Tìm hướng đi cho hoạt hình Việt Nam

NDO -

Mặc dù trang thiết bị không thua kém các nước trong khu vực, công nghệ làm phim tiên tiến, nghệ sĩ được đào tạo bài bản, nhưng phim sản xuất hằng năm vẫn chủ yếu để cho người trong giới xem, đó là thực trạng của phim hoạt hình Việt Nam hiện nay. Sáng tác kịch bản, tìm cách nâng cao chất lượng làm phim và tìm đầu ra cho hoạt hình nước nhà là những vấn đề đau đầu của các nhà làm phim, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt với phim hoạt hình của các nền điện ảnh phát triển trong khu vực và thế giới.

Phim hoạt hình 3D "Dưới bóng cây" của Việt Nam. (Ảnh: Internet)
Phim hoạt hình 3D "Dưới bóng cây" của Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Sự hấp dẫn của phim hoạt hình thế giới

Tối nào cũng vậy, cứ rời khỏi bàn học là cậu con trai nhỏ của tôi lại dán mắt vào những chương trình giải trí, khám phá hấp dẫn, học mà chơi - chơi mà học và đặc biệt là những bộ phim hoạt hình đặc sắc trên các kênh truyền hình dành cho thiếu nhi. Với trẻ nhỏ cùng lứa tuổi với con tôi, các kênh: BiBi, Disney Channel, Catoon NetWook... là người bạn quen thuộc trong khoảng thời gian giải trí của các em. Phim in trên đĩa DVD thì vô cùng phong phú, từ các phim đoạt Giải Ô-xca, phim hoạt hình định dạng 2D, 3D không những hấp dẫn trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng thấy thích thú như: Vương quốc xe hơi, Câu chuyện đồ chơi, Người khổng lồ xanh, Alice ở xứ sở thần tiên, Ði tìm Nemo, Kỷ băng hà, Kung-fu Pan-đa,... đến loạt phim Tom and Jerry, Micky treat, v.v hay các phim hoạt hình dài tập khác.

Ðiều gì khiến phim hoạt hình nước ngoài hấp dẫn trẻ nhỏ đến vậy, nhất là những phim thương mại của Hô-ly-út, phim đoạt giải thưởng hằng năm của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Ðiện ảnh Mỹ? Một thí dụ gần nhất là bộ phim Brave (Nàng công chúa tóc xù), Giải Ô-xca cho phim hoạt hình xuất sắc nhất năm 2012. Chuyện phim không có gì mới như vấn đề về nữ quyền, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy... vậy tại sao nhiều người sẵn sàng bỏ tiền để được thưởng thức câu chuyện về cô công chúa này. Nhà biên kịch Lâm Mạnh Tùng cho rằng, một câu chuyện hấp dẫn, một thế giới kỳ thú, một chủ đề mạnh đều có hiệu quả rất ít nếu nhân vật không thú vị và cuốn hút. Con người luôn bị quyến rũ bởi sức mạnh, và công chúa tóc xù chính là một cô gái mạnh mẽ, rất thương cha mẹ, nhưng lại mâu thuẫn với họ về mục tiêu của cuộc đời. Xem phim, khán giả cảm thấy nhân vật như là hình bóng của mình trong đó.

Lý giải những thắc mắc vì sao có những phim không được lồng tiếng, thậm chí không nghe rõ lời thoại, nhưng khi xem các em vẫn cười như nắc nẻ, nhà thơ Trần Ninh Hồ, người cũng có hai cháu nội ở độ tuổi mẫu giáo nhận xét rằng: "Với đám khán giả nhí, chưa biết chữ này, dù là một người viết kịch bản, tức là phần chữ của phim, công lao không nhỏ, thì cũng xin lùi lại phía sau các họa sĩ, các nghệ sĩ tạo hình cho phim vài ba bậc vì sự giao cảm mạnh mẽ, gần như vô song của hình, nét vẽ, mầu và sự chuyển động, mà khâu sản xuất phim đã tạo ra".

Xem những bộ phim hoạt hình sản xuất thời gian gần đây, đặc biệt là những tác phẩm đoạt giải tại các kỳ Liên hoan phim quốc gia, giải thưởng cánh diều hằng năm của Hội Ðiện ảnh Việt Nam như: Chiếc lá (Hồng Sơn), Bò vàng (Trần Khánh Duyên), Càng to càng nhỏ (Trịnh Lâm Tùng), Bù nhìn rơm (Phùng Văn Hà), Khoảng trời (Lê Bình)... đều thấy rõ cố gắng vượt bậc của các nghệ sĩ. Ðặc biệt, chùm phim hoạt hình sản xuất năm 2012 của Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, được đánh giá là chất lượng tốt, giàu tính nhân văn nhưng hầu hết những sản phẩm này đều không có cơ hội đến với khán giả. Tính trung bình, số lượng tác phẩm của công ty sản xuất hằng năm là 10 phim, và năm 2013 tăng lên là 16 phim nhưng không có đầu ra, cho nên trẻ em không có cơ hội xem phim hoạt hình nước nhà cũng là điều dễ hiểu. Tham khảo một số cửa hàng băng đĩa trên địa bàn TP Hà Nội, khi hỏi về phim hoạt hình Việt Nam đều nhận được cái lắc đầu của người bán. Hiện công ty đã có một cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm đĩa phim tại số 7 Trần Phú, Hà Nội nhưng số lượng người mua cũng rất hạn chế. Không được tiếp cận với hoạt hình trong nước, nên khái niệm phim hoạt hình Việt Nam có hay không, còn hay mất đều rất mơ hồ, đặc biệt là thiếu nhi. Và mặc định trong suy nghĩ của trẻ nhỏ, phim hoạt hình Việt Nam không hay, thiếu hấp dẫn. Nhiều em còn tỏ ra ngạc nhiên khi biết nước mình cũng sản xuất phim hoạt hình.

Làm "để cho người trong giới xem"

Ðối với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, hoạt hình là thể loại dễ thu tiền nhất, không chỉ nguồn thu từ phát hành phim mà cả từ việc bán đĩa, sản xuất truyện tranh từ kịch bản phim, kinh doanh đồ chơi, quần áo từ nhân vật của phim hoạt hình... Còn hoạt hình Việt Nam hiện nay đang trong tình trạng không bị sức ép về doanh thu, chủ yếu vẫn do Nhà nước đặt hàng, cho nên sản phẩm làm ra nói như cách các nghệ sĩ thường đùa là "để cho người trong giới xem". Trước kia, công tác phát hành phim của công ty phụ thuộc vào Fafilm Việt Nam, thời gian gần đây thì do chính bản thân hãng. Nghệ sĩ quen với việc chỉ biết làm phim, chú trọng vào nghề nghiệp mà không mấy để ý đến vấn đề quảng cáo, tiếp thị sản phẩm và cũng không có kinh phí cho hoạt động này. Khán giả nhí là đối tượng chính, có thể mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ thì thờ ơ với hoạt hình trong nước sản xuất. Nhiều ý kiến cho rằng, lý do phim hoạt hình Việt Nam không thu hút được trẻ em bởi cách thể hiện chưa mạch lạc, thiếu hấp dẫn, diễn biến phim đều đều, tẻ nhạt, không có cao trào và đột biến bất ngờ. "Không thua kém các nước trong khu vực về công nghệ, trang thiết bị máy móc, có chăng là thua về tư duy nghệ thuật" đó là lý giải của ông Ðặng Vũ Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam.

Tại các trại sáng tác kịch bản được tổ chức hằng năm, phần lớn người tham gia đều là những nhà viết kịch cao tuổi, còn mục tiêu đề ra của phim hoạt hình vẫn theo tiêu chí có sẵn là giáo dục đạo đức, tác phong cho thiếu nhi mà thiếu thực tế về trẻ em hiện nay. Không nắm bắt được tâm tư, tình cảm và nhu cầu của các em cho nên những trang viết trở nên khô cứng, giáo điều. Nhà báo Ngô Minh Nguyệt, người từng cộng tác với Hãng phim hoạt hình cho rằng: "Có thể với mỗi người viết, bản thân họ đã có một số lượng nhất định những câu chuyện mà họ tâm đắc hay thích thú muốn chia sẻ và làm phim. Tuy nhiên, do đặc thù khá chuyên biệt của hoạt hình như sự ước lệ, bay bổng, phi hiện thực mà nhiều khi những người viết không chuyên khó tiệm cận, bắt được mạch của cách viết một kịch bản phim hoạt hình...". Thực tế có những kịch bản dự trại sáng tác được đánh giá rất cao nhưng khi đến tay các nghệ sĩ thì không thể làm phim bởi ngôn ngữ và câu chuyện thể hiện khá rườm rà, nhiều tình tiết nhưng lại ít chất hoạt hình. Muốn tập hợp được những cây bút, bên cạnh các trại sáng tác, mỗi năm hãng cần có những cuộc gặp gỡ để trao đổi, chỉ ra điều hay, điều dở từ những kịch bản được gửi đến để người viết có cơ hội nắm bắt, vận dụng linh hoạt ngôn ngữ hoạt hình vào kịch bản của mình.

Tìm đầu ra cho sản phẩm

Ngoài Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, hiện có Hãng phim Giải phóng, Hãng phim Hội Ðiện ảnh, Công ty TNHH MVT Bamboo Animation... tham gia vào lĩnh vực này nên số lượng phim sản xuất ra hằng năm tương đối phong phú. Mặc dù vậy, nhiều bộ phim hoạt hình Việt Nam vẫn rơi vào tình trạng khô cứng và thiếu tiếng cười. Mảng phim hoạt hình lịch sử được đầu tư khá tốn kém, một số phim đủ thời lượng để ra rạp như Hào khí Thăng Long và Người con của rồng cũng đơn thuần là kể lại lịch sử, quá nhiều lời nói, nhiều tư liệu lịch sử nên khán giả nhỏ khó tiếp nhận.

Hiện tại, quân số của Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam là 100 cán bộ, công nhân viên, nghệ sĩ. Có một thời gian công ty khủng hoảng nhân lực bởi hầu hết đội ngũ sáng tác được đào tạo tại nước ngoài đều đã nghỉ hưu, nhưng những năm trở lại đây các đạo diễn, họa sĩ trẻ đầu quân về công ty được đào tạo bài bản, nhiều người đã khẳng định được tên tuổi qua các kỳ liên hoan và giải thưởng của Hội như Trần Khánh Duyên, Trịnh Lâm Tùng, Phùng Văn Hà, Lê Bình... Ðể khuyến khích nghệ sĩ, kích thích sáng tác, tạo không khí làm việc, công ty đề ra quy chế thưởng, phạt rõ ràng qua chất lượng tác phẩm chứ không cào bằng như trước kia. Những nghệ sĩ đã về chế độ, có tay nghề vững vàng, nếu có nhu cầu sẽ tiếp tục được ký hợp đồng làm việc. Sự giao thoa giữa kinh nghiệm cũ và công nghệ mới sẽ khiến việc làm phim hiệu quả hơn. Công ty cũng mời nhiều chuyên gia trong nước, nước ngoài ở lĩnh vực này giảng dạy từng công đoạn làm phim cho đội ngũ sáng tác của mình.

Thật khập khiễng nếu so sánh phim hoạt hình trong nước và phim của các nền công nghiệp điện ảnh phát triển, nhưng qua chùm phim sản xuất thời gian gần đây cho thấy, hoạt hình Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể về mặt nội dung và kỹ thuật. Trước mắt, để sản phẩm của mình được phổ biến rộng rãi, có nhiều cơ hội cọ xát với khán giả, Công ty TNHH MVT Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã đầu tư nâng cấp hai phòng chiếu 70 chỗ và 150 chỗ tại trụ sở số 7 Trần Phú, Hà Nội, đồng thời triển khai việc đưa phim lên một số mạng di động và in-tơ-nét. Năm 2012, công ty đã phục vụ được hơn 2.000 lượt chiếu tại địa chỉ trên và đưa được nhiều phim đến các trường học trên địa bàn Hà Nội.