Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4

NDO - Chiều 18/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn”, do Báo Nhân Dân tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của đông đảo kiến trúc sư, chuyên gia kinh tế, đô thị, nhà quản lý. 

Tổng quan dự án cầu Thủ Thiêm 4:

- Mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng

- Chiều dài toàn tuyến: 2.160m

- Điểm đầu: nút giao đường Nguyễn Văn Linh-cầu Tân Thuận 2, quận 7

- Điểm cuối: đường Nguyễn Cơ Thạch, TP Thủ Đức, quận 2

- Có 5 phương án thiết kế cầu được đề xuất với chiều cao tĩnh không 10m, 15m và 45m

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

Hội thảo thu hút đông đảo đại diện cơ quan, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu

Tham dự Hội thảo có các đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch-Kiến trúc, Sở văn hóa… cùng các khách mời là các chuyên gia, các trường, viện, doanh nghiệp, trong nhiều lĩnh vực có liên quan.

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 1

Đông đảo đại diện cơ quan, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu tham gia Hội thảo.

Cận cảnh vị trí dự kiến xây cầu Thủ Thiêm 4 kết nối thành phố Thủ Đức với quận 7

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 2

Cầu Thủ Thiêm 4 có điểm bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh-nút cầu Tân Thuận 2, điểm cuối là đường Nguyễn Cơ Thạch-Thủ Thiêm. Tổng chiều dài toàn tuyến đạt 2.160km.

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 3 Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 4

Về phương án tuyến cụ thể, cầu sẽ chạy từ trước giao lộ cầu Tân Thuận-Nguyễn Văn Linh khoảng 200m rồi đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh hiện hữu, đến ngã tư giao với Huỳnh Tấn Phát thì rẽ trái. Sau đó cầu kết nối vào đường Lưu Trọng Lư, cắt qua khu cảng Tân Thuận; vượt qua sông Sài Gòn và nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Hiến kế để phát huy tối đa tiềm năng phát triển du lịch Cảng Sài Gòn

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân khẳng định, trong những năm qua, để mở rộng không gian phát triển đô thị, giải quyết sự quá tải về hạ tầng giao thông, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực, đầu tư xây dựng và hoàn thành nhiều công trình giao thông quan trọng vượt sông Sài Gòn.

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 5

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại Hội thảo.

Khẳng định tầm quan trọng của cầu Thủ Thiêm 4 với Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí cho rằng, với vị trí cửa ngõ khu vực Cảng Sài Gòn, việc tính toán thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ ảnh trực tiếp đến việc quy hoạch, phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch đường sông của bến cảng Sài Gòn cũng như khu vực sông nước của cả Thành phố Hồ Chí Minh.

“Thiết kế tĩnh không cầu cao, hay phương án cầu xoay, cầu mở sẽ giúp khu vực cảng Sài Gòn đón nhận được tàu biển cập bến, từ đó có thể quy hoạch lại Cảng Sài Gòn thành cảng du lịch quốc tế để phát triển kinh tế ven sông. Ngược lại thiết kế tĩnh không cầu thấp sẽ đánh mất đi tiềm năng sông nước tại khu vực này”, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Với vai trò là cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện hàng đầu đồng thời là cơ quan báo Đảng lớn nhất, Báo Nhân Dân luôn tiên phong phản ánh những vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương và từng lĩnh vực, ngành nghề.

“Hội thảo hôm nay được Báo Nhân Dân tổ chức nhằm lắng nghe ý kiến của lãnh đạo thành phố, ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia quy hoạch đô thị, doanh nghiệp từ đó hiến kế cho lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh những giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng phát triển du lịch Cảng Sài Gòn trong định hướng chuyển đổi Cảng Sài Gòn trở thành cảng du lịch quốc tế, tạo thêm những loại hình du lịch đặc sắc góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch thành phố, đúng với tinh thần của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế trình bày Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cầu Thủ Thiêm 4

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 6

Đại diện Công ty TNHH Tư vấn thiết kế BR trình bày Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cầu Thủ Thiêm 4.

Theo đó, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ chạy từ trước giao lộ cầu Tân Thuận-Nguyễn Văn Linh khoảng 200m rồi đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh hiện hữu, đến ngã tư giao với Huỳnh Tấn Phát thì rẽ trái. Sau đó cầu kết nối vào đường Lưu Trọng Lư, cắt qua khu cảng Tân Thuận; vượt qua sông Sài Gòn và nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế cũng đưa ra 5 phương án thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4, trong đó 3 phương án hướng tới chiều cao tĩnh không 10m; một phương án chiều cao tĩnh không đạt mức 15m và một phương án chiều cao tĩnh không có thể lên tới 45m.

Tiến sĩ Trần Du Lịch: Thành phố Hồ Chí Minh nên tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng-Khánh Hội để xây dựng một cảng du lịch tàu biển

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 7

Tiến sĩ Trần Du Lịch: "TP Hồ Chí Minh nên tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng-Khánh Hội để phát triển du lịch".

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia; Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh từng là thương cảng quốc tế sầm uất. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh nên tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng-Khánh Hội để xây dựng một cảng du lịch tàu biển đón du khách trong và ngoài nước với mục tiêu biến nơi đây thành trung tâm hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế đêm của thế giới. Làm được như vậy, trong tương lai, Thành phố sẽ trở thành trung tâm du lịch quốc tế với thế mạnh là du lịch tàu biển.

Chuyên gia kiến nghị: Về lâu dài, thành phố nên sáp nhập quận 4 vào quận 1, mở rộng đường Nguyễn Tất Thành, tạo điểm nhấn kết nối một dải ven sông từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến Tân Thuận (quận 7), kéo trung tâm thành phố hướng ra bờ sông để tạo điểm nhấn.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Hãy giữ mãi thương hiệu “Thành phố Cảng Sài Gòn”

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết Thành phố Hồ Chí Minh chính là thành phố cảng xuất hiện sớm nhất của Việt Nam theo những tiêu chí phổ quát của thế giới.

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 8

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết Thành phố Hồ Chí Minh chính là thành phố cảng xuất hiện sớm nhất của Việt Nam.

Ôn lại những giá trị lịch sử liên quan đến Cảng Sài Gòn cũng như thành phố mang tên Bác, vị chuyên gia này khẳng định, nếu không quan tâm đến độ tĩnh không của các cây cầu, thì sông Sài Gòn-“vốn đi sâu vào trong lòng thành phố” sẽ có khả năng bị đứt đoạn, qua đó “khai tử không gian cốt lõi” cũng như danh vị "Thành phố Cảng".

Lấy dẫn chứng hai thành phố là Busan của Hàn Quốc và Liverpool của nước Anh là hai trường hợp trái ngược trong việc phát huy lợi thế Thành phố Cảng, ông Dương Trung Quốc khẳng định: Thành phố Hồ Chí Minh đang “ít quan tâm và ý thức” lợi thế của mình về cảng.

“Bài học về cây cầu Ba Son và có thể còn liên quan đến những cây cầu [cầu Thủ Thiêm 3 và cầu Thủ Thiêm 4-PV] với độ thông thủy rất thấp sẽ chặn đứng những con tàu đi sâu vào thành phố như biểu trưng sống động và đầy ‘nhớ nhung’ về một thành phố Cảng đang dễ bị phai mờ và có thể mất hẳn cho dù các cơ sở của công nghệ cảng và logistic có mạnh mẽ đến đâu…”, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định.

PGS, TS Trần Đình Thiên: Cần bảo vệ sông thuần Việt ngay từ lúc này

Tại hội thảo, PGS, TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của Tiến sĩ Trần Du Lịch.

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 9

PGS, TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

PGS, TS Trần Đình Thiên khẳng định, chúng ta cần phải định hình chân dung thành phố tương lai, trong đó cầu Thủ Thiêm 4 có một vai trò vô cùng quan trọng. Thành phố cần tận dụng lợi thế mở do sông Sài Gòn mang lại, không thể lãng phí và chặn “độ mở” bằng một cây cầu có độ tĩnh không thấp.

“Chúng ta nên hình dung Thành phố Hồ Chí Minh như một thành phố hội nhập, gắn với sông nước, với các công trình kiến trúc bên sông và ven sông”, ông Thiên bày tỏ.

Vị chuyên gia cho rằng, trong phương án thiết kế xây cầu cần phải chứng minh tính hiệu quả một cách cụ thể và rõ ràng.

“Đặc biệt, nếu nhìn rộng và xa cho Thành phố Hồ Chí Minh, các con sông như Sài Gòn, Đồng Nai là những con sông thuần Việt rất hiếm. Những con sông này cần được chúng ta tìm mọi cách để bảo vệ, ngay từ thời điểm này”, PGS, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Cần có chính sách liên quan đến việc tiếp nhận các tàu biển lớn được cập cảng biển

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 10

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Trình bày tham luận tại hội thảo, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Đường thủy là một lợi thế, một điểm mạnh của Thành phố cần được khai thác một cách hiệu quả.

Cụ thể, theo bà Hiếu, Thành phố Hồ Chí Minh có 101 tuyến giao thông đường thủy với tổng chiều dài 913km. Thành phố đã triển khai nhiều tuyến đường thủy tập trung ở trung tâm Thành phố, thuận lợi trong việc vận chuyển hành khách kết hợp du lịch đường thủy. Ngoài ra, thành phố có gần 150 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của hơn 100 doanh nghiệp. Sản phẩm du lịch đường thủy ngày càng được đa dạng, từ các tuyến du lịch tầm ngắn, tầm trung, tầm xa, tầm xa liên vận quốc tế và đa dạng các loại phương tiện đường thủy.

Tại hội thảo, đại diện Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra các giải pháp và phương án để phát triển hơn nữa du lịch đường sông cũng như thu hút khách du lịch như tạo cơ chế cho các doanh nghiệp được tham gia xã hội hóa đầu tư các bến tàu du lịch, sự tham gia ủng hộ của các ngành chức năng liên quan đến phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy…

Sở Du lịch Thành phố đề xuất cần đa dạng các tuyến sản phẩm du lịch như tầm ngắn, tầm trung, tầm xa qua việc thêm các loại hình dịch vụ trải nghiệm tại các điểm đến, trên phương tiện thủy; có chính sách liên quan đến việc tiếp nhận các tàu biển lớn được cập cảng biển ở khu vực trung tâm Thành phố nhằm khai thác hiệu quả Cảng Sài Gòn; kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển tuyến vận tải hành khách từ Sài Gòn đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ngược lại…

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 11

Toàn cảnh Hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn”.

95% du khách tới TP Hồ Chí Minh bằng đường thủy muốn tiếp tục đi sâu hơn vào trung tâm thành phố

Thông tin về tình hình du lịch tàu biển nói chung tại Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn khẳng định, với việc phục hồi kinh tế hiện nay, lượng khách du lịch được dự báo sẽ sớm tăng trưởng lại từ 2024 trở đi.

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 12

Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn trình bày tham luận Xây dựng cảng du lịch quốc tế Nhà Rồng-Khánh Hội.

Thực tế cho thấy, 95% du khách tới Thành phố Hồ Chí Minh bằng đường thủy tiếp tục muốn đi sâu hơn vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, phương tiện duy nhất khả thi vẫn chủ yếu là xe cơ giới. Do đó, ông Tâm nhận định, nếu hệ thống giao thông được kết nối tốt hơn sẽ tạo nên một lợi thế cực kỳ lớn về du lịch cho thành phố.

“Sông Sài Gòn là một tài sản quý giá, không chỉ về kinh tế mà còn về cả lịch sử-văn hóa. Do đó, chúng tôi mong muốn lãnh đạo thành phố nghiên cứu đưa ra phương án tĩnh không cầu Thủ Thiêm phù hợp để tiếp tục khai thác và duy trì một thương cảng đã có lịch sử rất lâu đời”, Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn bày tỏ.

Cũng tại hội thảo, ông Lê Chơn Tâm cũng trình bày các lý do để đơn vị này đề xuất xây dựng cảng du lịch quốc tế Nhà Rồng-Khánh Hội trong tương lai.

Tính toán tĩnh không thông thuyền cầu Thủ Thiêm 4 cần tương đồng với quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 13

Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam phát biểu.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Hàng Hải Việt Nam khẳng định: Về cá nhân, ông hoàn toàn ủng hộ các ý kiến, quan điểm về giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị bảo tồn cũng như kế hoạch phát triển kinh tế ven sông, kinh tế đêm tại khu vực dự kiến xây dựng cầu Thủ Thiêm 4.

Cục Hàng Hải cũng đồng tình với ý kiến của các đại biểu về việc tính toán tĩnh không thông thuyền cầu Thủ Thiêm 4 cần tương đồng với quy hoạch, kế hoạch phát triển của thành phố; đặc biệt với cầu Phú Mỹ (vốn có tĩnh không thông thuyền lên tới 45m - PV) đã được xây dựng trước đó.

Làm một không gian trên bến dưới thuyền đúng nghĩa

Trình bày tham luận Tác động của thiết kế tĩnh không thông thuyền cầu Thủ Thiêm 4 với khu vực Cảng Sài Gòn, ông Nguyễn Hải Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam-Vinaconex đặt vấn đề: "Ở vùng đất này, dòng sông này, chúng ta cần làm gì? Nếu quyết tâm, chúng ta sẽ làm được không gian trên bến dưới thuyền đúng nghĩa."

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 14

Ông Nguyễn Hải Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam-Vinaconex.

"Mỗi một du khách đến Thành phố Hồ Chí Minh đều sẽ phải đến đó [sông Sài Gòn-PV], để hiểu hơn về thành phố của chúng ta. Bởi vậy, nếu cầu Thủ Thiêm 4 chỉ có tĩnh không 10m-15m thì theo tôi, chúng ta đã giết chết ý tưởng từ trong trứng nước. Thành phố đang chuyển mình và nỗ lực thực hiện các cơ chế để phát triển. Chúng ta hãy tập trung làm và làm tốt hơn nữa”, ông Linh nói.

Ông Linh cũng đề xuất cần xem xét điều chỉnh các cơ chế, chính sách chưa phù hợp vì sự phát triển chung của thành phố.

Xin giữ lại Cảng Sài Gòn vì đây là nguồn lực nếu chúng ta biết khai thác đúng mức

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 15

Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du lịch thuyền Sài Gòn phát biểu.

Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du lịch thuyền Sài Gòn khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh đang có một lợi thế rất lớn để phát triển du lịch đường biển mà ít thành phố nào trên thế giới có được. Cảng Sài Gòn cũng là nơi kết nối với các tuyến du lịch nội khu Đông Nam Á.

“Sông Sài Gòn chính là nền văn minh Nam Bộ, tôi cho rằng, chúng ta cần phải tính toán kỹ phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4, bởi chỉ cần tĩnh không sai sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động vận tải-du lịch trên sông. 90% du khách của tôi vào Vũng Tàu đều về TP Hồ Chí Minh hết. Tại sao chúng ta tự cắt nguồn lợi lớn như vậy? Xin giữ lại Cảng Sài Gòn vì đây là nguồn lực nếu chúng ta biết khai thác đúng mức”, ông Xuân Anh bày tỏ.

Thành phố nên xem xét toàn diện dự án cầu Thủ Thiêm 4, không chỉ về tĩnh không, thiết kế hay vị trí

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 16

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Trình bày ý kiến tại Hội thảo, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đằng sau câu chuyện tĩnh không của cầu Thủ Thiêm 4 còn có một câu chuyện lớn hơn về tư duy quy hoạch để phát triển hài hòa trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Cụ thể, KTS Nam Sơn nhận định: Các địa phương đang đứng trước một cơ hội rất lớn cần được tận dụng khi Luật Quy hoạch mới cho phép các tỉnh thành được làm lại quy hoạch theo tư duy tích hợp.

“Nhìn trên hiện trạng của khu vực Thủ Thiêm, chúng ta có thể thấy quy hoạch hiện tại đang là sự ráp nối của các quy hoạch đã có trước đó. Tôi hy vọng, với việc TP Hồ Chí Minh đang làm lại quy hoạch, thành phố nên xem xét toàn diện dự án cầu Thủ Thiêm 4, không chỉ về tĩnh không, thiết kế hay vị trí…”, chuyên gia kiến nghị.

Nhắc lại giá trị của di sản Bến Nhà Rồng, ông Nam Sơn cũng cho rằng, các cây cầu được xây dựng cần có sự liên kết giữa cái mới và cái cũ, đặc biệt với các công trình di sản.

“Chúng ta cần cân nhắc về tỷ lệ của cầu Thủ Thiêm 3 và Thủ Thiêm 4, tránh để Bến Nhà Rồng bị mất đi bản sắc và giá trị lịch sử. Tôi cho rằng, cây cầu Thủ Thiêm 4 có độ tĩnh không như thế nào, thiết kế mỹ thuật và kỹ thuật ra sao thì thành phố phải tính toán cẩn trọng. Tôi mong muốn thiết kế hai cây cầu này sẽ nằm trong chương trình định hướng lại quy hoạch TP Hồ Chí Minh gắn với quy hoạch sông Sài Gòn trong tương lai”, KTS Ngô Viết Nam Sơn kỳ vọng.

Thành phố Hồ Chí Minh cần phải giữ thương hiệu thương cảng Sài Gòn.

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 17

Nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình phát biểu tại hội thảo.

Nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình cho rằng: Việc di dời cảng khi phát triển đô thị đã từng xảy ra rất nhiều lần trên thế giới, nhưng có sự tiếp nối, không bị đứt gãy trên tinh thần nhân văn. Đồng ý với ý kiến của KTS Ngô Viết Nam Sơn, ông Thái Bình cho rằng, vấn đề đặt ra không chỉ là tĩnh không cầu cao bao nhiêu.

“Đáng ra, giá trị của Cảng Sài Gòn về du lịch đã phải được khẳng định từ rất lâu. Thành phố Hồ Chí Minh cần phải giữ thương hiệu thương cảng Sài Gòn. Nếu Thành phố Hồ Chí Minh không kể được các câu chuyện quá khứ, bằng các địa danh từ quá khứ thì sẽ rất đáng tiếc”, nhà nghiên cứu hàng hải Đỗ Thái Bình nhấn mạnh.

Cần tính toán lại để TP Hồ Chí Minh không đánh mất “lợi thế vàng”

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 18

Ông Nguyễn Quốc Kỳ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel), đồng tình với ý kiến quy hoạch cầu tại khu vực Thủ Thiêm đã “quá cũ” khi đã có từ… 20 năm trước. Là người đi sau, ông Kỳ cho rằng, chúng ta có thể kiểm nghiệm được và tránh vấp phải những sai lầm về quy hoạch cũ.

Về khía cạnh du lịch, ông Kỳ cho rằng, Cảng Sài Gòn còn tạo ra cơ hội để TP Hồ Chí Minh có thể đón du khách với số lượng cao gấp 10 lần số lượng khách của một tàu bay.

“Du lịch biển tiếp cận được vào trung tâm thành phố là một lợi thế không phải thành phố nào cũng có được. Chúng ta không thể giải thích được lý do vì sao cầu Phú Mỹ có tĩnh không 45m mà tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 lại dự kiến chỉ có 10m. Nâng tĩnh không cầu có thể tăng chi phí hiện tại nhưng sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu nhìn vào tương lai. Chúng tôi thực sự mong muốn thành phố tính toán lại để không đánh mất lợi thế quan trọng này”, ông Kỳ nhấn mạnh.

TP Hồ Chí Minh có lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế và du lịch đường biển, cần tìm cách đầu tư, duy trì và bảo tồn

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 19

Ông Lê Anh Sơn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam khẳng định, TP Hồ Chí Minh có lợi thế rất lớn về phát triển kinh tế và du lịch đường biển. Để giữ lại những lợi thế, phát huy giá trị lịch sử, cần trách nhiệm của cả cộng đồng, đặc biệt của những người đứng đầu thành phố.

“Tôi cho rằng, với một vị trí, một lợi thế đặc biệt như thế, Thành phố Hồ Chí cần tìm cách đầu tư, duy trì và bảo tồn”, ông Sơn nói.

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 20

Ông An Sơn Lâm phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Trong khi đó, ông An Sơn Lâm, đại diện doanh nghiệp du lịch hoạt động trên sông Sài Gòn 20 năm qua cho rằng: "Cảng Sài Gòn vốn đã là địa danh mang rất nhiều giá trị về văn hóa và lịch sử. Tôi cho rằng, cần cân nhắc rất kỹ khi xây dựng các cây cầu mới, với tầm nhìn dài hạn cho tương lai”.

Giao thông phải phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa-lịch sử

Tại hội thảo, đồng chí Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian gần đây, Thành phố hết sức quan tâm đến vấn đề quy hoạch đô thị ven sông. Thành phố đặt ra mục tiêu phát triển tương xứng với tiềm năng to lớn của sông Sài Gòn.

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 21

Đồng chí Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh

Nói về cầu Thủ Thiêm 4, đồng chí Trần Quang Lâm cho rằng, quy hoạch của cây cầu này đã có từ lâu. Do đó, trong quá trình triển khai, Sở Giao thông vận tải đã rất thận trọng; thường xuyên lắng nghe và tiếp thu các ý kiến liên quan; đồng thời nghiên cứu nhiều phương án, kịch bản thiết kế, trong đó có cả phương án làm hầm.

Người đứng đầu Sở Giao thông vận tải thành phố khẳng định, qua hội thảo, cơ quan chức năng cũng đã sáng tỏ nhiều vấn đề. Sở Giao thông vận tải, với trách nhiệm cơ quan chuyên môn sẽ báo cáo tiếp thu và báo cáo lại với lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố; cùng Sở Quy hoạch kiến trúc tham mưu, xem xét điều chỉnh cho phù hợp trên cơ sở tầm nhìn dài hạn.

“Giao thông phải phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa-lịch sử”, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.

Vượt lên câu chuyện của những cây cầu

Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, bày tỏ sự cảm kích khi các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp, sở, ban ngành đã thẳng thắn đóng góp ý kiến. Hội thảo đã đặt ra nhiều vấn đề quan trọng, vượt lên câu chuyện của những cây cầu, đó là câu chuyện về chiến lược phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng chí cũng bày tỏ niềm vui mừng khi các ý kiến tại hội thảo đều được Sở Giao thông vận tải thành phố phản hồi một cách tích cực.

Tìm phương án thiết kế tối ưu cầu Thủ Thiêm 4 ảnh 22

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

back to top