Tìm hướng đi cho hoạt hình Việt: Cần chú trọng từ khâu đào tạo

NDO - Hoạt hình Việt Nam từng có một bề dày lịch sử, với những thành tích không kém cạnh là mấy so với các thể loại phim truyện điện ảnh hay tài liệu. Nhưng những năm gần đây, hoạt hình Việt trở nên trầm lắng, không nhận được nhiều sự quan tâm cả từ phía khán giả và cơ quan quản lý. Vậy hướng đi nào để vực dậy sự phát triển mạnh mẽ của hoạt hình Việt, cũng như để có được những bộ phim hoạt hình dài hơi, mang tầm vóc và thương hiệu Việt?
0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả trò chuyện về phim hoạt hình Việt.
Các diễn giả trò chuyện về phim hoạt hình Việt.

Đó là điều các chuyên gia, các đạo diễn hoạt hình lâu năm cũng như những người làm trong ngành điện ảnh đưa ra bàn thảo, trong khuôn khổ cuộc tọa đàm “Phim hoạt hình Việt Nam – Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế” do Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam thực hiện.

Tìm hướng vực dậy một nền hoạt hình từng rực rỡ trong quá khứ

Họa sĩ, đạo diễn, NSND Phạm Minh Trí cho biết, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam tiền thân là Xưởng hoạt họa búp bê ra đời năm 1959, với một đội ngũ các nghệ sĩ tiền bối tâm huyết, lại được đào tạo bài bản cả ở trong nước và đào tạo chuyên ngành ở Liên Xô cũ. Với sự hăm hở, lãng mạn, những bộ phim hoạt hình đầu tiên của Việt Nam đã ra đời.

Vào năm 1967, bộ phim hoạt hình màu đầu tiên của Việt Nam ra đời. Những năm sau đó, mặc dù điều kiện trong chiến tranh vô cùng khó khăn, nưhng hoạt hình Việt Nam lại phát triển rất mạnh mẽ, với nhiều phim thành công, đạt được thành tựu lớn trong thời kỳ này, đi dự các liên hoan phim quốc tế lớn hằng năm. ‘Đây là kỷ nguyên phim hoạt hình sử dụng phim nhựa và đã phát triển rất rực rỡ. Chúng tôi cũng đã trải qua giai đoạn làm phim ấy, rất cầu kỳ, công phu và rất đáng tự hào” – Họa sĩ, NSND Phạm Minh Trí chia sẻ.

Đến năm 2004, theo họa sĩ Phạm Minh Trí, công nghệ số bắt đầu được ứng dụng vào làm phim hoạt hình, giúp cho việc làm phim nhanh hơn và chất lượng hơn.

Tìm hướng đi cho hoạt hình Việt: Cần chú trọng từ khâu đào tạo ảnh 1

Hãng phim hoạt hình Việt Nam. (Ảnh: Hãng phim)

Theo NSND Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hãng Phim hoạt hình Việt Nam, mỗi năm Hãng được Nhà nước đặt hàng khoảng trên dưới 20 phim, với đề tài phong phú, lịch sử, cổ tích, đồng thoại, có tính giáo dục, bổ ích cho trẻ em. Ngoài dự giải Cánh diều, Hãng còn đưa phim đi dự các liên hoan phim khác, đồng thời up các phim mới sản xuất lên Youtube để tự quảng bá. Hè 2022, Hãng đã có chương trình chiếu phim hoạt hình miễn phí dành cho thiếu nhi ở Trung tâm chiếu phim quốc gia. NSND Phạm Ngọc Tuấn cho biết, một số phim hoạt hình Việt đã nhận được phản hồi tích cực, thí dụ như phim “Ốc sên” của đạo diễn Trịnh Lâm Tùng.

Ông Phạm Ngọc Tuấn cũng cho rằng, hiện nay công nghệ số phát triển, tạo điều kiện cho Hãng làm nhiều phim phong phú hơn. Đội ngũ sản xuất của Hãng hiện nay cũng rất trẻ và nhiệt huyết, nhưng cũng có kinh nghiệm nghề nghiệp để làm ra những bộ phim có sức trẻ.

Tuy nhiên, NSND Phạm Ngọc Tuấn cũng cho rằng, hoạt hình Việt Nam vẫn còn ở mức rất khiêm tốn. Số lượng phim của Hãng sản xuất ra đều nhưng vẫn chỉ có thời lượng khoảng 8-10 phút, nhiều nhất là trên dưới 30 phút, chưa có phim đủ dài để chiếu rạp. Thực tế ngoài rạp hiện nay, phim hoạt hình nước ngoài hoàn toàn chiếm lĩnh thị trường, phim Việt Nam chỉ có thể chiếu miễn phí theo từng đợt tuyên truyền hoặc phục vụ cộng đồng. Ông Phạm Ngọc Tuấn đặt hy vọng vào các nhà sản xuất trẻ, mong rằng với sức trẻ và nhiệt huyết, họ sẽ tạo ra được những bộ phim dài hơi để chiếu rạp, hoặc tạo ra những nhân vật hoạt hình tiêu biểu, mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Cần có sự đầu tư bài bản cho đào tạo

Tham gia tọa đàm với vai trò góc nhìn của người làm đào tạo, PGS,TS Nguyễn Nghĩa Phương (Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam) cho biết, Truòng đại học Mỹ thuật Việt Nam từ trước đến nay đã trải qua nhiều ngành đào tạo khác nhau. Đã có nhiều người học hội họa hoặc điêu khắc ở trường sau này trở thành đạo diễn, họa sĩ phim hoạt hình. Thậm chí nhiều họa sĩ đã trở thành các bậc tiền bối tên tuổi của ngành hoạt hình Việt Nam như Trương Qua, Ngô Mạnh Lân, Lê Minh Hiền, Hồ Quảng…

PGS,TS Nguyễn Nghĩa Phương cũng cho biết, hiện nay, ở Đại học Mỹ thuật Việt Nam có khoa Đồ họa, trong đó có các ngành liên quan một phần nào đấy của quy trình hoặc các công đoạn làm phim hoạt hình, như các nội dung làm hình ảnh động, thiết kế clip, video art…Họa sĩ phim hoạt hình Trịnh Lâm Tùng từng có nhiều năm giảng dạy tại đây. “Những kiến thức đó tuy chưa thể đủ để các em làm phim hoạt hình, nhưng cũng giúp được phần nào trong quá trình làm nghề của các em. Thí dụ như các em có thể tự phác thảo hình ảnh, quay phim và sau đó dựng hình 2D, 3D trên máy tính và sau đó xuất ra một đoạn phim ngắn. Có thể với một cơ duyên nào đó, với những kiến thức đã học, sinh viên của chúng tôi lại sang làm việc với Hãng phim hoạt hình Việt Nam hoặc các đơn vị sản xuất phim hoạt hình nào đó…” – anh Nguyễn Nghĩa Phương chia sẻ.

Cùng trong ngành đào tạo, thầy Phan Văn Hùng, Trường đại học Văn Lang (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, những năm gần đây, ngành hoạt hình phát triển rất nhanh và có nhiều kỹ thuật đáng khích lệ. Ngoài việc sản xuất phim hoạt hình truyền thống, còn có những mảng áp dụng công nghệ số.

Thầy Phan Văn Hùng trăn trở việc ứng dụng các phần mềm cho phim và mong mảng này sẽ được quan tâm hơn. “Cần gửi người ra nước ngoài học để chia sẻ kiến thức, để làm sao đội ngũ sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu hiện tại.

Còn thầy Phan Quân Dũng, Trưởng khoa thiết kế Đại học Văn Lang cho biết, khoa có đào tạo về hoạt hình cả trong game và phim, đều là những mảng quan trọng. Thầy Phan Quân Dũng đưa ra giải pháp tổng thể, muốn đổi mới nền hoạt hình Việt, cần có sự đồng bộ cả về tư duy, chính sách, nguồn lực kinh tế và nguồn lực con người, trong đó có đào tạo bài bản.

Chung ý kiến này, đạo diễn, NSND Hà Bắc cho rằng, hiện nay về đào tạo nhân lực cho hoạt hình mới chỉ chú trọng về nghệ thuật, chưa chú ý đến kỹ thuật, trong khi đây cũng là khâu quan trọng của hoạt hình. ‘Chúng ta còn thiếu ở nhiều lĩnh vực đào tạo, thí dụ như nghệ thuật, kỹ thuật làm phim từng hình, rồi đạo diễn, kịch bản, sản xuất”. – đạo diễn Hà Bắc nói.

Muốn vực dậy nền hoạt hình, thay đổi từ gốc hay từ ngọn đều quan trọng, từ gốc là đào tạo nhân lực, chính sách cho sự phát triển, và từ ngọn là tư duy chung về phim hoạt hình. Đó cũng là điều mà những người làm hoạt hình hằng mong mỏi.