Chương trình Cafe Doanh nhân - Số 4/2022 với chủ đề “Phát triển thị trường đầu ra cho sản phẩm OCOP” diễn ra sáng 9/12 do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) tổ chức nhằm tạo không gian gặp gỡ, đối thoại cởi mở, thân thiện giữa chính quyền Thành phố với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân nhằm thảo luận về những giải pháp tìm đầu ra cho các sản phẩm OCOP.
Tại Chương trình, ông Lê Tự Lực - Phó Giám đốc HPA cho biết, năm 2022, kinh tế Hà Nội phục hồi tăng trưởng khoảng 8,8% - đạt cao trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Cùng với đó, các hoạt động thương mại, du lịch được khôi phục lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng ước đạt 10,9%. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục duy trì phát triển.
Để đạt được kết quả đó, Thành phố đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 1.649 sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt 3 sao trở lên, chiếm 1/4 của cả nước. Để duy trì và phát huy thế mạnh từ nguồn sản phẩm này, đồng thời đạt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2022 có trên 400 sản phẩm OCOP được công nhận, HPA tổ chức chương trình với mong muốn lắng nghe, tiếp nhận những đề xuất, kiến nghị để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP.
Tại chương trình, đại diện các doanh nghiệp tham dự đã cuộc trao đổi, thảo luận nhằm phát huy các thế mạnh của các sản phẩm OCOP, chia sẻ ý kiến nhằm tháo gỡ những khó khăn trong quá trình phân phối sản phẩm.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Huy Hoàng đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho rằng sẽ cùng chung tay phối hợp với cơ quan nhà nước đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số của doanh nghiệp nhằm kích cầu mua sắm, phát triển thị trường đầu ra cho các sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, bên cạnh đó các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng về nội dung đăng tải trên các sàn thương mại điện tử nhằm thu hút khách hàng và người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu chia sẻ về việc phát huy thế mạnh sản phẩm OCOP. |
Bên cạnh đó, để hỗ trợ sản phẩm OCOP được kết nối và phân phối trong các chuỗi bán lẻ, Sở Công thương cùng các sở, ngành Thành phố (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến…) đã thường xuyên chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối các sản phẩm OCOP qua việc tổ chức hoạt động, hội nghị giao thương. Cùng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề, du lịch nông thôn, tính đến nay trên địa bàn Thành phố đã phát triển 85 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại 25 quận, huyện, thị xã.
Theo ông Bùi Huy Hoàng, các doanh nghiệp cũng cần phối hợp cùng Thành phố, phát huy tối đa tinh thần sáng tạo, chủ động nắm bắt thời cơ, để tiếp tục cùng Thành phố phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực.