽ không thua kém. Theo ông Lê Hoàng Minh, đang có đến bốn nhà đầu tư xin được đầu tư loại hình vận tải này. Sở GTVT sẽ xin ý kiến UBND thành phố và sẽ tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư.

Nhà đầu tư tham gia trong lĩnh vực này sẽ đầu tư phương tiện cùng các tiện ích khác phục vụ hành khách. Dự kiến, loại xe điện đưa vào hoạt động sẽ có 12 chỗ ngồi. Lộ trình bước đầu của các tuyến xe buýt điện chủ yếu trong khu vực trung tâm, bao gồm các tuyến đường: Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Hàm Nghi... với một chu vi hoạt động trải dài từ Nhà hát thành phố qua khu vực Nhà thờ Đức Bà, Chợ Bến Thành, Công viên 23-9, đường Tôn Đức Thắng... Sẽ có nhiều loại hình vé cho hành khách và du khách lựa chọn. Đó là vé đi theo tuyến, theo giờ, vé đi nửa ngày, vé đi cả ngày...

Nếu loại hình vận tải này hoạt động tốt trong khu vực trung tâm, Sở GTVT thành phố sẽ nghiên cứu mở rộng ra nhiều khu vực khác trong nội thành bởi xe điện không chỉ bảo vệ tốt môi trường mà với hình thức nhỏ sẽ rất thuận tiện cho việc đưa đón khách trong khu vực nội đô đông đúc. Đặc biệt, nhà đầu tư cam kết đầu tư 100%, không nhận tiền trợ giá của Nhà nước. Vì vậy, đây sẽ là một trong những hướng ra rất tốt cho việc phát triển vận tải hành khách công cộng ở thành phố mà lại giảm được gánh nặng trợ giá xe buýt cho ngân sách thành phố. Nếu được thành phố sớm thông qua, Sở GTVT sẽ nhanh chóng tổ chức đấu thầu và đưa “buýt điện” vào hoạt động.