Câu chuyện
về sản phẩm OCOP năm sao
ở tỉnh vùng cao Hà Giang

Từ những búp chè Shan tuyết cổ thụ cùng với kinh nghiệm chế biến truyền thống của dân tộc Dao, Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã sản xuất ra hai sản phẩm tiêu biểu được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP năm sao, đó là Trà xanh gói 100gr và Hồng trà gói 100gr.

HÀNH TRÌNH
ĐẠT OCOP NĂM SAO

Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ thành lập năm 2008 bởi các gia đình người Dao ở thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì. Mục tiêu của hợp tác xã là làm cầu nối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, đưa thương hiệu chè Shan tuyết đến với người tiêu dùng trong nước, quốc tế.

Ông Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoàng Su Phì, người đồng hành cùng hợp tác xã từ ngày đầu thành lập cho biết: “Khi hợp tác xã mới thành lập, đã có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến chè có tiếng. Để tạo sự khác biệt, lợi thế so sánh, hợp tác xã chú trọng bảo tồn, khai thác giá trị nguyên khai của vùng nguyên liệu chè Shan tuyết bản địa nhằm tạo ra sản phẩm chè hữu cơ”.

Hợp tác xã tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái cho người dân, bảo đảm vùng nguyên liệu không bị tác động bởi thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh xây dựng vùng chè Shan tuyết hữu cơ.

Hiện nay, hợp tác xã có vùng nguyên liệu hơn 140ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu và 270 tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.

Nhận được sự quan tâm của chính quyền và các ngành chức năng, hợp tác xã được tạo điều kiện về vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, dây chuyền sản xuất.

Hiện nay, dây truyền sản xuất chè của hợp tác xã có công suất chế biến 10 tấn chè búp tươi/ngày.

Với dây truyền công nghệ hiện đại, hợp tác xã chế biến đã đa dạng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, tiêu thụ trong nước.

Hợp tác xã hiện có 6 dòng sản phẩm khác nhau mang thương hiệu Fìn Hò Trà. Mỗi loại sản phẩm đều có hương vị khác nhau tùy thuộc sở thích của người dùng.

Bình quân mỗi năm, hợp tác xã thu mua từ 650 đến 900 tấn chè búp tươi cho người dân, tiêu thụ từ 90 đến 100 tấn chè thành phẩm. Ngoài thị trường Việt Nam, đã xuất khẩu sản phẩm đến đến Đài Loan, Trung Quốc.

Doanh thu của hợp tác xã tăng từ 500 triệu đồng năm đầu thành lập lên 10 tỷ/năm trong những năm gần đây.

Với những sản phẩm chè đặc sắc, năm 2018, hợp tác xã đăng ký tham gia chương trình OCOP.

Hoàn thiện sản phẩm, lựa chọn tạo vùng nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất, xác định sản phẩm tốt nhất và có tiềm năng lớn nhất để đưa vào xây dựng hồ sơ OCOP.

Người dân tộc Dao thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì thu hái chè Shan tuyết cổ thụ bán cho Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ

Người dân tộc Dao thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì thu hái chè Shan tuyết cổ thụ bán cho Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ

Hợp tác xã chọn các sản phẩm tham gia thi chấm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao; 2 sản phẩm đạt 3 sao.

Đặc biệt có 2 sản phẩm ưu thế nhất đó là Hồng trà gói 100gr và Trà xanh gói 100gr được xem xét chấm OCOP quốc gia.

Đây là hai sản phẩm đặc trưng nhất của hợp tác xã, bởi ngay trên bao bì sản phẩm là hình ảnh bà cụ người Dao đỏ uống trà; nguyên liệu, kỹ thuật chế biến cũng được lấy từ quê hương của cụ già người Dao tại thôn Phìn Hồ. Khẳng định đây là sản phẩm của người dân tộc, mang thương hiệu và chứa đựng bản sắc dân tộc thiểu số Việt Nam.

Sản phẩm Hồng trà được chấm OCOP năm sao

Sản phẩm Hồng trà được chấm OCOP năm sao

Hai sản phẩm của hợp tác xã không đơn thuần là thức uống quen thuộc của người tiêu dùng, mà bên trong nó còn mang theo câu chuyện lịch sử lâu đời của những cây chè Shan tuyết cổ thụ Hà Giang, những nét văn hóa độc đáo của đồng bào bản địa được truyền tải đến khách hàng, thu hút du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng của địa phương.

Cả hai sản phẩm của HTX chế biến chè Phìn Hồ được Hội đồng thẩm định Quốc gia đánh giá cao và công nhận sản phẩm Quốc gia OCOP năm sao. Kết quả này không chỉ khẳng định sự thành công và hướng đi đúng của hợp tác xã mà còn góp phần nâng tầm giá trị cho vùng chè Shan tuyết.

Bà Lý Mùi Mương, Phó Giám đốc Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ cho biết, để có được các sản phẩm OCOP, hợp tác xã nhận được sự quan tâm rất lớn từ chính quyền, ngành chức năng từ tỉnh đến huyện trong việc lập hồ sơ, từ vấn phát triển sản phẩm; hỗ trợ xây thiết kế bao bì, nhãn mác và quảng bá sản phẩm; xây dựng câu chuyện về sản phẩm OCOP năm sao.

NÂNG TẦM GIÁ TRỊ
CHÈ SHAN CỔ THỤ

Cây chè Shan tuyết ở tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Hoàng Su Phì nói riêng có lịch sử từ rất lâu. Đến nay, trên vùng đất phía Tây của tỉnh Hà Giang vẫn còn giữ được khoảng 4.600ha chè Shan tuyết cổ thụ.

Qua thống kê, tại huyện Hoàng Su Phì còn hơn 5 triệu cây chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi hơn 300 tuổi và hơn một triệu cây chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi trên 500 tuổi.

Vùng chè Shan tuyết cổ thụ Hoàng Su Phì đóng vai trò quan trọng để tỉnh Hà Giang lập hồ sơ, đề xuất Hiệp hội di sản thiên nhiên Việt nam chứng nhận 1.324 cây chè cổ thụ tại Hà Giang là cây di sản, được đưa vào danh sách tài sản quốc gia, bảo tồn theo quy định của Pháp luật.

Cây chè Shan tuyết cổ thụ ở thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì được công nhận là cây di sản Việt Nam

Cây chè Shan tuyết cổ thụ ở thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì được công nhận là cây di sản Việt Nam

Đặc biệt, với điều kiện sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên trên những đỉnh núi cao, trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đã có hơn 2.000ha được cấp giấy chứng nhận chè hữu cơ; hơn 140ha đạt tiêu chuẩn Organic châu Âu. Đây là tiềm năng nguyên liệu quý để sản xuất các loại sản phẩm cao cấp như: Hồng Trà, Bạch trà, Bạch trà tiên có giá trị rất cao.

Khi có hai sản phẩm chè được công nhận OCOP năm sao, danh tiếng, thương hiệu, giá trị chè Shan tuyết cổ thụ Hoàng Su Phì được nâng lên, đem lại lợi ích kinh tế cho những người làm chè.

Sản xuất chè tại Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ

Sản xuất chè tại Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ

Thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên có 50 hộ dân chăm sóc gần 70ha chè Shan tuyết cổ thụ. Trưởng thôn Phìn Hồ Lý Chòi Vạn cho biết: “Từ khi hợp tác xã có các sản phẩm đạt OCOP năm sao, giá trị chè Shan tuyết cao hơn so với trước. Hiện nay, người dân chủ yếu thu hái chè búp tươi để chế biến ra các sản phẩm chè chất lượng cao như Bạch trà, Hồng trà với giá bán bình quân từ 25 đến 300 nghìn/1kg tùy từng loại. Mỗi năm, sản lượng chè thu hái của thôn cũng hơn 40 tấn, đem lại nguồn thu lớn và ổn định cho người dân”.

Các sản phẩm chè của Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ nhận được sự quan tâm của du khách

Các sản phẩm chè của Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ nhận được sự quan tâm của du khách

Gia đình ông Lý Văn Lìn là một trong những hộ có nhiều chè nhất thôn Phìn Hồ. Mỗi năm bình quân gia đình cũng thu hơn 100 triệu từ cây chè. Ông Lìn cho biết, cái được lớn nhất khi tham gia hợp tác xã là sản phẩm chè không bị tư thương ép giá, bên cạnh đó khi có sản phẩm OCOP thì giá trị thu mua nguyên liệu cao hơn. Nhờ đó mà người chè được hưởng lợi.

Dây truyền sản xuất chè hiện đại của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ

Dây truyền sản xuất chè hiện đại của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ

Từ một thôn vùng cao nghèo khó, đời sống của người dân thôn Phìn Hồ nay đã thay đổi nhờ nghề làm chè, cả thôn không còn hộ đói nghèo, một số hộ chịu khó nên có của ăn của để.

Không bị tư thương ép giá, người làm chè yên tâm sinh sống bằng nghề làm chè.
- Bà Trần Thị Thu Phương -

Bà Trần Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên cho biết: Xã có gần 670ha chè Shan cổ thụ với sản lượng mỗi năm khoảng 2.000 tấn. Từ khi hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ xây dựng và được công nhận hai sản phẩm OCOP năm sao thì giá trị vùng chè giá trị sản phẩm tăng cao hơn mọi năm do sản phẩm chè được quảng bá rộng hơn và dễ tiêu thụ hơn. Đặc biệt là không bị tư thương ép giá, người làm chè yên tâm sinh sống bằng nghề làm chè.

Item 1 of 3

Ngày xuất bản: 5/12/2022
Chỉ đạo thực hiện: HÀ QUỐC VIỆT
Nội dung: KHÁNH TOÀN
Trình bày: DIỆU THU