Tìm mô hình hiệu quả trong tổ chức, hoạt động của các đại học

NDO -

Trong thực tiễn triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14), việc tổ chức và hoạt động của mô hình đại học cũng nảy sinh một số vấn đề vướng mắc, bất cập cần được tháo gỡ; nhiều nội dung cần được quan tâm, làm rõ để tạo sự thống nhất từ nhận thức tới thực tiễn triển khai thực hiện luật.

Tìm mô hình hiệu quả trong tổ chức, hoạt động của các đại học

Đó là những vấn đề được Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa đặt ra tại hội thảo “Về mô hình tổ chức hoạt động của các đại học Việt Nam” tổ chức sáng 4/6 tại Đại học Quốc Gia Hà Nội, cơ sở Hòa Lạc.

Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý tham dự.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, hội thảo tập trung trao đổi về cơ cấu tổ chức của đại học; mối quan hệ, liên kết giữa các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc trong đại học; trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị.

Các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học cũng trao đổi về cơ chế quản lý và quản trị đại học; mức độ thực hiện tự chủ đại học và mối quan hệ giữa các thiết chế quyền lực trong nhà trường giữa cấp đại học với cấp đơn vị thành viên, đơn vị thuộc, trực thuộc đại học trên cơ sở tuân thủ sự lãnh đạo của Đảng, văn bản pháp luật, văn bản quản lý của Nhà nước.

Đáng chú ý, những vướng mắc, bất cập trong thực thi quy định pháp luật về tự chủ đại học liên quan đến các hoạt động chuyên môn, học thuật trong đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như trong thực thi quyền tự chủ về tài chính, tài sản; những kiến nghị, đề xuất cơ chế, giải pháp nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy các đại học phát triển xứng tầm nhiệm vụ được giao, tiếp cận với trình độ khu vực và trên thế giới… cũng được đưa ra thảo luận.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học cũng đưa ra các mô hình, đề xuất nhiều giải pháp cho hoạt động của các đại học.

GS, TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, trong điều kiện nguồn lực và cơ chế sẵn có, đang có, Đại học Quốc gia Hà Nội xác định phát triển trên các trụ cột chính: đào tạo, nghiên cứu khoa học, trách nhiệm xã hội và cộng đồng.

Trong đó, đào tạo tập trung vào chất lượng cao và trình độ cao. Đào tạo chất lượng cao tập trung vào bồi dưỡng phát triển đội ngũ nhân tài từ trình độ phổ thông chuyên cho đến các trình độ đào tạo đại học và sau đại học. Đào tạo trình độ sau đại học, trình độ cao chính là ưu tiên đào tạo các nhà khoa học cho hệ thống giáo dục đại học nước nhà và đại học quốc gia.

Đối với nghiên cứu khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung vào thế mạnh khoa học cơ bản nhưng cũng đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu để chuyển giao khoa học-công nghệ ứng dụng, đóng vai trò kết nối doanh nghiệp, kết nối xã hội cũng phát triển đất nước với các đội ngũ trí thức trong và ngoài nước.

Đối với trách nhiệm xã hội và cộng đồng, Đại học Quốc gia Hà Nội xác định tiên phong khi phát triển kênh hỗ trợ giáo dục phổ thông kênh chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp và kênh hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam kết nối các doanh nghiệp  giải bài toán nhân lực và bài toán đổi mới sáng tạo…

Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Tâm nêu băn khoăn mô hình tự chủ của đại học Việt Nam đang có chiều hướng phát triển và được cụ thể hóa trong Luật, nhưng việc thực thi tự chủ đại học nói chung và mô hình của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thì phương thức quản trị nào là phù hợp?

Vì vậy, các vấn đề cần làm rõ trong mô hình quản trị đại học gồm: Vai trò lãnh đạo của các tổ chức Đảng, đoàn thể; quyền hạn, trách nhiệm và mối quan hệ của Hội đồng đại học, Giám đốc, ban giám đốc, hội đồng trường, ban giám hiệu trường thành viên…

Trên cơ sở phân tích đặc thù đại học quốc gia, đại học vùng trong quản trị và tự chủ đại học theo mô hình 2 cấp, PGS, TS Huỳnh Văn Chương, Chủ tịch hội đồng Đại học Huế kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định riêng hướng dẫn về tự chủ về giáo dục đại học; không đánh đồng tự chủ đại học nói chung với tự chủ đại học 2 cấp với tự túc nguồn lực về tài chính.

GS, TS Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường đại học Vinh, cùng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ban, ngành xem xét sửa đổi luật, nghị định, thông tư hiện hành để bảo đảm đồng bộ và nhất quán, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

GS, VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, mô hình chung phát triển đại học phải tạo điều kiện tự chủ càng cao càng tốt. Tinh thần Luật Giáo dục đại học cũng mong muốn quyền tự chủ phải ngày càng cao.

Vì vậy, đối với các Đại học Quốc gia, cần phải giao nhiệm vụ và các quyền hạn thực hiện như các cơ quan Chính phủ. Đối với các đại học vùng vẫn thuộc bộ, ngành quản lý nhưng cần được giao tư cách hành chính như tổng cục. Cần tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học phát triển có đủ điều kiện để sẵn sàng hoàn thành các yêu cầu nhiệm vụ…

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, khi luật số 34/2018/QH14 ra đời quyền tự chủ các trường đại học, đại học tăng lên rất nhiều. Nhất là trường thành viên tự chủ cao hơn thì đặt ra vấn đề cấp đại học quốc gia cần quyền gì cao hơn để làm tốt nhất sứ mạng? Làm sao để nâng cao hiệu quả hoạt động, nâng cao tính cạnh tranh?

Vì vậy, cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về tự chủ đại học; đúng đủ những quy định trong luật. “Mô hình tổ chức hoạt động nào thì các đại học cũng bảo đảm quyền tự chủ gắn với trách nhiệm xã hội. Đại học mô hình ra sao cũng cần hướng đến lợi ích cộng đồng, xã hội…”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu quan điểm.